Quan ngại về nhà máy điện chạy than ở nước ngoài mà Trung Quốc đầu tư

Trung Quốc dự định cấp vốn cho hàng chục nhà máy điện chạy than đá ở nước ngoài, từ Zimbabwe tới Indonesia. Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo điều này sẽ gây ảnh hưởng tới nỗ lực chiến đấu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trung Quốc đã đầu tư vào các nhà máy năng lượng than đá ở nước ngoài. Ảnh: AFP

Trung Quốc đã đầu tư vào các nhà máy năng lượng than đá ở nước ngoài. Ảnh: AFP

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015, Trung Quốc tự coi nước này là tiên phong trong chống biến đổi khí hậu. Đến tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đến 2060 Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia trung hòa khí carbon.

Vậy nhưng, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào năng lượng than đá ở nước ngoài, đồng nghĩa với việc điện năng từ các cơ sở này không được tính vào trung hòa khí carbon nội địa Trung Quốc. Nhiều nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo hành động của Trung Quốc gây rủi ro với mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhà nghiên cứu Christine Shearer tại tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor (Mỹ) đánh giá: “Những nhà máy điện chạy than mới sẽ hoạt động trong nhiều năm trời, vượt qua mốc 2030 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và về cơ bản không phù hợp với nỗ lực toàn cầu trong hạn chế biến đổi khí hậu”.

Kênh CNN (Mỹ) nhấn mạnh trong hội nghị trực tuyến của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia ngưng cấp vốn cho năng lượng than đá. Ông Antonio Guterres nêu rõ: “Than đá không nằm trong kế hoạch khôi phục sau COVID-19”.

Nhưng hiện nay Bắc Kinh lại lo lắng về an ninh năng lượng, việc làm và tăng trưởng, đặc biệt là khi đang phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19. Trung Quốc vẫn bổ sung 11,4 gigawatt điện than trong 6 tháng đầu năm 2020. Nghiên cứu của tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu cho thấy của các nhà máy điện than với tổng công suất gần 250 GW đang được phát triển tại Trung Quốc. Trung Quốc sở hữu trữ lượng than đá vào khoảng 96 tỷ tấn, đứng thứ tư trên thế giới.

Không chỉ tập trung vào nội địa, Trung Quốc còn "mang tiền sang nước ngoài" đầu tư cho các nhà máy điện chạy than đá.

Một ví dụ là chính phủ Ghana đã đồng ý hợp tác với Tập đoàn năng lượng Thâm Quyến (Trung Quốc) để xây dựng nhà máy điện chạy than 7.000-megawatt tại quốc gia châu Phi này. Ngoài ra còn có nhà máy 3 tỷ USD tại Zimbabwe và 8 dự án khác tại Pakistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa trong một cuộc gặp năm 2018. Ảnh: CNN

Dữ liệu từ Đại học Boston (Mỹ) cho biết những nhà máy năng lượng than đá đang xây dựng sẽ sản sinh 19 gigawatt và tiêu tốn 115 triệu tấn than mỗi năm.

Theo công ty dầu khí BP (Anh), các nhà máy năng lượng Trung Quốc xây ở nước ngoài có thể tạo ra số khí thải “vượt mặt” các nền kinh tế lớn như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.

AFP đánh giá Trung Quốc đã đưa các nhà máy điện chạy than ở nước ngoài vào sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết “phối hợp cởi mở, xanh, sạch” với các kế hoạch trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhưng các ngân hàng Trung Quốc vẫn duy trì “tiếp tế” tài chính cho các dự án năng lượng than đá.

Theo Đại học Boston, trong giai đoạn từ 2000-2018, có tới 23,1% trong số 251 tỷ USD hai ngân hàng chính sách lớn nhất Trung Quốc đầu tư rót vào các các dự án năng lượng là dành cho than đá.

Một số quốc gia nằm trong nhóm Trung Quốc dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng than đá đã quyết định ngừng các dự án này, bao gồm Ai Cập, Kenya và Bangladesh. Lý do được những nước này đưa ra là quan ngại về những tác động tới môi trường và kinh tế.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-ngai-ve-nha-may-dien-chay-than-o-nuoc-ngoai-ma-trung-quoc-dau-tu-20201212214931077.htm