Quan tâm đến giáo dục cho trẻ… đặc biệt

Năm học mới 2019-2020 đã chính thức bắt đầu trên cả nước, cùng với những giải pháp thực hiện các nhiệm vụ năm học, mục tiêu của giáo dục nói chung, quan tâm đến thầy và trò cả nước thì ngành giáo dục cũng cần có chính sách, giải pháp quan tâm đến nhóm trẻ… đặc biệt. Để 'không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau'.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Nhà nước lo chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng. Nhà nước cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với những nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: Khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ tự kỷ ngày một nhiều.

Lấy ví dụ, trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Hiện có khoảng 200.000 người, cả trẻ em và người lớn đang mắc chứng tự kỷ. Riêng trẻ em, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ước tính là 1%. Con số đó rất lớn, tạo gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh: Duy Linh

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh: Duy Linh

Trong khi đó, giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ lại gặp những khó khăn nhất định: Hệ thống giáo dục công chỉ đảm bảo được số chỉ tiêu tuyển sinh nhất định, phải biên soạn chương trình riêng cho các lớp học hòa nhập, đội ngũ giáo viên cũng cần được đào tạo về giáo dục trẻ đặc biệt.

Như trường tiểu học Bình Minh (phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có những lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Trường có 10 lớp dành cho học sinh khuyết tật với gần 250 học sinh, trung bình mỗi lớp có 20 - 25 học sinh. Mỗi lớp có một cô giáo chủ nhiệm và một cô giáo trợ giảng.

Không giống như các lớp học bình thường, tại lớp học của trẻ khuyết tật - nơi những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ cáu giận - là rất nhiều cảm xúc, nước mắt, niềm vui và tình yêu thương. Cô Trịnh Lệ Thu, Hiệu phó trưởng trường tiểu học Bình Minh cho biết: Các cô thường tự soạn giáo án phù hợp với từng lớp, thậm chí phù hợp với từng em học sinh khác nhau. Giáo viên là người phải chủ động tự mày mò, từng bước nghiên cứu thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm kết hợp với các tài liệu nước ngoài để dạy trẻ.

Tuy nhiên, không phải ở trường nào cũng có thể đáp ứng được những yêu cầu về giáo viên và chương trình. Những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt: Khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ là nạn nhân của xâm hại, buôn bán người…rõ ràng cần những chính sách riêng để các em có thể tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể giai đoạn 2018 - 2020 phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 50% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.

Phấn đấu 70% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Phấn đấu 50% các tỉnh, TP triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án là tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng; nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật cần được đẩy mạnh hơn nữa, để nhóm trẻ em đặc biệt có nhiều cơ hội với giáo dục hòa nhập hơn.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-tam-den-giao-duc-cho-tre-dac-biet-161442.html