Quản lý tổ chức lễ hội năm 2019: Ngăn chặn biến tướng, tiêu cực

Để các hoạt động mùa lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh cũng như ngăn chặn những biến tướng, tiêu cực của lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các địa phương lên phương án quản lý chặt chẽ công tác tổ chức lễ hội.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, công tác tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Trong đó, phần lớn các lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đốt vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây lãng phí và nguy cơ hỏa hoạn

Đốt vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây lãng phí và nguy cơ hỏa hoạn

Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích. Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung, giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là việc chậm đổi mới hình thức tổ chức, một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đại.

Trước những tồn tại đó, hiện, các địa phương cũng đã thông báo việc đưa ra nhiều phương án tổ chức lễ hội năm 2019. Đặc biệt, nhấn mạnh sẽ có những chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh, đẩy lùi bạo lực như tại lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội chọi Trâu (Hải Phòng), lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh)… Bên cạnh đó, mùa lễ hội 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND các cấp. Do đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Trịnh Thị Thủy - chỉ đạo, các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh; đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành và phân công trách nhiệm rõ ràng trong quản lý tổ chức lễ hội.Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ về lễ hội. Trong đó, yêu cầu các địa phương quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống. Đồng thời, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển…

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2019, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, có ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội; cần chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân tham gia lễ hội.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-to-chuc-le-hoi-nam-2019-ngan-chan-bien-tuong-tieu-cuc-115739.html