Quản lý tổng hợp đới bờ: Cần chiến lược bài bản

Sự phát triển của các đới bờ luôn bị tác động bởi hoạt động phức tạp của con người và nhiều ngành kinh tế khác nhau. Vì vậy, để bảo vệ và phát triển tài nguyên khu vực ven biển, cần chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ bài bản và khả thi.

Quản lý còn lỏng lẻo

Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, nhưng những năm qua, các giá trị và chức năng của khu vực đới bờ hay khu bảo tồn biển vẫn bị xâm hại. Nguyên nhân chính là do người dân sử dụng phương thức và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; sạt lở, bồi lấp đã và đang diễn biến phức tạp ở các khu vực ven biển; rác thải đe dọa nhiều giá trị tài nguyên và hải sản quý hiếm...

Quản lý tổng hợp đới bờ cần chiến lược bài bản và khả thi, vì hiện nay tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Bờ biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng.

“Hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, nguồn nước ngầm cũng ô nhiễm. Nguyên nhân là do khối lượng rác thải đổ ra biển quá nhiều, nhưng việc xử lý còn bất cập. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nhà, mà còn “tiện đâu vứt đó”, ông Thái Thuần Long, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) phản ánh.

Huyện Lý Sơn “sở hữu” 685 loài động, thực vật (150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển...); nhiều hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: San hô đen, hải sâm, tôm hùm bào ngư, trai tai tượng... và có 7.925ha (diện tích mặt nước biển là 7.113ha) được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 16 Khu bảo tồn biển của cả nước, cần bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, hệ sinh thái cỏ biển, rong biển như một máy lọc sinh học, duy trì cân bằng sinh thái ven bờ. Ngoài ra, cỏ biển, rong biển cũng là nơi ở và bãi đẻ của các loài động vật biển, là nguồn thức ăn sạch duy trì đa dạng sinh học biển Lý Sơn.

“Chính vì vậy, bên cạnh việc quản lý chặt các giá trị tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, lịch sử, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật của người dân trên đảo và khách tham quan du lịch”, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho biết.

Tăng cường phối hợp quản lý

Dù đã thống nhất nhiều nội dung, trong đó có việc ổn định đới bờ, chống xói lở, làm sạch nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt... song kết quả thực hiện vẫn chưa đạt như mong muốn. Với nhiều khu vực trên đảo, ngành chức năng đã quy hoạch các phân khu nuôi trồng hải sản, khai thác hải sản, nơi cư trú của các loài sinh vật, bãi đẻ giống của chúng, khu vực chứa nguồn thức ăn tự nhiên... nhưng việc khai thác trái phép, sử dụng ngư lưới cụ trái quy định vẫn tái diễn.

Theo kết quả Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, các loài hải sản quý hiếm ven biển Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt, hệ thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn cũng đang dần biến mất... Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao huy động được cộng đồng dân cư ven biển tham gia bảo vệ tài nguyên và nguồn lợi hải sản khu vực đới bờ. Việc hình thành Khu bảo tồn biển Lý Sơn, công tác bảo tồn biển và quản lý tổng hợp đới bờ đã để lại nhiều bài học. Trong đó, có việc xây dựng khung thể chế phù hợp, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, cũng như những chuyển biến rõ nét về nhận thức khi người dân tích cực tham gia bảo tồn biển, góp phần khai thác hợp lý giá trị, đa dạng sinh học, nâng cao tính bền vững và toàn vẹn các hệ sinh thái.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp đới bờ, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng bờ, bên cạnh sự hợp tác của người dân địa phương, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân ven bờ chuyển đổi ngành nghề. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền và cộng đồng địa phương, tránh tình trạng “mơ hồ” và “nhìn nhau” trong quá trình thực hiện công tác quản lý tổng hợp đới bờ như hiện nay.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202101/quan-ly-tong-hop-doi-bo-can-chien-luoc-bai-ban-3038277/