Quản lý yếu, hiệu quả thấp

Trong tổng số 126 công trình cấp nước (CTCN) tự chảy trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị, hiện có đến 51 công trình không hoạt động và 48 công trình hoạt động kém hiệu quả. Hằng năm, nhiều CTCN được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân miền núi.

Đập đầu mối đã khô nước, bể lắng lọc vỡ nham nhở, hệ thống dẫn nước đứt gãy, hoang tàn... là những gì chúng tôi chứng kiến tại CTCN tự chảy ở thôn Khe Ngài, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị). Nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân thôn Khe Ngài thiếu nước sạch sinh hoạt, trong khi, CTCN tự chảy được đầu tư hơn 300 triệu đồng gần đó thì đã “ngủ quên” tự bao giờ. Đều đặn, chị Hồ Thị Lan ngày hai lần ra con suối trước thôn gánh nước. Nặng nhọc đổ hai can nước đã vơi gần nửa do phải vượt quãng đường dốc, chị than thở: “Có công trình dẫn nước trên núi nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng thì hư hỏng. Vì thế, mỗi ngày, chúng tôi phải xuống suối gánh hơn 10 can nước về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình”.

Toàn xã Đakrông có 8 CTCN tự chảy nhưng hầu hết đều đã hư hỏng. Năm 2017, UBND xã đã đề nghị tu sửa được hai công trình tại thôn Ba Ngào và thôn Chân Rò; còn 6 công trình khác vẫn trong tình trạng hư hỏng nên việc người dân thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra.

Hệ thống cấp nước tự chảy tại thôn Khe Ngài (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) không phát huy được hiệu quả.

Không riêng huyện Đakrông mà ở các huyện Hướng Hóa và Cam Lộ cũng có những CTCN tự chảy đầu tư không hiệu quả và lãng phí. Tại xã Ba Tầng (Hướng Hóa) có 3 CTCN tự chảy được xây dựng vào các năm 2011, 2012, nhưng theo phản ảnh của người dân thì chỉ sử dụng được một vài năm đầu, sau đó bị hư hỏng và không thể sử dụng được. Ông Ăm May, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng nói: “Cả xã có hơn 3.000 hộ dân nhưng mới chỉ 800 hộ dân được sử dụng nước sạch, còn lại phải lấy nước ở khe, suối. Trong khi hệ thống CTCN tự chảy nằm phơi nắng, phơi mưa từ nhiều năm nay”.

Thực tế, các CTCN tự chảy được đặt ở xa, trên đồi núi, không có người thường xuyên dọn dẹp, sửa sang, lại thiếu kinh phí bảo dưỡng, nên nhanh hỏng, công suất nước kém. Hiện, nhiều CTCN chỉ phục vụ được vài hộ dân đầu nguồn. Ông Ăm Pênh, Trưởng thôn Ba Tầng, xã Ba Tầng nói: “Do thiếu nước, nên người dân vẫn duy trì thói quen xách nước suối về dùng. Với một xã miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên việc tự đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt là rất khó”.

Phần lớn các CTCN tự chảy tại Quảng Trị được xây dựng trong giai đoạn 2000-2010. Các công trình này thiếu nước vào mùa nắng hạn, bị đục vào mùa mưa. Hệ thống xử lý lắng, lọc, đập dâng nước đầu nguồn, thường bị bồi lấp và tắc sau một hoặc hai mùa mưa lũ, áp lực nước không ổn định. Bên cạnh đó, công tác quản lý sau đầu tư ở địa phương còn nhiều thiếu sót. Một số công trình sau khi xây dựng xong không thành lập ban quản lý và chưa chú trọng đào tạo cho người dân địa phương về công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình; chưa duy trì vận hành khai thác cũng như có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành (nhiều công trình giao trưởng thôn tự quản lý vận hành); công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm thực hiện. Cùng với đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn chặt phá rừng là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến CTCN tự chảy ở miền núi tỉnh Quảng Trị hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

Lý giải thêm về “tuổi thọ” thấp của các CTCN tự chảy ở miền núi, ông Phan Hữu Bửu, Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị, trăn trở: “Các CTCN do cộng đồng, UBND xã quản lý không thu được tiền sử dụng nước, hoặc có thu nhưng không đủ chi các khoản: Lương nhân công, tiền mua hóa chất xử lý nước, tiền điện… Mặt khác, mưa lũ làm hư hỏng, cuốn trôi các hạng mục hoặc đường ống dẫn nước, nhưng cán bộ quản lý, UBND xã không huy động được nguồn vốn kịp thời để sửa chữa, dẫn đến hư hỏng lớn và cuối cùng công trình ngừng hoạt động”.

Theo nhiều chuyên gia, các CTCN tự chảy thường “chết yểu”, nguyên nhân còn từ khâu khảo sát, thiết kế không được chủ đầu tư coi trọng, nên việc đánh giá trữ lượng nguồn nước thiếu chính xác. Bởi vậy, chỉ sau một thời gian, nguồn nước không đủ để cung cấp phục vụ sinh hoạt của người dân như thiết kế ban đầu.

Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch sinh hoạt phải đạt 95%. Tuy nhiên, với thực trạng hệ thống cấp nước tự chảy kém hiệu quả, thiếu tính bền vững thì mục tiêu này khó đạt được. Trước mắt, tỉnh Quảng Trị cần sớm phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp những công trình nằm trong vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước. Về lâu dài, tỉnh cần xây dựng các CTCN liên xã, theo vùng từ 1.000 hộ gia đình trở lên để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; đồng thời, xây dựng cơ chế xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý bảo đảm sử dụng và khai thác các CTCN tự chảy một cách bền vững.

HOA LÊ - THU NGA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quan-ly-yeu-hieu-qua-thap-558873