Quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải cho công nhân làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người lao động, nhất là lao động tự do.

Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trao quà hỗ trợ cho công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HẢI

Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trao quà hỗ trợ cho công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HẢI

Là một hướng dẫn viên du lịch luôn tất bật quanh năm nhưng kể từ sau Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Hồng Nhung phải ở nhà trông con. Chị Nhung cho biết, Công ty Du lịch (Hà Nội), nơi chị làm việc đã cắt giảm hai phần ba hướng dẫn viên bởi nhiều khách hủy tua từ khi dịch Covid-19 bùng phát. "Gần mười năm trong nghề du lịch thì đây là thời điểm khó khăn nhất mà tôi chứng kiến. Thường thì mùa Tết và sau Tết, chúng tôi luôn đầy kín lịch, làm không xuể. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát làm cho khách hàng đặt tua trước đó đồng loạt hủy, khiến các công ty du lịch lao đao. Hướng dẫn viên rồi tài xế, phụ xế, nhà xe cũng nghỉ, bộ phận văn phòng cũng "ngồi chơi xơi nước" bởi chẳng có việc gì để làm. Ðây là cú sốc lớn nhất cho ngành du lịch và bản thân tôi. Không biết những ngày tới như thế nào, nhưng khởi đầu năm như vậy là thấy mệt rồi". Tình thế bất ngờ này buộc vợ chồng chị Nhung phải cắt giảm chi tiêu, bởi công việc của chị đem lại nguồn thu nhập chính của gia đình.

Trong tình cảnh tương tự, suốt hai tháng nay, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Văn Quang, lái xe Grab ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), gần như đảo lộn vì dịch Covid-19. Cách đây ba năm, vợ chồng anh rời quê Hưng Yên đến Hà Nội làm thuê. Chồng hằng ngày chạy Grab, vợ làm gia sư. Hai vợ chồng chịu khó "cày cuốc" cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt, nuôi hai đứa con nhỏ ở thành phố. Giờ thì cả bốn người đều ở nhà, quanh quẩn trong căn nhà trọ diện tích 16 m2. Anh Quang bộc bạch: "Trước khi dịch bệnh, tôi chạy xe từ 10 đến 12 tiếng, thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Vợ tôi cũng dạy thêm ba buổi/tuần, không để dành được nhiều, nhưng cuộc sống cũng tạm ổn. Gần tháng nay, lái xe công nghệ cũng phải nghỉ vì dịch, cả ngày không kiếm nổi một đồng. Dịch bệnh mà kéo dài nữa, gia đình tôi chưa biết sống ra sao".

Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội, cho nên nhiều cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa khiến các lao động tự do lao đao. Trong khi có không ít lao động tự do mất việc đã nhanh chóng trở về quê, thì nhiều người vẫn cố gắng bám trụ ở Hà Nội với hy vọng "kiếm được đồng nào hay đồng ấy". Thế nhưng, dịch bệnh khó lường đã khiến họ lâm vào thế "mắc kẹt". Chị Nguyễn Thị Hân quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), chuyên giúp việc theo giờ kể: "Có quê mà chẳng dám về, sợ bị đưa đi cách ly, ảnh hưởng đến gia đình ở quê. Chủ nhà trọ thương tình cũng giảm tiền thuê trọ từ 1,5 triệu xuống một triệu đồng/tháng. Mấy hôm rồi, có người phát quà từ thiện gạo, mì tôm và trứng, chúng tôi đỡ được hai bữa ăn mỗi ngày. Bố mẹ già yếu, chúng tôi trở thành trụ cột gia đình, chưa bao giờ tôi thấy gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đè lên vai như lúc này. Chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn".

Những câu chuyện nêu trên không phải là hiếm gặp trong thời điểm hiện nay. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ước tính cả nước có khoảng 15% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hàng triệu người lao động làm việc trong doanh nghiệp mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn các ngành, nghề khác.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cùng với những đề xuất, đưa ra các giải pháp của bộ, ngành đồng hành cùng người lao động, ngày 10-4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ðây được xem là "phao cứu sinh" kịp thời giúp hàng triệu lao động vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Ðiểm đặc biệt của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng này là ngoài lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo... thì nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động, người bị mất việc làm cũng được hỗ trợ. Theo đánh giá của chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, đang phải dồn lực cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định nền kinh tế, gói hỗ trợ tổng trị giá 62.000 tỷ đồng đã thể hiện vai trò "bà đỡ" của Chính phủ, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân và trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Thông qua gói hỗ trợ này, chúng ta tin tưởng rằng, mọi đối tượng bị tác động về mặt đời sống bởi dịch Covid-19
đều được quan tâm.

Chủ trương của Ðảng, hành động của Chính phủ thông qua việc ban hành chính sách an sinh xã hội với gói hỗ trợ cho những đối tượng là người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Ðể gói hỗ trợ này sớm đến được tới tay người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cùng với sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, các doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống cho người lao động. Cùng với đó, người lao động nói riêng và người dân nói chung cần có trách nhiệm hơn với lời kêu gọi của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành y tế..., tuân thủ tốt việc chống dịch Covid-19, coi chống dịch như chống giặc. Mỗi người cần thực hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ cùng nhau ổn định tinh thần, khắc phục khó khăn vượt qua dịch bệnh để duy trì sản xuất, lao động với hiệu quả cao nhất.

Khi chính sách đã được ban hành, mong muốn chung của các doanh nghiệp và người lao động là các địa phương sớm triển khai các đơn vị thống kê chặt chẽ, công khai, minh bạch những đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực được hỗ trợ để tránh việc khai khống để hưởng lợi. Đồng thời, cũng cần giảm những thủ tục rườm rà để kịp thời hỗ trợ người lao động. Tuy khoản tiền mỗi người nhận được không nhiều, nhưng cũng phần nào giúp họ khắc phục đời sống đang rất khó khăn.

ĐỖ VĂN QUỐC
Giám đốc Công ty Du lịch HT, Hà Nội

Cần tuyên truyền, giải thích để các địa phương tổ chức triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Ðồng thời các cơ quan liên quan cần kiểm tra, giám sát để gói hỗ trợ này đến đúng đối tượng, đem lại hiệu quả như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Luật sư ÐỖ THỊ HƯƠNG GIANG

(Công ty Luật Tường Minh và Cộng sự)

Qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy trường hợp của mình nằm trong nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi rất xúc động. Tuy không nhiều, nhưng số tiền tôi sẽ nhận được từ gói hỗ trợ này sẽ góp phần giúp tôi bớt đi những khó khăn.

TRẦN VĂN THỦY
Công nhân xây dựng quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/44227202-quan-tam-ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-dich-benh.html