Quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường Côn Đảo

Côn Đảo nằm trên ngã tư của đường biển quốc tế, điểm cắt của hai tuyến đường hàng hải từ phía Nam lên phía Bắc Á và tuyến hàng hải đi từ Tây sang Đông và ngược lại, là cửa ngõ của Việt Nam với các nước ASEAN. Côn Đảo là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, nằm trong vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, là trận địa phòng thủ từ xa của Quân khu 7 và cả nước. Với lợi thế địa lý và tài nguyên phong phú, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường cụm đảo nhằm phát triển bền vững kinh tế Côn Đảo đi đôi với đảm bảo chủ quyền biển đảo.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường Côn Đảo. Ảnh: MH

Tiềm năng lớn

Theo báo cáo của Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu tại Hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế đảo, cụm đảo, Côn Đảo là 1 quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ với diện tích tự nhiên là 76km2 , trong đó, lớn nhất là đảo Côn Sơn với diện tích 52 km2 dân số khoảng 7.000 người. Côn Đảo là nơi có đa dáng inh học cao với Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 20 ngàn ha, trong đó, gần 6.000 ha rừng nguyên sinh, 14.000 ha vùng biển bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra còn có 20.000 ha biển vùng đệm. Trong đó, có khoảng 180 ha rừng ngập mặn, 200 ha hệ sinh thái cỏ biển và 1.000 ha hệ sinh thái rạn san hô với hệ động thực vật đa dạng, nổi bật nhất là còn tồn tại một quần thể bò biển (dugong). Ngày 18/6/2013, Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar).

Côn Đảo có điều kiện tự nhiên, môi trường trong lành, thân thiện, có lợi thế so sánh rất lớn cho phát triển kinh tế biển như: ngư trường rộng lớn, có tiềm năng về dầu khí, gần đường hàng hải quốc tế, bãi biển dài và đẹp bao quanh các đảo lớn và đảo nhỏ thuận lợi để đầu tư phát triển các ngành du lịch biển gắn liền với du lịch sinh thái, lịch sử; đánh bắt nuôi trồng thủy sản; dịch vụ hậu cần thủy sản; dịch vụ hàng hải, dầu khí; cứu hộ; vận tải biển. Với chiều dài bãi biển hơn 200 km bao quanh, vùng biển Côn Đảo còn có tiềm năng lớn về dầu khí - vận tải biển. Trong đó, dịch vụ du lịch là ngành kinh tế trọng tâm.

Phát triển bền vững kinh tế đảo

Để phát triển nền kinh tế biển xanh, bền vững trên các đảo, cụm đảo, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất với nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển cần tăng cường công tác quản lý trong khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng ven biển và đảo. Tập trung nguồn lực tiếp tục xây dựng củng cố quốc phòng - an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế và ngược lại, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển đảo.

Qua đó, đề xuất và xây dựng quy định cụ thể về giới hạn phạm vi khai thác thủy sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, đảo. Đẩy nhanh việc xúc tiến triển khai và tiến hành lập các quy hoạch ngành về phát triển kinh tế xã hội liên quan đến biển như: Quy hoạch cụm công nghiệp Bến Đầm, Quy hoạch ngành thủy sản… Xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ người dân làm ăn sinh sống gắn bó với biển, tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển; các chính sách khuyến khích ngư dân bám biển, khai thác biển. Về khoa học công nghệ: Tạo điều kiện cho việc nghiêm cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ. Chủ động hợp tác với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào công tác điều tra cơ bản phục vụ nhiều lĩnh vực như dự báo thiên tai, triều cường, chống xoáy lở khu vực ven biển, bảo tồn tài nguyên biển.

Đặc biệt, chú trọng nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển: Tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách của Trung ương, của Tỉnh về thu hút, đào tạo những ngành nghề liên quan đến biển như: Dịch vụ du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển đảo, các ngành nghề về dịch vụ dầu khí, dịch vụ cảng, vận tải biển… trên cơ sở phối kết hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh; đồng thời, có chính sách khuyến khích học sinh đăng ký học các ngành nghề nêu trên tại các cơ sở trong nước và nước ngoài bằng các chính sách về sử dụng sau đào tạo, hỗ trợ học phí.

Bên cạnh đó, quy hoạch các hồ chứa nước ngọt trên địa bàn huyện đã được hoàn thành nhằm đảm bảo nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Thư

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/quan-ly-tong-hop-tai-nguyen-moi-truong-con-dao-1251204.html