Quản lý vật liệu nổ công nghiệp: Giảm thiểu kho chứa không an toàn

Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội nếu sử dụng, bảo quản không đúng quy cách… Vì vậy, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp (DN) sử dụng VLNCN.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2010 số kho VLNCN trong cả nước được cấp phép là 2.116 cụm kho, đến năm 2020, cả nước còn 1.282 kho vật liệu nổ. Dù đã có chiều hướng giảm, song tại một số địa phương vẫn tồn tại số kho vật liệu nổ rất lớn, như: Thanh Hóa gần 130 kho, Nghệ An gần 100 kho, Cao Bằng 90 kho, Hà Giang 63 kho, Lào Cai 64 kho, Hòa Bình 66 kho... Các kho VLNCN nhỏ sẽ làm tăng sự phức tạp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quản lý và sử dụng VLNCN.

Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) - Bộ Công Thương - cho biết, sử dụng VLNCN hiện nay rất đa dạng, nhiều đơn vị, DN, cá nhân có nhu cầu sử dụng, nhưng việc kiểm tra, giám sát các đối tượng sử dụng còn hạn chế ở một số địa phương, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Các DN nhỏ sử dụng VLNCN bỏ qua nhiều quy trình, quy định an toàn, dẫn đến mất an toàn. Nguyên nhân do ý thức tuân thủ quy định pháp luật của DN chưa cao và chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động.

Đơn cử như tại Ninh Bình, trên địa bàn hiện có khoảng 40 cơ sở cung ứng, vận chuyển, sử dụng VLNCN, chủ yếu để khai thác khoáng sản. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các đơn vị kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt quy định đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, từ khâu bảo quản đến vận chuyển và trong quá trình sử dụng.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Văn Sáng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - cho rằng, dịch vụ nổ mìn, khai thác mỏ - một ngành nghề vô cùng đặc thù, trong đó không cho phép sai sót dù là nhỏ nhất. Vì vậy, quá trình khai thác cần chọn lựa những tổ chức, DN được nhà nước cấp phép. Bởi chỉ những DN đáp ứng đủ chuyên môn, kỹ thuật mới được cấp phép sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực này.

Vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng trong nhiều lĩnh vực

Vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng trong nhiều lĩnh vực

Tiến tới quy hoạch mạng lưới kho VLNCN

Cục ATMT nhận định, VLNCN và tiền chất thuốc nổ là hàng hóa đặc thù, nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong quá trình khai thác than, khoáng sản phục vụ ngành năng lượng, công trình giao thông… Tuy nhiên, đây cũng là hàng hóa nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ cao, có thể ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, cần được quản lý chặt chẽ từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng, tiêu hủy.

Để siết chặt quản lý VLNCN, ông Trần Văn Lượng cho biết, Cục đã phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tăng cường quản lý nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh, sử dụng VLNCN; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm thẩm định, thẩm tra, hậu kiểm tra công tác cấp phép sử dụng VLNCN theo đúng quy định. Kiểm tra, rà soát các kho bảo quản VLNCN đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về an ninh, kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố.

Điển hình như tỉnh Bình Dương, qua đợt thanh tra, Sở Công Thương Bình Dương đã yêu cầu các DN nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN và nổ mìn dịch vụ. Đối với công tác thi công nổ mìn dịch vụ cần phối hợp với đơn vị chủ mỏ. Riêng các đơn vị hoạt động VLNCN rà soát và xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật an toàn VLNCN cho người quản lý; người được giao quản lý kho VLNCN; người phục vụ, áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển VLNCN…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Văn Lượng khẳng định, tới đây, Bộ Công Thương sẽ bàn bạc với Bộ Công an để đánh giá và quy hoạch lại mạng lưới kho chứa VLNCN toàn quốc, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa bảo đảm an toàn trong quản lý và sử dụng VLNCN.

“Siết chặt và giảm thiểu các kho chứa VLNCN không đảm bảo an toàn tập trung về một số đầu mối”- ông Trần Văn Lượng nêu rõ.

Để đảm bảo an toàn trong công tác quản lý VLNCN, các DN tại địa phương cần rà soát, kiểm tra các quy định về an ninh, phòng, chống cháy nổ trong quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-vat-lieu-no-cong-nghiep-giam-thieu-kho-chua-khong-an-toan-143250.html