'Quản lý và sử dụng đất đai là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất'

Có rất nhiều lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, nhưng đứng đầu tiên vẫn là lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nhận định như trên qua trao đổi với Chất lượng Việt Nam vào ngày 24/12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác thực hiện luật phòng chống tham nhũng của TP.HCM.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, hiện tình hình tội phạm tham nhũng đang diễn biến phức tạp, thậm chí có xảy ra tình trạng tham nhũng ngay tại chính các cơ quan phòng chống tham nhũng. Tại các cơ quan kiểm sát, tòa án, công an đều có hình thành loại tội phạm này, dù chưa nhiều.

- Thưa Tổng thanh tra, như vậy, lĩnh vực nào nhạy cảm thường hay xảy ra tham nhũng nhất?

Đứng đầu vẫn là lĩnh vực quản lý, xây dựng và sử dụng đất đai. Kế tiếp là lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý đầu tư công và sử dụng ngân sách Nhà nước. Cuối cùng là lĩnh vực công tác cán bộ.

Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh trong 1 hội nghị.

Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh trong 1 hội nghị.

Đây là những lĩnh vực mà không riêng gì tại các địa phương, mà trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ cũng tập trung mạnh vào những lĩnh vực này, tiến hành thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa và cả chấn chỉnh các hành vi có liên quan đến tham nhũng.

- Hiện đã xuất hiện những lợi ích nhóm trong tham nhũng. Như vậy, những biểu hiện của lợi ích nhóm này là gì, thưa Tổng Thanh tra?

Chúng tôi thừa nhận là đã xuất hiện hành vi lợi ích nhóm trong công tác chống tham nhũng. Cụ thể nhất là trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, có những vụ án có sự liên kết chặt chẽ của một nhóm đông người, cùng ở một cơ quan, tổ chức hay ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Nhóm người này đã liên kết với nhau để tạo thành một khối, tạo ra lợi ích nhóm.

Rõ nhất là trong hoạt động của ngành ngân hàng. Vừa qua, khi tiến hành thanh tra thì đã phát hiện lợi ích nhóm là rất rõ. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 cũng có nói đến vấn đề này. Hiện một số vụ án của ngành ngân hàng đang được tiến hành xét xử.

Cuối cùng là những biểu hiện lợi ích nhóm trong việc xây dựng cơ chế, chính sách. Họ luôn làm mọi việc để làm sao có lợi cho ngành của mình, cho địa phương hay cho riêng nhóm của mình.

Trong thời gian vừa qua, dù đã có cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng tới nay, kết quả của việc này vẫn chưa phát huy được tốt.

Nguyên nhân là do người dân chưa tin tưởng vào việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến chống tham nhũng, việc bảo vệ người tố cáo lại chưa được thực hiện đầy đủ hay là việc khen thưởng cũng chưa được tốt, rõ ràng.

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội Vụ vừa ký thông tư về khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Nếu chúng ta triển khai tốt thông tư này thì sẽ khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng trên mọi lĩnh vực.

Đối với việc bất minh trong kê khai tài sản của cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2015, cả nước chỉ phát hiện có 5 người kê khai tài sản bất minh. Chính vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, trong thời gian sắp tới, việc kê khai tài sản của cán bộ cần phải rõ ràng hơn, có biện pháp chế tài mạnh mẽ, đầy đủ hơn thì mới có thể khắc phục được tình trang này.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/quan-ly-va-su-dung-dat-dai-la-linh-vuc-de-xay-ra-tham-nhung-nhat-d78810.html