Quản lý trật tự xây dựng: Giảm thủ tục, tăng trách nhiệm

Cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng là nội dung được nhiều ĐB Quốc hội cũng như cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Các quy định liên quan đến vấn đề này đã có những sửa đổi, bổ sung và được đánh giá là cần thiết.

Giảm thủ tục và thời gian

Theo nhiều ý kiến nhận định, hiện nay quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài. Bên cạnh đó còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép, được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy... Ngoài ra, việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.

 Người dân làm thủ tục tại UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Người dân làm thủ tục tại UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Liên quan đến quy trình cấp phép xây dựng, theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), xin cấp phép xây dựng là một trong các hoạt động diễn ra hàng ngày tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tình trạng cấp phép xây dựng thường xuyên có vi phạm, chậm trễ về thời gian.

Một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vi phạm trong cấp phép xây dựng là quy trình cấp phép xây dựng còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy trình cấp phép xây dựng phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, Luật Xây dựng hiện lại tách thành 3 quy trình: Quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật, quy trình cấp phép xây dựng. Các quy trình này liên quan đến nhiều cơ quan. Đây là điều bất hợp lý phải được sửa đổi, bổ sung xem xét lần này. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng tinh giản thủ tục, thời gian, quy định trách nhiệm thẩm định cho một cơ quan là UBND cấp tỉnh thực hiện, chỉ trong một số trường hợp nhất định phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Liên quan đến các đối tượng miễn cấp phép xây dựng, các ĐB cho rằng, một số công trình không cần thiết phải xin giấy phép nhưng Luật đang bắt buộc phải xin giấy phép như các công trình sửa chữa, cải tạo mà không làm thay đổi kết cấu, thiết kế... Do đó, cần rà soát và bổ sung thêm các trường hợp xây dựng công trình thuộc đối tượng miễn, giảm cấp phép xây dựng. Điều này sẽ góp phần rút gọn thời gian cho các cá nhân, người dân có công trình, giảm tải cho các cơ quan nhà nước khi tiến hành cấp phép xây dựng.

Rõ trách nhiệm

Một thực tiễn cũng được đề cập tới, là việc quản lý trật tự xây dựng còn tồn tại là do khâu tổ chức thực hiện, pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời, việc sửa đổi luật phải phù hợp, theo kịp thực tiễn vận động của xã hội. Như việc xây dựng công trình gắn với quy hoạch, nhiều chuyên gia và ĐB Quốc hội đã phân tích, thực tế, có nơi xây dựng xong mới hoàn thiện quy hoạch nên có nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch.

Nhằm kịp thời ngăn chặn những bất cập trên, Dự Luật cần ban hành quy chế xử phạt nghiêm khắc khi địa phương để xảy ra những sai phạm trong quy hoạch xây dựng. Đồng thời, quy định thống nhất và hạn chế các thủ tục không cần thiết đối với việc thẩm định các dự án để hạn chế nhiều dự án chậm tiến độ xây dựng.

Cũng liên quan đến trách trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, các ĐB cho rằng, Dự Luật cần xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng. Tránh tình trạng, chủ đầu tư xây dựng trái phép, sai thiết kế đã được phê duyệt, nhưng vẫn được cơ quan cấp phép xây dựng và sau khi sự việc vỡ lở, cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quan-ly-trat-tu-xay-dung-giam-thu-tuc-tang-trach-nhiem-385908.html