Quan tâm, chăm lo trẻ em nhiều hơn

Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, ngành, toàn xã hội đặc biệt quan tâm thực hiện. Qua đó, chung tay xây dựng môi trường bình đẳng, an toàn, lành mạnh, thân thiện, thực hiện quyền trẻ em để trẻ em được phát triển toàn diện và ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.

Mô hình “Kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” đã được tiếp tục duy trì thực hiện tại 2 xã Vĩnh Xương và Tân An (TX. Tân Châu, An Giang).

Sau khi tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể và công tác viên làm công tác trẻ em, 2 xã đã tiến hành khảo sát, rà soát đối tượng trẻ em và hộ gia đình thực hiện mô hình chăm sóc thay thế. Năm qua, có 21 trẻ thuộc đối tượng mồ côi, bị bỏ rơi, cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ bị tâm thần, người còn lại bỏ đi...

Trong đó có 20 em đang được chăm sóc thay thế bởi người thân, họ hàng và trong 20 hộ đó có 2 hộ gia đình có mong muốn cha, mẹ nhận nuôi lại con vì quá tuổi lao động, không còn khả năng chăm sóc cháu; 1 trẻ em mồ côi mẹ, đang sống với cha bị tâm thần có nhu cầu được chăm sóc thay thế đang được địa phương vận động 1 hộ gia đình có nhu cầu tìm con nuôi ngoài tỉnh có thể nhận về chăm sóc.

Lãnh đạo tỉnh và huyện An Phú trao quà cho học sinh nghèo vượt khó

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình trợ giúp trẻ em tại cộng đồng, như: “Trợ giúp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật” (tại 3 xã thuộc huyện Phú Tân); “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại” (tại 10 xã thuộc 3 huyện Châu Thành, TP. Châu Đốc và Chợ Mới); “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực” (tại 5 xã thuộc 2 huyện Chợ Mới, Phú Tân và TP. Châu Đốc).

Nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ trong việc phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn tổ chức tuyên truyền nhóm kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. 11 huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông các nội dung như: phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em; phòng, chống mua bán, bắt cóc... trong năm có khoảng 200.000 lượt người được truyền thông bằng nhiều hình thức.

Đặc biệt, tại 9 xã triển khai thực hiện dự án ENHANCE cũng đã tổ chức 40 buổi truyền thông SCREAM về kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho hơn 2.000 người tham dự là trẻ em có nguy cơ lao động sớm, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chủ các cơ sở lao động. Cộng tác viên khóm, ấp tổ chức vãng gia, thăm hộ gia đình.

Năm 2019, có 1.872 cộng tác viên đến vãng gia, thăm trên 50.000 lượt hộ gia đình, có trên 180.000 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em được nghe tuyên truyền trực tiếp về kiến thức bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em đã tư vấn trực tiếp cho 214 trường hợp liên quan đến các vấn đề như: chuyện tình cảm lứa tuổi, khó khăn trong học tập, về giới tính, mâu thuẫn gia đình, tham vấn trường hợp trẻ bị dâm ô cho gia đình đến các cơ quan có chức năng giải quyết… thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Cùng với đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tư pháp... ngoài kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác tuyên truyền các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông khác như hái hoa dân chủ, tư vấn, tham vấn về pháp luật...

Đến nay, toàn tỉnh có 110 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, chiếm tỷ lệ 70,5%. Tiếp tục duy trì 56/156 xã, phường, thị trấn được lồng ghép triển khai thí điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trẻ bị tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong mùa lũ; chủ động tổ chức tốt các điểm giữ trẻ mùa lũ (mỗi điểm từ 15 - 40 trẻ). Phát huy năng lực của Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp tỉnh thuộc sở; 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 61/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; 76 câu lạc bộ trẻ em. Phối hợp triển khai 10 điểm tư vấn tại trường học, củng cố 156 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, 1.872 cộng tác viên khóm, ấp...

Từ đầu năm đến nay, quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động hơn 1,3 tỷ đồng, hỗ trợ 1.539 lượt trẻ em thông qua các chương trình cụ thể, như: thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6); khám lọc, phẫu thuật cho trẻ bệnh tim bẩm sinh, dị tật, trẻ bị xâm hại tình dục; trao học bổng cho trẻ hiếu học, hỗ trợ cặp phao cứu sinh…

Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em đã hỗ trợ tư vấn, tham vấn cho 120 trường hợp liên quan đến các vấn đề như: trẻ bị xâm hại, trẻ quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên, trẻ bị dâm ô, giao cấu trẻ em, hướng dẫn trẻ cách sinh hoạt ác nhân cho trẻ khuyết tật “chậm phát triển trí tuệ”, trẻ bị bại não, tự kỹ, tư vấn ổn định tâm lý cho trẻ... thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Tổng đài Trung tâm kết nối đường dây nóng phòng, chống mua bán người 18008077 tiếp nhận 424 cuộc gọi, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 2.166 cuộc gọi.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/quan-tam-cham-lo-tre-em-nhieu-hon-a276318.html