Quản lý thuốc lá điện tử: Cần khung pháp lý đủ mạnh

Thuốc lá điện tử có mức độ độc hại không thua kém so với thuốc lá truyền thống và đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Giới trẻ là đối tượng nhiễm thuốc lá điện tử nhanh do dễ dàng tiếp cận, vì thế rất cần một khung pháp lý đủ mạnh để ngăn sản phẩm độc hại này thẩm lậu vào thị trường trong nước.

Tăng nhanh thị phần

Tại Hội thảo Cung cấp thông tin cho báo giới về thuốc lá điện tử (ENDS) và thuốc lá nung nóng (HTPs), do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Đào Thế Sơn - Đại diện Liên minh Quốc tế phòng, chống lao và bệnh phổi (The Union) - cho biết, thuốc lá mới gồm ENDS và HTPs hiện đang rất phổ biến ở nhiều quốc gia.

Thuốc lá điện tử được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội

Thuốc lá điện tử được quảng cáo nhiều trên mạng xã hội

Theo ông Sơn, từ năm 2011-2018, tỷ lệ sử dụng ENDS và HTPs ở Mỹ đã tăng từ 1,5% lên 27,5% cho nhóm thanh, thiếu niêu từ 13-15 tuổi. Khảo sát tại Việt Nam vào năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ hút ENDS ở thanh, thiếu niên bắt đầu tăng cao, lên đến 2,6% cho nhóm người từ 13-17 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam - phân tích, thành phần của thuốc lá mới bao gồm: Nicotine, acrolein, phân tử ultrafine, formaldehyde, acetaldehyde… và các nhà sản xuất đã tạo ra hơn 15.000 hương liệu khác nhau nên rất hấp dẫn đối với giới trẻ. Hầu hết các chất chứa trong thuốc lá mới đều mang hàm lượng độc tính cao, trong đó một số chất được xếp và nhóm gây ung thư. Đặc biệt, nhiều hương liệu chiết xuất từ cây cannabis và marijuana, được phát hiện có trong ma túy.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm dẫn chứng, hội chứng tổn thương phổi cấp do ENDS gây ra cho người sử dụng rất ngiêm trọng. Cụ thể tại Mỹ, tính đến tháng 2/2020, có 2.807 trường hợp nhập viện, trong đó 68 ca tử vong, 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi.

Theo các chuyên gia, ENDS gây tác hại đối với sức khỏe của con người, nhất là trẻ em, thanh, thiếu niên và phụ nữ có thai. Người tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các chứng bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác. Tuy nhiên, hiện tại thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại sản phẩm ENDS, đa số là hàng nhập lậu từ Trung Quốc và được bán với giá rẻ nên rất dễ mua tại các cửa hàng, hoặc trên Facebook, Instagram, TikTok…

Kiểm soát chặt

Mỗi năm trên thế giới có 8 triệu người chết vì hút thuốc lá, trong đó có ENDS, vì thế nhiều quốc gia đã cấm ENDS. Bà Đoàn Thu Huyền – Trưởng đại diện Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam- cho biết, hiện đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm ENDS, trong đó có các quốc gia ASEAN như: Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei. Tại Việt Nam, sản phẩm ENDS chủ yếu được bán qua đường hàng xách tay và trên mạng.

Tuy nhiên, theo ông Đào Thế Sơn, nếu không có sự kiểm soát chặt, tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá mới này sẽ tăng rất nhanh. Do vậy, không nên cho thí điểm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ENDS và HTPs tại thị trường Việt Nam.

Bà LÊ THỊ THU - Quản lý Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam:

Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam: Việt Nam cần có khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, trước mắt cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán trên các trang mạng điện tử, đồng thời tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào các sản phẩm thuốc lá, nhằm giảm tỷ lệ người hút thuốc.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thuoc-la-dien-tu-can-khung-phap-ly-du-manh-141021-141021.html