Quan tâm đầu tư hạ tầng xe buýt

Ngày 20-10, Tổng công ty Vận tải Hà Nội chính thức vận hành tuyến buýt số 109 (Bến xe Mỹ Đình - Nội Bài). Đây là tuyến xe buýt kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm Thủ đô, và các tuyến buýt khác tại bến xe Mỹ Đình, tạo thuận lợi hơn cho hành khách.

Tính đến nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội gồm 118 tuyến, phủ kín 30 quận, huyện, thị xã, giúp cho Hà Nội không còn "vùng trắng" xe buýt. Năm 2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội dự kiến tiếp tục mở mới chín tuyến xe buýt kết nối với các khu vực ngoại thành, khu du lịch. Nhiều tuyến xe buýt trong số này sẽ được kết nối, trung chuyển với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, khi tuyến đường sắt đưa vào khai thác chính thức. Cùng với đó, các tuyến buýt sẽ mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực chưa có xe buýt, tăng cường kết nối các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học ở ngoại thành. Việc mở mới các tuyến xe buýt và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xe buýt góp phần hoàn thiện, tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân trong nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, chi phí xã hội.

Tuy nhiên, dù nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch vận hành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập, nhất là hạ tầng chưa đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động của mạng lưới xe buýt Hà Nội. Trong đó, hệ thống nhà chờ dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng hiện vẫn còn hàng nghìn điểm, chỉ có một biển báo. Trên một số tuyến khác có lưu lượng giao thông rất lớn như quốc lộ 21B, 21A, 32… các điểm dừng xe buýt được cắm ngay sát mép đường do không có vỉa hè, thậm chí không có cả hành lang an toàn. Mỗi khi đứng chờ xe buýt, hành khách thường lâm vào tình trạng phía trước là xe tải hạng nặng, ô-tô, xe máy chạy tốc độ cao, sau lưng là mương nước hoặc ruộng sâu, không biết xoay xở ra sao để giữ an toàn.

Bên cạnh đó, việc lưu thông chung với các phương tiện giao thông cá nhân, bị lấn làn đường… đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của xe buýt. Một trong những yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ của xe buýt là thời gian thực hiện chuyến đi, nhưng hiện Hà Nội đang quá thiếu làn đường riêng cho xe buýt, là nguyên nhân trực tiếp khiến tốc độ lưu thông của loại hình này bị hạn chế nghiêm trọng. Khu vực trung chuyển xe buýt Long Biên trên đường Yên Phụ hiện là nơi duy nhất có khoảng 1,3 km đường dành riêng cho xe buýt ở Thủ đô. Trước đây trên đường Nguyễn Trãi cũng có khoảng 5 km đường riêng, nhưng nay làn đường này không còn được duy trì do quá trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị.

Thực tế, quỹ đất cho giao thông tại Hà Nội hầu như không tăng, đường dành riêng cho xe buýt không có, phương tiện cá nhân tăng chóng mặt hằng ngày. Nếu tình trạng này còn kéo dài, mục tiêu đưa xe buýt đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân trong 10 năm tới rất khó có thể thực hiện được. Do đó, các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân ủng hộ, tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng giao thông Thủ đô.

KHẢI HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38034202-quan-tam-dau-tu-ha-tang-xe-buyt.html