Quận Ô Môn chăm sóc tốt cho các Mẹ Việt Nam anh hùng

Trong nhiều năm qua, Quận Ô Môn đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là quan tâm, chăm sóc các bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.

Một ngày cuối tháng 7 năm 2018, phóng viên báo GĐVN tìm về khu vực Rạch Sung (phường Thới Long, quận Ô Môn, TPCT) để thăm mẹ Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1937) - một trong hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn tại thế trên địa bàn quận.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phượng rưng rưng nước mắt khi nhắc về người con trai độc nhất đã hy sinh trên chiến trường K. Ảnh: Thụy Vũ

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phượng rưng rưng nước mắt khi nhắc về người con trai độc nhất đã hy sinh trên chiến trường K. Ảnh: Thụy Vũ

Căn nhà cấp 4 của mẹ do địa phương cất tặng từ năm 1998 nằm gần dốc cầu Rạch Sung nay đã có vẻ xuống cấp. Tuy vậy, tiện nghi trong nhà khá đầy đủ so với một hộ trung bình khá ở nông thôn. Thấy có khách, một bé trai khoảng 10 tuổi loay hoay bắc ghế mời ngồi. Ông Trương Minh Lành - công chức phụ trách Văn hóa - Xã hội của phường, nói Mẹ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất minh mẫn, chỉ có điều bà bị lãng tai; đồng thời giới thiệu: “Đây là thằng cháu ngoại duy nhất sống với mẹ Phượng. Còn cha mẹ cháu hiện đang là công nhân của một công ty trên Bình Dương”.

Những chính sách của Nhà nước về người có công cùng sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng mà chính quyền địa phương dành cho mẹ Phượng khiến mẹ ấm lòng và nguôi ngoai nỗi nhớ nhớ con trai. Ảnh Thụy Vũ

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo vì tuổi tác của mẹ khi nhắc đến người con trai độc nhất - liệt sĩ Lương Minh Nghĩa, hy sinh trong khi đang làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường K. Mẹ nói: “Thằng Nghĩa vẫn về thăm tui hàng đêm đó mấy chú. Cách đây mấy hôm, tui nằm mơ thấy nó về dặn, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay nhớ nấu món ăn nhiều một chút, nó rủ thêm anh em về chơi”.

Nỗi đau mất con là không gì bù đắp được. Nhưng chính sách của Nhà nước về người có công cùng sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng mà chính quyền địa phương dành cho cũng khiến mẹ Phượng ấm lòng, nguôi ngoai nỗi nhớ.

Ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng trên 5 triệu đồng, cứ mỗi quý ngân hàng Vietinbank còn phụng dưỡng cho mẹ thêm 6 triệu đồng nữa. Ngoài ra, mỗi khi trái gió trở trời Mẹ bị ốm đau thì phường lập tức điều xe, cử người vào bệnh viện túc trực chăm sóc mẹ - một sự chu đáo thắm tình, trọn nghĩa uống nước nhớ nguồn của truyền thống Việt.

Trước lúc chia tay, chúng tôi hỏi Mẹ có nguyện vọng gì thêm không thì Mẹ cười hiền hậu: “Tuổi già của tui được Nhà nước và các em cháu ở địa phương quan tâm như vậy là quá đủ rồi mấy chú. Tôi chỉ mong Nhà nước dồn nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách khác, nhiều người còn khó khăn hơn tui lắm mấy chú ơi”. Anh cán bộ địa phương kề tai tôi, nói nhỏ: “Mẹ không muốn làm phiền Nhà nước thêm nên nói vậy thôi. Địa phương chúng tôi đã có kế hoạch tu sửa lại căn nhà tình nghĩa của mẹ cho khang trang hơn, 20 năm rồi còn gì”.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở quận, ông Thái Ngọc Lượng - Phó Trưởng phòng LĐ- TB- XH- cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018 quận Ô Môn đã chi trợ cấp thường xuyên cho các gia đình chính sách, người có công 2.883 lượt với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng. Cấp 1.458 thẻ BHYT; xây mới 29 căn nhà tình nghĩa (trong đó có 2 căn từ nguồn xã hội hóa) với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; tu bổ, sửa chữa 13/18 căn nhà bị xuống cấp; Trợ cấp phí mai táng khi người có công qua đời 15 trường hợp với tổng chi hơn 120 triệu đồng.

Ngoài ra ngành LĐ- TB- XH quận còn xác nhận và trợ giúp 7 trường hợp thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình… về đây viếng mộ liệt sĩ. Hiện nay, quận đã triển khai thực hiện công văn số 875/SLĐTBXH - NCC về việc chọn người có công tiêu biểu đi tham quan thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Lạt.

Rời với Ô Môn, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với lời bộc bạch của vị phó trưởng phòng trẻ tuổi này: “Làm công tác đền ơn đáp nghĩa thì không nên thấy đủ các anh ạ. Có món nợ nào lớn bằng nợ máu xương của những người đã ngã xuống cho đất nước này bình yên?

Trong điều kiện đất nước còn nghèo, ngân sách còn khó khăn nên ngoài kinh phí Nhà nước cấp thì chúng tôi còn vận động từ nhiều nguồn khác nhau để chăm lo đến mức tốt nhất có thể cho gia đình chính sách, người có công”.

Video: Khu du lịch Hồ Nam - Bạc Liêu

/**/

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/quan-o-mon-cham-soc-tot-cho-cac-me-viet-nam-anh-hung-d130355.html