Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Việc cấp thiết cần sớm thực hiện

Cuối tháng 12, một vụ buôn lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước đến nay đã bị triệt phá. Sự việc này gióng thêm tiếng chuông về sự cấp thiết của việc sớm đưa thuốc lá điện tử, cùng thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) mà gọi chung là thuốc lá thế hệ mới vào khuôn khổ pháp luật.

Tuy nhiên, do bản chất khác biệt so với thuốc lá điếu đốt cháy, thuốc lá thế hệ mới cần được quản lý như thế nào cho phù hợp vẫn đang là đề tài tranh luận của các cơ quan bộ ngành. Việc nhìn nhận về khoa học giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới, hay hình thức chế tài, quản lý sản phẩm của những quốc gia đi trước như Nhật Bản nên được cân nhắc như một nguồn tham khảo đáng tin cậy.

Quản lý thuốc lá làm nóng trên nền tảng thẩm định khoa học

Tại Nhật Bản, thuốc lá làm nóng được thương mại hóa vào năm 2016. Các nhà khoa học và chính phủ nước này quyết định đưa ra các biện pháp quản lý dựa trên những nền tảng thẩm định khoa học đối với các sản phẩm này và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống. Tại Nhật Bản, thuốc lá làm nóng được Bộ Tài chính kiểm soát.

Đến nay, Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 85% thị phần toàn cầu. Những ảnh hưởng của sản phẩm lên sức khỏe cũng như những hệ lụy của sản phẩm đối với cộng đồng được chính phủ Nhật Bản theo dõi và đánh giá nghiêm túc.

Dữ liệu cho thấy từ giữa năm 2011 và 2015, số lượng thuốc lá điếu bán ra ở Nhật Bản dần sụt giảm chậm nhưng với tốc độ ổn định. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm trong sản lượng bán thuốc lá điếu tăng vọt bắt đầu từ năm 2016, tương ứng với thời gian sản phẩm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường.

Số lượng thuốc lá điếu Nhật Bản sụt giảm tương ứng với thời điểm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường

Số lượng thuốc lá điếu Nhật Bản sụt giảm tương ứng với thời điểm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường

Theo khảo sát toàn quốc về Sức khỏe và Dinh dưỡng tại Nhật Bản năm 2018, chỉ 9% tỉ lệ sử dụng kép (tức sử dụng đồng thời thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu đốt cháy). Mức độ sử dụng thuốc lá làm nóng trong bộ phận học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng rất thấp chỉ bằng 1/5 so với tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy, tức chỉ có 0,1%.

Khuyến khích chuyển đổi để giảm thiểu tác hại

Đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng lên trên hết, chính phủ Nhật Bản khuyến cáo người dân nên cai nghiện thuốc lá đốt cháy gây hại sức khỏe. Đồng thời khuyến khích những người hút thuốc trưởng thành chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, chính phủ Nhật xây dựng chính sách quản lý riêng phù hợp và bớt khắt khe hơn cho thuốc lá làm nóng. Cụ thể:

- Thuốc lá làm nóng không cần phải liệt kê các bệnh lý do hút thuốc lá hoặc phơi nhiễm với thuốc lá như đối với thuốc lá điếu.

- Thuốc lá làm nóng chỉ cần nêu lên tác động không thể phủ nhận của khí hơi (aerosol) từ sản phẩm này đối với sức khỏe. Theo đó, nghiên cứu từ quốc gia này cho thấy, nguy cơ ung thư do khí hơi của thuốc lá làm nóng gây ra thấp hơn ba bậc so với thuốc lá điếu đốt cháy trong cùng điều kiện và được đánh giá là gần như an toàn.

- Thuốc lá làm nóng cũng không phải tuân theo các quy định hạn chế xoay quanh việc sử dụng ngoài trời, bởi thuốc lá làm nóng loại bỏ được quá trình đốt cháy. 16 trên 20 thành phố lớn tại Nhật Bản, bao gồm 23 phường của Tokyo đang áp dụng quy định này.

Nhiều quốc gia xem thuốc lá làm nóng là công cụ bổ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện

Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh, Mỹ, New Zealand, Israel và nhiều quốc gia khác cũng cho phép thuốc lá thế hệ mới lưu hành chính thức như một công cụ bổ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện. Các quốc gia này không chỉ hỗ trợ về thuế cho thuốc lá làm nóng, mà còn đưa ra các chính sách giúp khuyến khích người dân chuyển đổi từ thuốc lá điếu độc hại sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại. Những quy định, cảnh báo để sản phẩm chỉ được tiếp cận đúng đối tượng là người hút thuốc lá trưởng thành cũng được đề ra một cách cẩn trọng.

Có thể thấy rằng, tùy điều kiện của mỗi quốc gia, và nguyện vọng thực tế của người dân, chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới từng nước có thể khác nhau. Tuy nhiên, nền tảng khoa học của sản phẩm và kết quả đánh giá tác động của sản phẩm đối với cộng đồng, cũng như kết quả giảm thiểu tác hại mà thuốc lá làm nóng mang lại cho cộng đồng đã được kiểm chứng tại Nhật Bản hay các quốc gia tiên tiến khác, nên được xem là nguồn tham khảo đáng tin cậy cho những quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị đưa ra chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới như Việt Nam.

Được biết chính phủ Việt Nam đã chính thức có yêu cầu Bộ Công thương và các ban ngành liên quan sớm xây dựng chính sách quản lý riêng phù hợp với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử. Trong bối cảnh nạn buôn lậu thuốc lá thế hệ mới ngày càng gia tăng, việc xây dựng quy định phù hợp cho các sản phẩm này thiết nghĩ là một trong những việc cấp thiết cần được ưu tiên, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

• Khoản 1 Điều 2 Luật PCTHTL năm 2012 Việt Nam định nghĩa thuốc lá: "là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác"

• Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá.

• Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) phân loại thuốc lá làm nóng theo mã "Sản phẩm thuốc lá khác".

Minh Vy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/quan-ly-thuoc-la-the-he-moi-viec-cap-thiet-can-som-thuc-hien-20210111105009966.htm