Bài 4: (tiếp theo và hết): Quản lý vi phạm của lái xe qua hệ thống giám sát trên toàn quốc

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0, khái niệm 'giao thông thông minh' đang ngày càng được đề cập rộng rãi, nhất là ở các nước phát triển. Muốn xây dựng một hệ thống Cảnh sát giao thông (CSGT) điện tử, lực lượng CSGT không chỉ tiên phong trong ứng dụng công nghệ, mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng cần phải có những ứng dụng mang tính hệ thống, chặt chẽ.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội sẽ được nâng cấp ngày càng hiện đại phục vụ cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Thủ đô

Đồng bộ dữ liệu, kết nối liên thông

Đi tìm những giải pháp xây dựng một hệ thống mạng lưới giao thông thông minh cũng như CSGT điện tử, Phòng CSGT Công an các địa phương đều cho rằng, phải xây dựng được trung tâm chỉ huy giao thông thông minh, hiện đại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến.

Trung tâm này do lực lượng CSGT chủ trì quản lý, vận hành trên cơ sở kết nối dữ liệu dùng chung của các ngành liên quan, đặc biệt là ngành giao thông. Trước mắt, xây dựng trung tâm chỉ huy giao thông của thành phố Hà Nội và TP.HCM đáp ứng tiêu chuẩn và trung tâm của Cục CSGT, Bộ Công an sẽ là nơi kết nối dữ liệu của 2 thành phố này cũng như cả nước.

Từ những trung tâm này sẽ nhân rộng ra các tỉnh, thành phố và các đầu mối có một cổng dữ liệu dùng chung. Hà Nội sẽ xây dựng những tiền đề cơ bản cho Trung tâm chỉ huy giao thông này.

Theo đánh giá của Cục CSGT, từ khi Luật Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2006 ra đời đến nay, Cục CSGT là một trong những đơn vị của Bộ Công an đi đầu đưa công tác ứng dụng CNTT vào các mặt công tác của lực lượng CSGT, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, từng bước hiện đại hóa công tác đảm bảo TTATGT, góp phần giảm sâu 3 tiêu chí về TNGT.

Hiện nay, Cục CSGT đang triển khai ứng dụng CNTT trong bảo đảm TTATGT đối với 5 công tác, gồm: Hệ thống Cơ sở dữ liệu đăng ký xe; Cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông; Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm TTATGT; Hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT bằng hình ảnh; Hệ thống thông tin liên lạc bộ đàm.

Bước đầu, 5 nhiệm vụ công tác này đã đạt hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính vì nhân dân phục vụ, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, từng bước xây dựng lực lượng CSGT chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Từ ngày 1-6-2019, Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp xây dựng đưa vào hoạt động phần mềm quản lý vi phạm của lái xe và thông tin về phương tiện vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát trên toàn quốc.

Lực lượng CSGT chia sẻ thông tin dữ liệu về các trường hợp Giấy phép lái xe (GPLX) đang bị tước và tạm giữ quá thời hạn (trường hợp không đến chấp hành quyết định xử phạt) tại cơ quan CSGT để Tổng cục Đường bộ Việt Nam tra cứu thông tin, phục vụ công tác cấp đổi GPLX. Ngược lại, về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX cho lực lượng CSGT để phục vụ công tác nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết: “Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng, cập nhật tất cả những dữ liệu của một lái xe từ khi bắt đầu học lấy GPLX đến khi hành nghề lái xe. Tất cả quá trình này nếu lái xe vi phạm uống rượu, sử dụng ma túy… đều được cập nhật qua hệ thống. Đối với người dân, lái xe, chỉ cần vào website của Cục CSGT, sẽ biết được phương tiện của mình có nằm trong danh sách đang bị xử phạt hay vi phạm Luật Giao thông hay không.

Nếu trong trường hợp chiếc xe có trong dữ liệu xử phạt, hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về biển số xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm và địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ giải quyết xử lý tại các đơn vị công an nơi phát hiện vi phạm”. Chỉ sau 10 ngày hoạt động, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã cập nhật hơn 20.000 trường hợp vi phạm, trong đó có trên 16.400 lái xe bị tạm giữ, tước GPLX, trên 3.800 xe vi phạm bị hệ thống camera phát hiện...

Trong tương lai, máy móc và công nghệ sẽ hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông để giảm bớt áp lực, nguy hiểm... trong việc xử lý vi phạm

Trong tương lai, máy móc và công nghệ sẽ hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông để giảm bớt áp lực, nguy hiểm... trong việc xử lý vi phạm

Xây dựng giao thông thông minh

Đề cập đến một mạng lưới giao thông thông minh, Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được khi các điều kiện về con người, kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng được yêu cầu. Điều này sẽ giúp tạo ra những thuận lợi, không chỉ giúp CSGT đảm bảo hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ mà ngay cả lái xe, phương tiện cũng được hỗ trợ tối đa”.

Ví dụ: lái xe khi đang di chuyển trên đường có thể biết được toàn bộ tình hình giao thông của thành phố trong thời điểm đó; các tuyến đường mật độ phương tiện tăng cao, thông thoáng hay ùn tắc... để lựa chọn cho mình một lộ trình thích hợp. Lái xe cũng có thể biết trên dọc tuyến phố mình đang di chuyển có bao nhiêu điểm đỗ xe, số lượng điểm đỗ còn trống, vị trí, diện tích, giá cả của những điểm đỗ này...

Đối với CSGT, thông qua những thiết bị điện tử, thiết bị số và dữ liệu được truy cập, sử dụng, cũng hoàn toàn có thể biết được tất cả những thông tin về phương tiện, mạng lưới giao thông, lái xe, phục vụ cho việc điều hành, quản lý, đảm bảo TTATGT cũng như xử phạt phương tiện vi phạm được cụ thể.

Hiện nay, theo đánh giá của Cục CSGT, nhằm giảm số vụ TNGT, nhất là từ các phương tiện kinh doanh vận tải, bắt buộc phải lắp hệ thống giám sát và dữ liệu tự động chuyển về trung tâm chỉ huy của CSGT. Đây là nguồn dữ liệu chính để xử phạt các vi phạm liên quan đến tốc độ, dừng đỗ trái phép, điều khiển xe quá thời gian quy định…

Hệ thống này đã có, nhưng ngành giao thông quản lý còn lỏng lẻo, do doanh nghiệp tự mua, lắp đặt, chưa là căn cứ pháp lý xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ quy trình quản lý, thủ tục hành chính từ quản lý phương tiện, GPLX, hạ tầng, phát hiện, xử lý vi phạm giao thông, bảo hiểm theo hướng hiện đại mà các nước tiên tiến đã áp dụng, tạo tiền đề cho áp dụng CNTT trong quản lý.

Cũng theo Thượng tá Dương Đức Hải, hiện Phòng CSGT, CATP Hà Nội đang báo cáo, đề xuất với CATP, UBND TP Hà Nội nâng cấp Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội giai đoạn 2. Ngoài việc duy tu, bảo trì, trang bị hệ thống máy móc, camera, còn đầu tư, nâng cấp các tính năng thông minh như: tự động phát hiện, xử lý đối với một số hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đầu tư hệ thống tự động phân tích, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông, đảm bảo phù hợp với lưu lượng phương tiện đông, vắng theo từng tuyến, chiều đường, tăng khả năng lưu thoát phương tiện. Đồng thời, đưa ra cảnh báo để người tham gia giao thông biết, lựa chọn hành trình di chuyển phù hợp; hệ thống tự động phân tích, so sánh với đặc điểm phương tiện thực tế, nhận diện, phát hiện các phương tiện gắn biển kiểm soát giả, xe vật chứng và đưa ra cảnh báo để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh… Phát triển mở rộng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tích hợp tính năng “Làn sóng xanh” khi có các xe ưu tiên đi qua.

“Cần có cơ chế khuyến khích người lái xe, nhất là xe cá nhân ứng dụng công nghệ mới trong giao thông. Không chỉ có Cảnh sát giao thông, mỗi đơn vị quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông cần xây dựng chiến lược phát triển của mình gắn với việc ứng dụng khoa học, công nghệ thay cho thủ công, sức người. Ứng dụng đó phải có tính hệ thống và sẵn sàng kết nối thành dữ liệu lớn, tập trung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cần có tư tưởng luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, hiện đại và phải coi đây là quy luật phát triển của xã hội. Tuy nhiên, với công nghệ mới, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông phải nghiên cứu trên bình diện bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thông tin, các yếu tố có thể phát sinh phức tạp để chủ động xử lý”.

Thượng tá Dương Đức Hải (Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội)

Hoàng Phong - Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/quan-ly-vi-pham-cua-lai-xe-qua-he-thong-giam-sat-tren-toan-quoc/822205.antd