Quản lý thông tin điều tra theo đơn thư bạn đọc của báo điện tử Việt Nam

Hiện nay, việc quản lý thông tin điều tra theo đơn thư bạn đọc trên báo điện tửViệt Nam ngày càng được các cơ quan báo chí quan tâm, xem như một 'kênh' giámsát và tăng uy tín để phát triển cho tờ báo.

Quản lý thông tin điều tra theo đơn thư bạn đọc của báo điện tử Việt Nam

Quản lý thông tin điều tra theo đơn thư bạn đọc của báo điện tử Việt Nam

Trong thực tế hoạt động báo chí hiện nay, không phải lúc nào các nhà báo, các tờ báo cũng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội mà có trường hợp chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, thậm chí bịa đặt..., Do đó đã làm ảnh hưởng đến giá trị thông tin của các tác phẩm báo chí và lớn hơn là làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Quy trình quản lý

Qua khảo sát một số trường hợp, có thể rút ra quy trình chung của các báo đang thực hiện nhằm quản lý thông tin điều tra theo đơn thư của bạn đọc như sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị;
Giai đoạn 2: Thiết lập và điều hành nhóm điều tra và bộ phận phối hợp;
Giai đoạn 3: Thu thập, phân tích, kiểm chứng thông tin và tìm bằng chứng để chứng minh giả thiết;
Giai đoạn 4: Biên tập, thẩm định, duyệt xuất bản;
Giai đoạn 5: Nghiên cứu phản hồi, nghiên cứu thực tiễn, đề xuất phương án tiếp theo;

Nguyên tắc bảo đảm các quy định, yêu cầu đối với quy trình tổ chức, thực hiện tuyến bài điều tra của tòa soạn báo

Mỗi tòa soạn báo có những quy tắc, quy định, yêu cầu riêng. Nguyên tắc này bảo đảm tất cả tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan báo chí đều phải thực hiện. Kết quả thực hiện nguyên tắc được hiện thực hóa bằng quá trình tổ chức, bằng sản phẩm và bằng việc khen thưởng, kỷ luật đối với mỗi trường hợp cụ thể.

Nguyên tắc bảo vệ nhà báo điều tra, nguồn tin; kiểm soát cộng tác viên và bảo mật dữ liệu báo chí điều tra

Ngoài những quy định của luật pháp, bảo vệ nguồn tin còn là trách nhiệm, đạo đức, nguyên tắc nghề. Nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có chế độ trả thù lao cho nguồn tin cung cấp, cho nên, không lý gì nhà báo lại không có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình.

Nuôi dưỡng và giữ được quan hệ mật thiết với nguồn tin (ở đây được hiểu là cung cấp thông tin vì sự phát triển chung của xã hội, không vụ lợi...), nhà báo sẽ được khẳng định uy tín, danh dự và trách nhiệm của chính người đi thực hiện điều tra. Điều này sẽ giúp người cung cấp tin tưởng và được tôn trọng hơn. Chính vì thế, mỗi tòa soạn cần xây dựng nguyên tắc bảo vệ nhà báo, bảo vệ nguồn tin, kiểm soát cộng tác viên và dữ liệu điều tra một cách chi tiết, cụ thể nhất.

Nguyên tắc bảo đảm cơ chế giám sát hoạt động báo chí điều tra

Cơ chế giám sát hoạt động báo chí điều tra có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề phát sinh mới, kịp thời giải quyết. Giám sát, còn thể hiện mối quan hệ giữa các chủ thể, có sự tương tác và mọi hoạt động đều nằm trong tầm kiểm soát.

Nguyên tắc bảo đảm tính hệ thống, tính logic, tính thực tế của quy trình và các quy định trong tòa soạn

Cần có sự thống nhất, logic gắn với thực tế tình hình cụ thể của từng tòa soạn để thực hiện nguyên tắc này.

Từ đơn thư bạn đọc, báo chí đã và đang làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội

Vấn đề đang đặt ra

Hầu hết các báo đều có quy trình chung, với 5 giai đoạn ở các mức độ khác nhau. Các chủ thể có vai trò và sự tham gia tích cực trong quy trình: Vai trò được thể hiện trong nhận thức, quá trình tham gia của các chủ thể. Các chủ thể từ lãnh đạo cao nhất đến phóng viên, các bộ phận liên quan thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động.

Bên cạnh đó, dù đã xây dựng quy trình chính thức hay không, về cơ bản các tòa soạn đều chú trọng đến yếu tố tập thể trong quy trình điều tra. Việc thực thi, giám sát cơ bản được các tòa soạn thực hiện chặt chẽ, yêu cầu đối với phóng viên viết điều tra hay nhóm phóng viên tham gia tuyến bài cao hơn nhiều so với các thể loại khác.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ cho phóng viên điều tra đã có sự chú trọng, cơ chế cao hơn khi viết thể loại khác. Những nguồn lực như tài chính, phương tiện tác nghiệp, kĩ thuật công nghệ... cơ bản đều có cơ chế ưu tiên hơn đối với phóng viên thực hiện tuyến bài điều tra, tùy theo điều kiện, khả năng của các tòa soạn báo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cơ quan báo chí chưa có quy trình riêng chuẩn bằng văn bản, mang tính chuyên nghiệp cao. Một số tòa soạn đều giữ bí mật quy trình, mặc dù trên thực tế đây là nguyên tắc không được công khai, chỉ lưu hành nội bộ, tránh lộ bí mật.

Nhưng điều này cũng dẫn đến vấn đề xây dựng quy trình vốn khó khăn, nên các báo không thể tham khảo được từ những báo đã có quy trình chuẩn hoặc tương đối chuẩn để tạo ra sự chuẩn hóa quy trình trong các tòa soạn tại Việt Nam.

Mặt khác, khả năng tham gia của các chủ thể còn một số hạn chế: khả năng quản lý của lãnh đạo, vấn đề nghiệp vụ điều tra của phóng viên, sự tham gia của các bộ phận khác chưa đạt hiệu quả...

Tất cả những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc các tòa soạn báo không có quy trình cụ thể hoặc có quy trình nhưng không chặt chẽ. Điều đó kéo theo vấn đề xây dựng, thực thi, giám sát trên thực tiễn không có cơ sở vững chắc, đồng thời có thể tạo ra những hạn chế về khả năng quản lý của lãnh đạo, vấn đề nghiệp vụ điều tra của phóng viên, sự tham gia của các bộ phận khác chưa đạt hiệu quả...

Người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường qua báo chí

Một số giải pháp góp phần tăng cường quản lý

Xây dựng cụ thể về nội dung, phương thức cho quy trình tổ chức, thực hiện các tuyến bài điều tra ở tòa soạn. Có thể khẳng định rằng, nhà báo điều tra luôn phải làm việc trong sự gắn kết với tập thể cơ quan báo chí và ban lãnh đạo báo chí.

Do đó, để thực hiện tác phẩm báo chí điều tra và nhất là những tuyến bài điều tra dài kỳ, cần có sự tham gia của nhà báo điều tra và nhiều chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí khác, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng trong tổ chức và phối hợp thực hiện của cơ quan báo chí. Chính vì thế, muốn kế hoạch thực hiện bài điều tra hay tuyến bài điều tra thành công, cần phải lập kế hoạch điều tra, cần có một quy trình tổ chức thực hiện chặt chẽ phù hợp để thực hiện.

Xây dựng quy trình áp dụng phù hợp cho mỗi tòa soạn báo

Do còn nhiều yếu tố tác động đi kèm, nên mỗi tòa soạn báo sẽ cần tự xây dựng một hệ thống những nguyên tắc về quy trình tổ chức thực hiện tuyến bài điều tra sao cho phù hợp với tòa soạn mình, tự bổ sung sau quá trình thực hiện các tuyến bài điều tra của mình, để làm sao có một bộ nguyên tắc chặt chẽ, phù hợp nhất.

Những rào cản lớn của việc vận hành quá trình tổ chức thực hiện các tuyến bài điều tra ở nước ta có nguyên nhân quan trọng chính là bởi sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng, thực thi và giám sát quy trình tổ chức, thực hiện các tuyến bài điều tra tại các tòa soạn hiện nay.

Chính vì thế, mỗi cơ quan báo chí cần chuẩn hóa quy trình tổ chức, thực hiện báo chí điều tra, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cho cơ quan báo chí, nâng cao chất lượng báo chí điều tra và bảo đảm yêu cầu pháp lý, nghiệp vụ, đạo đức cho nhà báo. Ngoài việc tuân thủ các thao tác trong quy trình chung và chịu sự chi phối của đặc trưng loại hình báo chí khi sáng tạo tác phẩm, quy trình thực hiện tuyến bài điều tra có những yêu cầu đặc thù, ở từng khâu công việc cụ thể.

Nâng cao năng lực và phẩm chất của nhà báo điều tra ở các cơ quan báo chí

Nhà báo cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng điều tra chuyên nghiệp. Mặt khác, cần nâng cao năng lực, hiểu biết pháp luật của nhà báo nói chung và nhà báo điều tra nói riêng. Trong bối cảnh của cơ chế thị trường hiện nay, vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo, đặc biệt là đối với những người viết điều tra cần được chú trọng nhiều hơn.

Liên kết các nhà báo điều tra. Các nhà báo điều tra đơn lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Vì vậy, trong khả năng và mối quan hệ của mình, nhà báo điều tra trong cùng tòa soạn và các tòa soạn báo khác nhau có thể tạo khối liên kết để xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ, phát triển nghề nghiệp./.

Hoàng Văn Vững

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quan-ly-thong-tin-dieu-tra-theo-don-thu-ban-doc-cua-bao-dien-tu-viet-nam-n21168.html