Quán nhậu 'méo mặt' bởi tác động kép

Nhiều nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội đang trong tình trạng khốn khó vì vắng khách, ế ẩm bởi dịch COVID-19 và trước đó là quy định phạt nặng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, rất nhiều nhà hàng kỳ vọng người dân sẽ du Xuân, tổ chức ăn uống chúc mừng năm mới. Tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc đã ảnh hưởng tới toàn cầu và lan tới Việt Nam khiến nhiều người tránh chỗ đông người, đặc biệt là quán nhậu, hàng ăn. Nhiều địa điểm chuyên tổ chức tiệc, họp lớp, gặp gỡ Xuân mới quy mô hàng trăm người đã bị báo hủy, lùi ngày hoặc phải chờ dịch tan mới tổ chức.

Bắt đầu mở hàng từ ngày 6 Tết, tức ngày 30/1 nhưng do quá vắng khách, Làng Văn hóa và ẩm thực Nắng Sông Hồng tại phố Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội) - nơi có không gian thiên nhiên đẹp, rộng rãi đã phải tạm đóng cửa từ ngày 10 - 23/2. Lãnh đạo ở đây xác định, phải hết quý 1/2020 may ra khách hàng mới quay trở lại, tùy thuộc vào diễn biến dịch COVID-19. Nắng Sông Hồng cũng đang lên kế hoạch đổi mới kinh doanh để thu hút khách đoàn, thăm quan du lịch trong thời gian sớm nhất.

Làng Văn hóa và ẩm thực Nắng Sông Hồng (tại phố Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên) tạm thời đóng cửa 2 tuần vì vắng khách.

Làng Văn hóa và ẩm thực Nắng Sông Hồng (tại phố Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên) tạm thời đóng cửa 2 tuần vì vắng khách.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, ngoài khuôn viên trên, Nắng Sông Hồng cũng mở thêm nhà hàng chuyên bán đồ Nhật Bản trên phố Quang Trung. Dù mới mở vài tháng nhưng thu hút khá đông khách vãng lai. Tuy nhiên kể từ khi có dịch COVID-19 đến nay, khách vắng nhiều và nhà hàng buộc phải tính đến chuyện bán đồ ăn chín Nhật Bản, không bày đồ sống.

Từ ngày 10/2 đến nay, Nhà hàng Vọng 3 lâu trên phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ gần như không có khách vào buổi tối. Không chỉ Vọng 3 lâu mà nhiều nhà hàng ăn dọc trên tuyến phố này cũng ở trong tình trạng tương tự.

“Từ Tết nguyên đán tới giờ, khách đoàn hủy nhiều, chưa thông báo lại ngày tổ chức vì còn nghe ngóng dịch bệnh. Bình thường thời gian này, nhà hàng đã có khách đặt dịp Valentine 14/2, ngày 8/3 nhưng hiện chưa có khách đặt. Nếu tính từ ngày mùng 6 Tết đến nay, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách tới Vọng 3 lâu đã giảm 60%. Do ít khách nên nhà hàng chỉ duy trì 2 - 3 nhân viên chạy bàn, một số nhân viên vẫn đang ở quê chưa lên”, quản lý Vọng 3 lâu chia sẻ.

Theo các nhân viên tại Vọng 3 lâu, từ khi Nghị định 100/CP có hiệu lực đến nay, rất nhiều khách tới nhà hàng cũng hạn chế uống hơn hoặc nếu đã xác định đi uống thì gọi taxi.

Nhà hàng Vọng 3 lâu trên phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ giảm 60% lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái.

Tham gia nhóm mạng xã hội có các thành viên là chủ quán ăn, nhà hàng, chị Vũ Thanh Hương - chủ Tây Bắc Quán 12 Lê Văn Hưu chia sẻ: Thời gian gần đây, rất nhiều chủ quán tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt là hệ thống bia hơi đều “khóc dở, mếu dở” vì khách sụt giảm tới 70%. Nơi nào may mắn thì mất khoảng 30% lượng khách so với trước. Những nhà hàng mới mở hoặc có thâm niên từ 2 - 3 năm đều trong tình trạng khó duy trì vì thua lỗ triền miên nên phải rao bán, chuyển nhượng.

“Mặc dù làm nhà hàng được hơn chục năm nhưng quán của tôi vẫn không tránh khỏi khó khăn giai đoạn này. Do phải chuyển địa điểm từ phố Hàng Chuối sang Lê Văn Hưu, tôi phải đầu tư 300 triệu đồng vào cơ sở hạ tầng, mất phí chuyển nhượng 300 triệu đồng nữa nhưng khoảng 1 năm nay tại địa điểm mới, có tháng lãi, có tháng vẫn phải bù lỗ. Rất may có lượng lớn khách quen ủng hộ nên nhà hàng duy trì được. Chỉ mong dịch COVID-19 qua nhanh”, chị Vũ Thanh Hương nói.

Theo chị Vũ Thanh Hương, quán bia sẽ là nơi bị tác động mạnh vì khách sợ khi đã uống bia, rượu mà tham gia giao thông sẽ bị phạt nặng và nay thêm dịch COVID-19 nên có tâm lý ngại đi uống. Còn với các quán nhậu nhỏ, nếu có uy tín vẫn có lượng khách công sở quen ủng hộ vào buổi trưa hoặc tiếp khách nhóm buổi tối.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại một số quán bia lớn trên phố Tăng Bạt Hổ cho thấy, lượng khách vắng hẳn so với thời điểm cách đây hơn 2 tháng. Hệ thống bia hơi Lan Chín đã phải thu hẹp lại cơ sở mặt bằng dù mới được sửa sang; quán bia Hải Xồm vốn nổi tiếng một thời thì hôm nào nắng hửng mới có vài bàn khách ăn. Thậm chí cơ sở của hệ thống bia Hải Xồm tại đường Trần Thái Tông đã đóng cửa từ Tết Nguyên đán đến nay chưa mở lại.

"Tác động kép" của Nghị định 100/CP và dịch COVID-19 cũng khiến một số người làm kinh doanh nhà hàng sớm đóng cửa ngay khi mới tham gia thị trường. Anh Bình đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mở một nhà hàng lớn trên phố Minh Khai, Hai Bà Trưng kỳ vọng sẽ có doanh thu nên gấp rút hoàn thành để kịp khai trương trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Tuy nhiên, chỉ sau hơn bốn tháng hoạt động, trước tác động của Nghị định 100/CP, thêm diễn biến của dịch COVID-19, anh quyết định đóng cửa, thanh lý các trang thiết bị.

Khách không lui tới vì sợ dịch COVID-19 khiến các con đường ẩm thực, khu ăn uống giờ chỉ còn người bán nhìn nhau. Theo khảo sát của phóng viên trên phố Tống Duy Tân - con phố ẩm thực nổi tiếng nhất Hà Nội, không ít quán ăn sau Tết thường là mùa "hốt bạc" nhưng năm nay đã bị sụt giảm 30% lượng khách. Đặc biệt từ khi có các thông tin liên quan đến dịch COVID-19, lượng khách lại thưa hơn.

Phố Tống Duy Tân - con phố ẩm thực nổi tiếng nhất Hà Nội, luôn mở cửa 24/7, giờ cũng trở nên vắng vẻ, ít người qua lại.

Phố Tây Tạ Hiện - nơi các quán ăn vỉa hè thường xuyên kín chỗ ngồi vào mỗi buổi tối đến 1 - 2 giờ sáng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng khách chủ yếu tập trung vào buổi tối đến khoảng 23h30 là hết khách, các hàng quán vì vậy cũng đóng cửa sớm.

Video một số nhà hàng, quán nhậu tại Hà Nội trước tác động kép của COVID-19 và Nghị định 100/CP.

MInh Phương-Trung Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/quan-nhau-meo-mat-boi-tac-dong-kep-20200213093543734.htm