Quan niệm thiếu công bằng trong đánh giá lao động nữ

PNVN đã có bài phản ánh, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động hiện là 79% - trong nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu cán cân bình đẳng đối với phụ nữ được thẩm định bằng những công việc cụ thể hàng ngày, từ sự cống hiến cho xã hội đến chăm sóc con cái, gia đình thì có thể thấy, mỗi người phụ nữ đang phải gánh trên vai trách nhiệm và lượng công việc gấp nhiều lần so với nam giới.

Thiệt thòi

Chị N.T.H (47 tuổi) ở thị trấn Lâm Thao (Phú Thọ) góa chồng cách đây 2 năm. Kể từ khi anh mất, mọi việc từ lo kinh tế đến nuôi dạy 3 đứa con (2 đang học đại học, 1 học THCS) đều dồn cả lên đôi vai chị. Chị H. làm nông nghiệp, công việc chính là trồng rau. Khi chồng còn sống, anh không giúp gì được cho vợ việc rau cỏ, chợ búa nhưng công việc chở hàng thuê của anh cũng phần nào đỡ đần cho kinh tế gia đình. Từ khi anh mất, chị vẫn ở vậy, phải gồng mình gấp đôi, gấp 3 cả về vật chất lẫn tinh thần để lo cho gia đình.

Một gia đình nông dân canh tác cây dược liệu ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh minh họa

Một gia đình nông dân canh tác cây dược liệu ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh minh họa

Ở làng bên có anh B.T.L cũng mất vợ vì bệnh nan y cách đây 5 năm. Nhưng ngay sau giỗ đầu vợ, anh L. đã cưới vợ mới. Nhiều người trách anh chưa đoạn tang vợ đã vội vàng vui duyên mới. Nhưng cũng có người thông cảm bảo: “Đàn ông gà trống nuôi con sao nổi. Nhà vắng bàn tay phụ nữ, còn đâu là gia đình!”. Vợ mới của anh L. làm gần nhà, chị cũng qua “1 lần đò”. Từ khi lấy anh, ngoài việc chăm đứa con riêng của mình, chị còn cáng đáng cả việc chăm sóc 2 đứa con của anh L. Chị kể, lấy anh L., chị vất vả gấp 3 lần lúc 2 mẹ con ở với nhau. Ngay cả việc đối đãi với gia đình họ hàng cũng vất vả gấp nhiều lần. Vì nếu bình thường, chị chỉ phải chăm lo 4 họ của gia đình 2 bên nội ngoại nhưng nay, thêm 2 họ đằng “chị cả” (vợ quá cố của anh L.) là 6. Trong khi đó, cuộc sống của anh L. dường như không có gì thay đổi lớn so với trước (khi người vợ cũ còn sống).

Hai câu chuyện trên rất đời thường, cùng một hoàn cảnh mất vợ/chồng nhưng trách nhiệm ở vai người phụ nữ và vai người nam giới lại hoàn toàn khác nhau. Người phụ nữ thường phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả và công sức (chăm lo gia đình) hơn so với nam giới. Tuy nhiên, ở những mảng việc này, gần như xã hội mặc định đó là việc đương nhiên của phụ nữ, thuộc về người phụ nữ. Qua đó, có thể thấy, trong các lĩnh vực không được tính bằng công lao động và trả lương (như chăm sóc nuôi dạy con cái, làm việc nhà, đối nội đối ngoại...), hầu hết đều là “lĩnh vực độc quyền” của phụ nữ, ít thấy bóng dáng và sự chung tay của nam giới.

Ai trả công cho “bà nội trợ?”

Bà Lê Thị Thảo (thị trấn Đông Anh, Hà Nội) mới về hưu hồi tháng 2/2019. Sau hơn 30 năm làm công nhân ở một xí nghiệp vận tải, tưởng về hưu bà sẽ được nghỉ ngơi, an nhàn nhưng không ngờ, bà còn vất vả hơn nhiều so với hồi còn đi làm. Từ ngày về nghỉ hưu, bên cạnh việc nội trợ, bà còn phải trông 2 đứa cháu nội. Đứa lớn 4 tuổi đi mẫu giáo, đứa bé 2 tuổi ở nhà với bà.

Nhiều phụ nữ sau khi nghỉ hưu vừa phải đảm đương việc nội trợ, vừa chăm sóc cháu. Ảnh minh họa

Chồng bà Thảo về hưu trước bà gần 1 năm nhưng ông chẳng giúp gì được vợ. Mỗi ngày, ăn sáng xong ở nhà là ông đi cùng các bạn hưu trong xóm/cơ quan cũ. Đến bữa cơm, có khi ông về ăn với bà, còn nếu bạn bè mời, ông lại “chén chú chén anh” bên ngoài. Bà Thảo chép miệng: “Rõ ràng, hơn 30 năm công tác, giờ nghỉ ngơi mình có lương hưu hẳn hoi mà còn vất vả, bận hơn con mọn. Quay cuồng với cả núi việc không tên trong nhà nhưng mà làm sao tính thành “công lao động” được”.

Bà Thảo cho hay, về hưu, lương của bà được hơn 4 triệu đồng. Số tiền này bà dành cả để chăm lo cho gia đình nhưng mỗi khi ma chay hiếu hỉ, bà còn phải “ngửa tay” xin tiền chồng. “Ông ấy làm trong lực lượng vũ trang, mức lương hưu của ông ấy khá hơn tôi nhiều. Thế nên, giờ về hưu, tôi phải “nhờ” vào tiền lương hưu của ông ấy”.

Mới nghe câu chuyện của bà Thảo, ai cũng nghĩ bà đang “sống dựa vào chồng” nhưng nếu phân tích kỹ, sẽ thấy bà Thảo thiệt đủ đường. Nếu những đóng góp cho gia đình của bà được định lượng và trả lương cụ thể, e rằng, cả gia đình, từ chồng, con, các cháu đều đang là gánh nặng đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của một người đã về hưu như bà.

“Khi 1 gia đình phải thuê ôsin, số tiền phải trả cho người giúp việc thường từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. cũng là công việc ấy nhưng khi một người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm thì lại không được tính là một việc làm có lương, là sự đóng góp của người ấy trong kinh tế gia đình”, chị Lê Thị Thanh Hương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ.

Còn chị Chu Thanh Vân, quận Long Biên, Hà Nội (hiện công tác tại 1 cơ quan báo chí), nhìn nhận: “Cùng 1 vị trí việc làm nhưng khi về hưu, lương của phụ nữ thường thấp hơn nam giới (do thời gian đi làm và đóng bảo hiểm của phụ nữ ít hơn nam gới). Trong khi đó, khi về hưu, do còn khỏe nên phụ nữ phải đảm đương nhiều công việc gia đình. Nhưng nếu không nhìn ở góc độ cống hiến của người phụ nữ cho xã hội, gia đình mà chỉ nhìn vào mức thu nhập qua tiền lương thì phụ nữ (cụ thể là người vợ) sẽ luôn “yếu thế” hơn người chồng”.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi nhẩm tính và làm 1 phép thử nho nhỏ giữa nam giới và phụ nữ thì thấy: nếu chia 2 cột so sánh giữa nam và nữ rồi gạch đầu dòng toàn bộ các công việc lớn nhỏ trong 1 ngày của 2 người thì các gạch đầu dòng bên người phụ nữ có thể dài gấp 3 lần, thậm chí gấp 5 lần nam giới. Hơn thế, thời gian lao động trong 1 ngày (kể từ khi thức dậy đến lúc đi ngủ) của người phụ nữ cũng dài hơn vài ba tiếng so với nam giới. Nếu không tin, bạn hãy thử sẽ thấy rõ điều này!

Theo báo cáo “Tình hình lao động và việc làm quý I năm 2019” của Tổng cục Thống kê: Lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% tổng số lao động trong độ tuổi của cả nước. Lao động nữ có việc làm chiếm 47,7% trong tổng số người có việc làm.

Thu nhập bình quân của lao động nam cao gấp 1,4 lần so với thu nhập bình quân của lao động nữ (tương ứng là 6,6 triệu đồng và 4,7 triệu đồng). Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao. Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1%, thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.

Thảo Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/quan-niem-thieu-cong-bang-trong-danh-gia-lao-dong-nu-post60674.html