Quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên báo mạng điện tử hiện nay

Trong bất kỳ xã hội nào, trẻ em cũng cần được tôn trọng và bảo vệ. Một trong nhữngphương tiện truyền thông có thể bảo vệ trẻ em là báo chí. Những vụ việc trẻ em bị bạolực, xâm hại được báo chí phát hiện và đăng tải đã góp phần làm thay đổi nhận thứccủa gia đình, xã hội trong việc bảo vệ các em. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trongnhững thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

Quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên báo mạng điện tử hiện nay

Quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên báo mạng điện tử hiện nay

Vấn đề quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, có vị trí vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia và luôn nhận được nhiều sự quan tâm, chăm lo về cả mặt vật chất và tinh thần từ gia đình, nhà trường và xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và luôn luôn giữ quan điểm nhất quán về vấn đề này.

Hiện nay, hình ảnh và thông tin về trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, đậm đặc và phong phú trên báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử (BMĐT). Điều đó chứng tỏ báo chí, xã hội ngày càng quan tâm đến trẻ em. Nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã chung tay cùng xã hội làm tốt việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. BMĐT tuy ra đời muộn hơn những loại hình báo chí khác, nhưng tốc độ phát triển lại vô cùng lớn mạnh nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ thông tin hiện đại. Số lượng tin, bài nhiều, tốc độ cập nhật nhanh và sự tích hợp đa phương tiện là những ưu thế vượt trội của BMĐT. Chính vì lẽ đó, công chúng sử dụng BMĐT cũng ngày một đông đảo và phát triển không ngừng. Với thế mạnh đó, những thông tin trên BMĐT có tốc độ lan tỏa và gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Nhờ đó, nhiều vụ việc bạo hành, bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục trẻ em bị phanh phui đưa ra ánh sáng gây chấn động dư luận xã hội trong thời gian qua.

Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai

Nhà báo cần cân nhắc khi viết về trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bởi các em chưa biết tự bảo vệ bản thân và chưa ý thức đầy đủ về tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng.

BMĐT có sức tác động và ảnh hưởng rất lớn. Mỗi hình ảnh, mỗi câu chữ được ví như những “vũ khí” sắc bén. Nếu trên BMĐT xuất hiện những tin tức tích cực, có tính định hướng thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại nếu trong một tin bài, xuất hiện quá nhiều những thông tin tiêu cực, không có tính định hướng sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Chính vì vậy, vấn đề đạo đức người làm báo phải được đặt lên hàng đầu.

Thông tin về trẻ em trên BMĐT không chỉ lấy trẻ em làm đối tượng phản ánh đơn thuần, mà còn mang tính xã hội sâu sắc. Viết về đề tài trẻ em, cần phải nghiên cứu cả trẻ em lẫn người lớn – người liên quan đến các em bởi những thông tin, hình ảnh đó sẽ góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của người lớn đối với việc giải quyết các vấn đề trẻ em. Vì vậy, kỹ năng đưa tin, quản lý chất lượng thông tin, thông điệp về trẻ em là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí.

Thực tiễn thời gian qua, việc quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên BMĐT bước đầu mang lại những thành công cơ bản. Các chủ thể quản lý đã huy động, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chất lượng, góp phần hiệu quả vào sản xuất thông điệp về bảo vệ trẻ em trên BMĐT. Bên cạnh đó, các chủ thể quản lý cũng đã kết hợp hiệu quả các phương thức quản lý trong quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên BMĐT. Tuy nhiên, thông tin về trẻ em quốc tế còn ít nên khiến người đọc khó có thể so sánh đối chiếu với trẻ em trong nước. Bên cạnh đó, thông tin về trẻ em dân tộc cũng ít được đề cập hoặc bị định kiến nên khi giới thiệu chỉ góp phần tạo nên hình ảnh của những em bé dân tộc nghèo khó, bệnh tật. Các vấn nạn nhức nhối liên quan đến trẻ em như nạn buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động... mặc dù có xuất hiện trên báo chí, nhưng với mật độ thưa thớt và chưa thực sự nằm trong kế hoạch đưa tin để tuyên truyền tới cộng đồng. Ngoài ra, do đội ngũ phóng viên viết về trẻ em còn mỏng nên không đủ nguồn lực và thời gian để thu thập thông tin.

Các cơ quan báo chí đã nhận thức rõ những hạn chế trong việc quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy trong những năm qua, nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu về cách thông tin liên quan đến trẻ em trên báo chí đã được tổ chức, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà báo và nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý báo chí vẫn chưa có những chế tài cụ thể, rõ ràng để quản lý thông tin trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc xây dựng các chế tài quản lý thông điệp bảo vệ trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng là vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ em.

Nhiều báo điện tử đã cố tình "trưng" cả khuôn mặt của trẻ em lên bài báo gây ra những hệ lụy không tốt cho đứa trẻ

Để quản lý tốt thông điệp bảo vệ trẻ em

Thứ nhất, cần coi trọng vai trò của báo chí trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Báo chí với khả năng kêu gọi và kết nối cộng đồng sẽ là mấu chốt quan trọng trong việc giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Khi một thông điệp về các chính sách liên quan đến trẻ em được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tức là sẽ đến được với hàng triệu công chúng. Nhờ đó, những mục tiêu đề ra trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em sẽ đạt được kết quả nhanh và hiệu quả hơn so với nhiều phương cách khác.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tích cực tổ chức các chương trình giáo dục, giải trí cho trẻ; khuyến khích trẻ tham gia công tác xã hội... Những hoạt động truyền thông này phải luôn được đặt ở vị trí ưu tiên thích đáng và thường xuyên được nhắc đến trong các chuyên mục, chuyên trang trên các tờ BMĐT.

Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo viết về trẻ em.

Mở các lớp học, khóa đào tạo định kỳ theo từng giai đoạn để chất lượng đội ngũ nhà báo luôn đảm bảo và nâng cao. Ngoài ra, cần có những quy định, chính sách hợp lý về đào tạo và xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về trẻ em. Đặc biệt nhấn mạnh cán bộ quản lý phải có tri thức về BMĐT, về khoa học công nghệ thông tin và quản lý, tri thức pháp luật.

Ngoài ra phải nắm rõ các quy định, yêu cầu và nguyên tắc có liên quan tới trẻ em. Ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, những quy định về thông tin hình ảnh, tên tuổi trẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Có như vậy mới có thể tự tin nhìn nhận, định hướng và xử phạt các tin bài có liên quan tới trẻ em.

Người quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ về phương tiện tác nghiệp, đi lại, ưu tiên đưa tin khi có yêu cầu từ thực tiễn, hỗ trợ cung cấp đầy đủ về tài liệu, thông tin liên quan đến trẻ em cho cán bộ phóng viên.

Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ ba, xây dựng cơ chế chế tài xử phạt hợp lý.

Trong các tin bài, nhân vật được đề cập thường là những đối tượng rất mong manh yếu ớt, luôn cần sự chăm sóc và bảo vệ của người lớn. Chính vì vậy, tính nhân đạo và nhân văn trong mỗi tác phẩm là điều kiện cần thiết. Trong thực tế đã xảy ra không ít trường hợp nhiều tin bài vi phạm các điều khoản như tiết lộ thông tin chi tiết, cụ thể về trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị cưỡng hiếp... hoặc nhìn nhận không đúng vai trò của trẻ, sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực... Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ cũng như toàn xã hội.

Trước những tin bài này, ngay ở mỗi tòa soạn phải có các biện pháp chế tài xử phạt phù hợp. Đây là việc làm cần thiết để răn đe và điều chỉnh lại nhận thức của các nhà báo. Nhà báo khi vi phạm có thể bị cắt giảm lương thưởng, hạ mức thi đua.... Nếu những tin bài gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới trẻ cần phải cải chính, xin lỗi phù hợp trên mặt báo và cả ngoài đời sống.

Thứ tư, cần nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.

Muốn viết về trẻ em, người làm báo trước hết phải có lòng yêu trẻ, biết chia sẻ cảm thông và đặc biệt là phải biết giao tiếp với trẻ. Trước khi tiến hành một cuộc giao tiếp với trẻ em, nhà báo nên có sự chuẩn bị chu đáo về thời gian, địa điểm, nội dung trao đổi... Khác với người lớn, trẻ em phần lớn không có mục đích giao tiếp một cách rõ ràng, chính vì vậy trẻ ít khi có tính tích cực trong giao tiếp với những người hoàn toàn xa lạ nếu người lớn không làm cho các em có thiện cảm và thích thú. Làm quen và tạo được cảm tình cũng như tạo sự tin cậy ở trẻ sẽ chiếm một vị trí có tính chất quyết định.

Khi đưa tin, bài về thông điệp bảo vệ trẻ em, nhà báo ngoài việc tuân thủ pháp luật, phải biết chắt lọc, xử lý thông tin nhằm giảm thiểu những tổn hại về danh dự đối với trẻ em. Thứ năm, không ngừng đổi mới nội dung, cách thức thực hiện các chương trình, chuyên mục về trẻ em. Thông tin cần chính xác, khoa học, hấp dẫn, lôi cuốn được đông đảo công chúng người lớn và trẻ em. Tuyệt đối tránh đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách và chạy theo lợi nhuận. Nếu có thể, đưa các tin bài, chuyên mục trẻ em ở vị trí quan trọng, bắt mắt, dễ thu hút sự chú ý của độc giả; Mở rộng phạm vi chủ đề về trẻ em, quan tâm đến mọi nhóm đối tượng trẻ em./.

Nguyễn Quỳnh Phương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quan-ly-thong-diep-bao-ve-tre-em-tren-bao-mang-dien-tu-hien-nay-n23068.html