Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội: Nhiều giải pháp kéo giảm vi phạm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2020 là năm thứ tư liên tiếp số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố tiếp tục được kéo giảm. Điều đó cho thấy, nhiều giải pháp tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả.

Năm 2020, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt. Trong ảnh: Xử lý cắt ngọn công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Ảnh: Cẩm Nam

Vi phạm giảm còn 2,13%

Thông tin về kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Mạnh Thắng cho biết, năm 2020 trên địa bàn thành phố có tới 18.878 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2,13%) có vi phạm. Trong đó, các quận, huyện, thị xã đã xử lý dứt điểm 300 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền 102 trường hợp.

Đáng chú ý, đây là năm thứ tư liên tiếp số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ công trình vi phạm là 13,9%; năm 2017 là 10,99%; năm 2018 là 5,28%; năm 2019 là 3,07% và năm 2020 là 2,13%. “Số lượng công trình xây dựng phát sinh hằng năm trên địa bàn thành phố vẫn khá lớn, song số công trình vi phạm đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, các vụ vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong xã hội cũng giảm hẳn”, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng đánh giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của các quận, huyện, thị xã, coi công tác quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, việc thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã (từ tháng 8-2018) cũng đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn.

Cố gắng tiếp tục kéo giảm vi phạm

Lực lượng chức năng huyện Đông Anh phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp tại khu ao Ươm, thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ.

Chia sẻ giải pháp kiểm soát công trình xây dựng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết: Quận ủy Đống Đa đã ban hành nghị quyết về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng. HĐND quận thành lập đoàn giám sát trật tự xây dựng. Hằng tuần, hằng tháng, Thường trực Quận ủy, lãnh đạo UBND quận tổ chức giao ban với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, lãnh đạo các phường... nắm bắt thông tin và chỉ đạo xử lý những trường hợp vi phạm.

Tại quận Ba Đình, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Vũ Hữu Anh thông tin: Đội có 57 cán bộ, nhân viên chia thành 16 tổ, trong đó có 14 tổ địa bàn bám sát hoạt động xây dựng tại 14 phường và 1 tổ kiểm tra, giám sát “chéo” hoạt động của các tổ địa bàn. Các tổ được tổ chức, phân công theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa bàn”.

Là một trong 5 huyện đang phấn đấu trở thành quận, có tốc độ đô thị hóa nhanh, song theo Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quốc Hùng, trong năm 2020, trên địa bàn huyện chỉ phát sinh 2 trường hợp vi phạm trên tổng số 1.495 công trình, dự án đầu tư xây dựng. Các giải pháp được đơn vị triển khai là: Áp dụng chế độ báo cáo vào 17h hằng ngày; tham mưu UBND huyện thành lập tổ kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường. Đối với các địa bàn nóng, phức tạp, Đội phân công cán bộ trực cả ngày nghỉ, ngày lễ hoặc ngoài giờ hành chính... xử lý ngay vi phạm.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội vào cuối tháng 12-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận kết quả toàn diện trên các lĩnh vực quản lý của Sở Xây dựng; nhiều tồn tại, bất cập nổi cộm, phức tạp đã được Sở tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt... Song, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đặt ra yêu cầu: Theo mô hình thí điểm, mặc dù lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị đã được chuyển về các quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý, song Sở Xây dựng, Thanh tra Sở vẫn cần phải kiểm soát, bảo đảm kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, nhằm tiếp tục đưa số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm ở mức tối đa.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương cho biết, Sở đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2021. Theo đó, Giám đốc Sở Xây dựng giao Thanh tra Sở thực hiện tái kiểm tra về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và các phường. Sở cũng sẽ nghiên cứu, kiện toàn mô hình đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, đề xuất bổ sung một số quyền hạn nhất định để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của các đội, qua đó tiếp tục kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng khẳng định: Để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, giải pháp tốt nhất vẫn là tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm, tăng tính răn đe. Theo đó, trong năm 2021, Thanh tra Sở sẽ tăng cường hậu kiểm công tác quản lý trật tự xây dựng của các đội, các phường nhằm tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn; đề xuất cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/987480/quan-ly-trat-tu-xay-dung-tren-dia-ban-ha-noi-nhieu-giai-phap-keo-giam-vi-pham