Quận 'phớt lờ' chỉ đạo của thành phố vụ 'Đất ở ổn định 46 năm bị tuyên bố là đất công'?

Về vụ việc này, Công văn 2774 ngày 23/7/1998 của UBND TP HCM đã chỉ rõ: “Nay Nhà nước chấp thuận cho ông, bà Châu Văn Nguyên được tiếp tục sử dụng phần đất này là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai 1993. Khi quy hoạch, sử dụng cho công ích, phần đất 3.614m2 phải đền bù và bồi hoàn cho người đang trực tiếp quản lý sử dụng; yêu cầu UBND quận 9 chấp hành và tổ chức thực hiện chỉ đạo trên của TP”. Tuy nhiên, UBND quận 9 vẫn xác định 3614m2 đất của gia đình ông Châu Văn Nguyên là đất công và áp giá bồi thường với giá 0 đồng.

Ông Châu Tuấn Quốc và phần đất của gia đình bị xác định là đất công

Như Báo PLVN đã có bài phản ánh, theo Kế hoạch số 41 ngày 18/1/2016 của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 9 (TP HCM), diện tích 3.614m2 đất mà gia đình ông Châu Tuấn Quốc (trú tại số 15 đường 6 phường Hiệp Phú, quận 9) sẽ bị thu hồi để làm dự án nâng cấp trụ sở quận mà không được bồi thường vì cho là đất công.

Quá bất bình, ông Quốc tiếp tục khiếu nại và đưa ra các bằng chứng pháp lý chứng minh mảnh đất này được ông Châu Văn Nguyên (cha ông Quốc) mua hợp pháp từ năm 1970, gia đình đã sinh sống ổn định đến nay. Tuy nhiên, ngày 22/9 vừa qua, UBND quận 9 bằng Công văn 1705 trả lời đơn của ông Quốc vẫn khẳng định diện tích 3.614m2 là đất công dù ông Quốc đưa ra các chứng cứ chứng minh đất được gia đình ông mua bán hợp pháp, sử dụng ổn định 46 năm qua.

Theo các tài liệu ông Châu Tuấn Quốc đưa ra, vào năm 1970, cha ông Quốc là ông Châu Văn Nguyên (đã mất năm 2015) có mua phần đất 4.200m2 bên trên có nhà, thuộc lô số 677-680 tờ bản đồ số 4, xã Tăng Nhơn Phú (huyện Thủ Đức, TP HCM) của bà Huỳnh Thị Năm. Việc mua bán có Giấy sang nhượng số 1183 ngày 26/9/1970, có xác nhận của Ủy ban hành chính xã Tăng Nhơn Phú. Sau khi mua, gia đình đã quản lý, sử dụng, làm ăn sinh sống trên đất này.

Năm 1980, do địa phương mở rộng sân vận động nên đã thu hồi một phần diện tích đất là 586m2/4.200m2 của gia đình ông Châu Văn Nguyên đã thực hiện bồi thường. Phần đất còn lại là 3.614m2, gia đình ông Nguyên tiếp tục sử dụng. Năm 1987, bà Lê Thị Kim Vân (vợ ông Nguyên) làm đơn xin sửa chữa lại nhà và được Phòng Xây dựng huyện Thủ Đức cấp Giấy phép số 127/GPSC ngày 3/10/1987.

Tuy nhiên, sau khi gia đình tiến hành xây sửa nhà theo giấy phép thì bị huyện Thủ Đức yêu cầu tháo dỡ vì cho rằng “căn nhà xây dựng trái phép”. Gia đình ông Nguyên khiếu nại, ngày 25/7/1990 UBND huyện Thủ Đức ban hành Quyết định (QĐ) 1181 với nội dung “thu hồi đất sử dụng vào công ích do ông Nguyên và bà Vân chiếm” để thu hồi phần đất 3.614m2 của gia đình ông Nguyên. Bắt đầu từ đây, gia đình ông Nguyên rơi vào hành trình kiện tụng vì đất ở của gia đình được mua bán hợp pháp bỗng dưng bị xem là đất chiếm trái phép.

Tại QĐ 154 giải quyết việc gia đình ông Nguyên khiếu nại QĐ 1181 kể trên có xác định nguồn gốc của mảnh đất 3.614m2 là do ông vợ chồng ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân mua lại của bà Huỳnh Thị Năm (bằng giấy tay)….

Cũng tại QĐ 154, UBND huyện Thủ Đức nêu rõ “khi mua xong, ông Nguyên và bà Vân có sử dụng, đến năm 1980 địa phương đã thu hồi 1 phần và đã bồi thường hoa màu, phần còn lại ông Nguyên và bà Vân tiếp tục sử dụng”. Mặc dù lý giải rất rõ về nguồn gốc thửa đất như thế, nhưng QĐ 154 vẫn “chốt” rằng QĐ 1181 là đúng để bác đơn xin sử dụng 3.614m2 của gia đình ông Nguyên.

Điều mâu thuẫn đã thể hiện rõ trong QĐ 154 khi QĐ thừa nhận nguồn gốc đất do ông Nguyên mua năm 1970, và sử dụng liên tục nhưng lại cố tình không sửa sai, vẫn cho rằng đất này bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.

Chưa kể, vào năm 1980, địa phương đã thu hồi 1 phần của gia đình ông Nguyên và có bồi thường. Việc bồi thường đất bị thu hồi cho ông Nguyên mặc nhiên thừa nhận nguồn gốc hợp pháp của thửa đất. Vậy mà đến năm 1990, QĐ 1181 chỉ thu hồi mà không bồi thường với lý do đây là đất lấn chiếm mà thiếu căn cứ, bất hợp lý?

Ông Nguyên khiếu nại lên UBND TP HCM, ngày 21/11/1996, UBND TP HCM bằng QĐ số 5405 khẳng định: “UBND huyện Thủ Đức phải lập thủ tục sử dụng khu đất 3.614m2 theo quy định và phải có trách nhiệm đền bù hoa màu, vật kiến trúc và công sức bồi đắp tại phần đất trên cho ông Châu Văn Nguyên theo quy định hiện hành. Tuy vậy, QĐ 5405 kể trên bác đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyên mà chỉ chấp nhận bồi thường hoa màu, tài sản trên đất.

Không đồng tình, ông Nguyên tiếp tục khiếu nại QĐ 5405. Ngày 23/7/1998, UBND TP HCM ra Công văn 2774 do ông Mai Quốc Bình ký, lúc đó ông Bình là Ủy viên UBND TP HCM (sau này ông Mai Quốc Bình làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM, rồi chuyển lên làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nay đã nghỉ hưu).

Công văn 2774 khẳng định: “Ngày 29/4/1970, ông Châu Văn Nguyên mua phần đất có diện tích 4.200m2, trên đó có căn nhà bằng vật liệu nhẹ diện tích 6mx9m của bà Huỳnh Thị Năm, có xác nhận của Ủy ban hành chánh xã Tăng Nhơn Phú cũ. Năm 1980, do địa phương xây dựng, mở rộng sân vận động đã thu hồi và bồi thường hoa màu một phần đất của ông Nguyên mua của bà Năm là 586m2/4.200m2. Phần đất còn lại là 3.614m2, ông Châu Văn Nguyên và vợ là bà Lê Thị Kim Vân sử dụng, xây dựng lại nhà, trồng một số cây lâu năm tại phần đất 3.614m2 liên tục từ năm 1970 cho đến nay. Nay Nhà nước chấp thuận cho ông, bà Châu Văn Nguyên được tiếp tục sử dụng phần đất này là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai ngày 14/7/1993. Khi quy hoạch, sử dụng cho công ích, phần đất 3.614m2 phải đền bù và bồi hoàn cho người đang trực tiếp quản lý sử dụng”.

Như vậy, Công văn 2774 khẳng định rõ: “Nay Nhà nước chấp thuận cho ông, bà Châu Văn Nguyên được tiếp tục sử dụng phần đất này là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai 1993. Khi quy hoạch, sử dụng cho công ích, phần đất 3.614m2 phải đền bù và bồi hoàn cho người đang trực tiếp quản lý sử dụng”. Công văn 2774 yêu cầu UBND quận 9 chấp hành và tổ chức thực hiện chỉ đạo trên của UBND TP đã ban hành. Vậy mà UBND quận 9 vẫn cố tình “phớt lờ” chỉ đạo có lý, có tình của Công văn 2774 khi xác định diện tích 3.614m2 đất của ông Châu Tuấn Quốc là đất công để khi thu hồi làm dự án nâng cấp trụ sở UBND quận chỉ phải bồi thường với giá 0 đồng.

Thiết nghĩ, UBND quận 9 và UBND TP HCM cần giải quyết lại vụ việc một cách khách quan, có lý có tình, không để người dân bị oan ức, thiệt thòi dẫn đến bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Trần Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/quan-phot-lo-chi-dao-cua-thanh-pho-vu-dat-o-on-dinh-46-nam-bi-tuyen-bo-la-dat-cong-297270.html