Quan tâm chăm lo người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Chịu sự tác động của dịch Covid-19, không ít người lao động (NLÐ) và nhân viên đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN), chủ yếu là khối kinh doanh và dịch vụ đã phải tạm nghỉ việc do chủ DN tinh giản, sắp xếp lại nhân sự. Vấn đề duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho NLÐ đang được các DN và cơ quan liên quan quan tâm hiện nay.

Chịu sự tác động của dịch Covid-19, không ít người lao động (NLÐ) và nhân viên đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN), chủ yếu là khối kinh doanh và dịch vụ đã phải tạm nghỉ việc do chủ DN tinh giản, sắp xếp lại nhân sự. Vấn đề duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho NLÐ đang được các DN và cơ quan liên quan quan tâm hiện nay.

Chị Thanh Hiền, một giáo viên mầm non dạy tại Trường mẫu giáo Hoa Mai, phường 7, quận Bình Thạnh tạm nghỉ ở nhà đã một tháng qua, chờ thông báo lịch cho trẻ đi học trở lại của Ban Giám hiệu nhà trường. Trong thời gian tạm nghỉ, chị Hiền và hơn 20 giáo viên mầm non khác của trường vẫn được giải quyết nhận lương cơ bản vùng theo quy định, đồng thời hằng tuần đến trường làm công việc vệ sinh, lau chùi phòng học. Chị Hiền cho biết: "Do đây là trường tư thục với hơn 300 em đang theo học và nhà trường có nguồn tài chính ổn định cho nên Ban Giám hiệu quyết định chi trả cho mỗi giáo viên một tháng lương cơ bản vùng.

Bản thân em nhận được hơn 4,4 triệu đồng/tháng trong khi mức thu nhập trước đây hơn 5,5 triệu đồng/tháng, cho nên cơ bản tạm đủ cho bản thân". Ðể kiếm thêm thu nhập lo cho đứa con gái bốn tuổi, chị Hiền gửi con cho bà ngoại ở quê và cùng nhóm các cô giáo dạy chung trường nhận múa phụ họa cho các buổi tiệc tùng đám cưới, hội nghị ở nhà hàng, khách sạn hay nhận làm sản phẩm quà tặng cho các công ty tổ chức sự kiện. Nhóm của chị Hiền cũng xác định, đây chỉ là công việc thời vụ trong lúc tránh dịch Covid-19, còn khi trường mở cửa trở lại sẽ tập trung vào chuyên môn giữ trẻ.

Giám đốc một công ty chuyên phân phối thiết bị cơ khí nhập khẩu từ Trung Quốc có văn phòng ở quận 3 cũng đã quyết định cắt giảm 20% số nhân viên để "cầm cự" về tài chính trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vị giám đốc này chia sẻ, những nhân viên bị cắt giảm chủ yếu ở các khâu: Văn phòng, quản lý kho, kế toán viên không ảnh hưởng nhiều đến bộ máy hoạt động của công ty, số nhân sự còn lại vẫn phải giữ nguyên để duy trì ổn định hoạt động của công ty khi đối tác bên Trung Quốc thu xếp phân phối nguồn hàng trở lại…

Theo Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) quận Tân Phú, mới đây một công ty chuyên sản xuất loa thùng đóng trên địa bàn quận đã thông báo cho một nửa số nhân viên (khoảng 30 lao động) tạm nghỉ việc trong thời gian hai tháng, nhưng được chi trả 50% lương cơ bản. Nguyên nhân do nguyên vật liệu và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc không đủ để công ty tiếp tục sản xuất, cho nên tạm ngưng sử dụng lao động trong một thời gian. Chủ tịch LÐLÐ quận Tân Phú Phạm Ngọc Lan cho biết: Qua rà soát tình hình lao động trên địa bàn, một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ bị tác động nhiều của dịch Covid-19 là ăn uống, làm đẹp, kinh doanh lưu trú, các công ty chuyên về xây dựng.

Ðáng chú ý, các cơ sở giáo dục mầm non gồm nhóm trẻ gia đình và trường mầm non tư thục bị ảnh hưởng nhiều nhất do học sinh nghỉ học kéo dài theo quy định chung, cho nên nhà trường không có nguồn thu để trả đủ lương cho giáo viên. Trong đó, ngoài các trường mầm non do tư nhân quản lý có nguồn tài chính ổn định bảo đảm quỹ lương thì hầu hết các cơ sở hay nhóm trẻ gia đình đều rất khó khăn trong việc giữ nguyên thu nhập cho giáo viên trong suốt thời gian nghỉ chống dịch. Do đó, LÐLÐ quận đang có kế hoạch vận động nguồn tài chính từ nhiều nơi để hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục mà giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua Nghiệp đoàn giáo viên mầm non của quận.

Cùng với kế hoạch tinh giản nhân sự, sắp xếp nguồn lực lao động cho phù hợp, không ít đơn vị và DN đã nỗ lực và chủ động xoay xở vừa "giữ chân" nguồn nhân lực tại đơn vị, vừa hỗ trợ NLÐ bằng mọi hình thức nhằm hạn chế sự xáo trộn về thu nhập và cuộc sống của họ. Tại Công ty cổ phần Dệt may Phú Hòa An (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), Công đoàn và Ban Giám đốc đã chủ động, kịp thời phối hợp, triển khai nhiều giải pháp giúp NLÐ như hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con NLÐ tuần đầu tiên nghỉ học với mức hỗ trợ 50.000 đồng/bé/ngày. Hay Công đoàn Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (quận 3) hỗ trợ một triệu đồng. Giúp lao động nữ khối gián tiếp có con trong độ tuổi từ tiểu học trở xuống nhằm giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, tại Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân), đối với các trường hợp công nhân xin nghỉ phép ở nhà trông con do chưa tìm được người thân trông coi, đều được ưu tiên giải quyết.

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho NLÐ phải tạm nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19, LÐLÐ thành phố vừa tổ chức trao quà tặng 349 đoàn viên Nghiệp đoàn giáo viên mầm non thuộc LÐLÐ quận 12. Dịp này, LÐLÐ thành phố cũng hỗ trợ 742 đoàn viên Nghiệp đoàn giáo viên mầm non thuộc 18 Nghiệp đoàn mầm non trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Hiện LÐLÐ thành phố và LÐLÐ các quận, huyện tiếp tục rà soát, nắm tình hình để có kế hoạch chăm lo cho đoàn viên Nghiệp đoàn giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43585002-quan-tam-cham-lo-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19.html