Quản lý tài chính tại các trường đại học công lập thực hiện tự chủ: Thực trạng và giải pháp

VŨ XUÂN DŨNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Công tác quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập (CSGDĐHCL) ở Việt Nam trong điều kiện được giao quyền tự chủ tài chính đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn những vướng mắc và bất cập ảnh hưởng đến quá trình đổi mới và phát triển của nhà trường. Bài viết đánh giá thực trạng quản lý tài chính của các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ tài chính ở Việt Nam nhằm nêu bật bức tranh toàn cảnh về vấn đề này, gợi ý một số giải pháp hoàn thiện quản lý tài chính cho các CSGDĐHCL ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Cơ sở giáo dục đại học công lập, quản lý tài chính, tự chủ tài chính.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, ở hầu hết các quốc gia thực hiện nền kinh tế thị trường, các CSGDĐHCL được thực hiện quyền tự chủ tài chính và quản lý tài chính theo các mô hình hiện đại nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong từng thời kỳ. Ở Việt Nam, kể từ khi thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, và đặc biệt là sau Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, công tác quản lý tài chính của các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ đã có những chuyển biến tích cực. Các CSGDĐHCL đã chủ động hơn trong đa đạng hóa và gia tăng các nguồn thu, đồng thời chủ động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn thu và kết quả tài chính.

Tuy nhiên, cho đến nay, công tác quản lý tài chính của các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ vẫn còn có những vướng mắc và bất cập cả về cơ chế, chính sách cũng như nội dung và phương thức khai thác, quản lý sử dụng các nguồn thu, khoản chi. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp để hoàn thiện chính sách tài chính và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính cho các CSGDĐHCL ở Việt Nam đang là một vấn đề cần thiết và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và người làm chính sách.

2. Thực trạng quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính

Các kết quả đạt được

Khi thực hiện tự chủ tài chính, công tác quản lý tài chính của các CSGDĐHCL đã đạt được những kết quả chủ yếu sau:

Một là, có sự gia tăng đáng kể số lượng CSGDĐHCL chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Khi bắt đầu triển khai cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính (theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP), cả nước mới chỉ có dưới 10 CSGDĐHCL đăng ký thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, tính đến hết năm học 2015-2016, số lượng CSGDĐHCL thực hiện cơ chế tự chủ tài chính (gồm các mức độ tự chủ: tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chủ chi thường xuyên; tự chủ một phần chi thường xuyên) đã tăng lên, chiếm khoảng trên 20% tổng số CSGDĐHCL. Hiện nay, đã có 21 trường đại học công lập thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư, 149 trường thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên, lần lượt chiếm khoảng 12,3% và 87,5% tổng số CSGDĐHCL. Đây là những kết quả thể hiện sự nỗ lực đổi mới quản lý tài chính, đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng đầu tư và chi tiêu của NSNN cho giáo dục đại học.

Hai là, các CSGDĐHCL đã chủ động hơn trong việc đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu. Trên cơ sở xây dựng và điều chỉnh mức học phí theo khung và lộ trình gia tăng học phí (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo theo hướng gia tăng số lượng ngành/chuyên ngành/chương trình đào tạo, số thu học phí của phần lớn các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ đều gia tăng, đặc biệt là đối với các trường có xếp hạng đào tạo thuộc nhóm đầu. Các CSGDĐHCL cũng đã chú trọng khai thác, huy động các nguồn tài chính khác, trong đó phải kể đến các nguồn thu từ việc tìm kiếm và triển khai các dự án, đề tài khoa học công nghệ theo đơn đặt hàng, các nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung ứng dịch vụ, liên kết đào tạo, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội,… Kết quả là tổng nguồn thu ngoài NSNN của các CSGDĐHCL đều tăng sau khi thực hiện tự chủ tài chính, trong đó, nhóm trường thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn có mức tăng tính cho cả giai đoạn từ năm học 2015-2016 đến năm học 2019-2020 trung bình từ khoảng 1,5 đến 3 lần.

Ba là, việc được giao quyền quyết định các khoản chi theo nguồn tài chỉnh tự chủ đã giúp cho các CSGDĐHCL chủ động xác định và bố trí các khoản chi theo các nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra trong từng thời kỳ để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trên cơ sở nguồn tài chính ngoài NSNN mà nhà trường khai thác huy động được, nhóm CSGDĐHCL thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư đã chú trọng việc đầu tư cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục đại học, cải thiện thu nhập cho cán bộ, giảng viên, đồng thời khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các hoạt động NCKH và đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Kết quả,cơ sở vật chất kỹ thuật như giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, phần mềm quản lý giáo dục,… và trình độ, năng lực của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được cải thiện rõ nét. Từ đó, góp phần quan trọng để các CSGDĐHCL đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, nhiều CSGDĐHCL đã thực hiện thành công việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, trong đó có những trường đã đăng ký và triển khai kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế và đạt được thứ hạng cao trong xếp hạng đại học ở châu Á và thế giới.

Bốn là, công tác quản lý chi tiêu và sử dụng các quỹ trong nhà trường chặt chẽ và khoa học hơn. Các CSGDĐHCL đã chủ động xây dựng, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với khả năng tự chủ tài chính và những đặc thù của đơn vị, thực hiện việc xử lý chênh lệch thu chi, trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định của cơ chế tự chủ tài chính, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch tài chính của nhà trường.

Các hạn chế và bất cập

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, song quản lý tài chính của các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ tài chính vẫn còn hạn chế và bất cập như sau:

Thứ nhất, số lượng CSGDĐHCL thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư còn khá khiêm tốn. Cho đến hết năm học 2019-2020, mới chỉ có 21/170 CSGDĐHCL thực hiện tự chủ tài chính toàn bộ, trong khi đó, có tới 149/170 trường mới tự chủ được một phần chi thường xuyên. Điều này thể hiện mức độ tự chủ tài chính của phần lớn các CSGDĐHCL còn rất nhỏ bé và đồng nghĩa với việc khả năng khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính ngoài NSNN của phần lớn các CSGDĐHCL còn rất hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng trang trải các khoản chi tiêu, đầu tư để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thứ hai, sự gia tăng nguồn thu chủ yếu là từ đóng góp của người học dưới hình thức thu học phí, lệ phí. Nguồn thu này có xu hướng gia tăng liên tục qua các năm và hiện chiếm tỷ trọng khoảng trên 75% tổng nguồn thu. Trong khi đó, các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, NCKH, chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu phát triển, tư vấn,… còn chiếm tỷ trọng khá nhỏ và có xu hướng giảm dần về tỷ trọng. Sự gia tăng nguồn thu từ người học lại chủ yếu là do điều chỉnh tăng học phí, mở rộng quy mô tuyển sinh, bổ sung chương trình đào tạo, mở rộng hình thức liên kết đào tạo, mà chưa thực sự dựa trên sự đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, gắn kết hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tư vấn của nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, đã xẩy ra tình trạng lạm thu tại một số CSGDĐHCL. Trước áp lực của cơ chế tự chủ tài chính là phải gia tăng các nguồn thu ngoài NSNN trong khi nguồn NSNN có chiều hướng giảm dần, một số CSGDĐHCL đã lạm thu một số khoản thu ngoài quy định về thu học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Một số trường chưa chú trọng đúng mức việc nâng cao chất lượng giáo dục mà chạy theo số lượng, gia tăng học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thực tế vượt quá chỉ tiêu được phép dẫn đến tình huống có những sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo nhưng phải chờ đợi để được cấp bằng tốt nghiệp.

Thứ tư, nội dung và cơ cấu chi của nhiều CSGDĐHCL chưa thực sự hợp lý. Đối với nhóm trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mặc dù, đã chú trọng điều chỉnh gia tăng các khoản chi thanh toán cá nhân (tiền lương, phụ cấp theo lương, bảo hiểm xã hội,…) chi nghiệp vụ (vật tư, dịch vụ vận hành phòng học, thí nghiệm, phòng làm việc,…) và chi mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, song mức độ và tỷ trọng các khoản chi này chưa thực sự đem lại hiệu quả kỳ vọng. Đối với nhóm trường đảm bảo tự chủ được một phần chi thường xuyên, cơ cấu chi càng trở nên bất hợp lý. Chi thanh toán cá nhân và chi nghiệp vụ chuyên môn gia tăng chậm do phụ thuộc vào phần kinh phí nhà nước cấp và nguồn ngoài NSNN mà nhà trường huy động được. Mức độ và tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ của nhiều trường còn rất thấp. Chi cho đầu tư cơ sở vật chất còn manh mún, chủ yếu dưới hình thức sửa chữa cải tạo phòng học, phòng làm việc, khu dịch vụ,… trong khi đó, chưa chú trọng đến chất lượng công trình dẫn đến thời gian khai thác sử dụng hữu ích của tài sản sau sửa chữa, cải tạo khá ngắn, gây lãng phí nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, việc trả lương cho viên chức và người lao động vẫn được thực hiện theo hệ số ngạch, bậc, chức vụ theo thang bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2014/NĐ-CP. Việc chi trả từ quỹ bổ sung thu nhập của nhà trường cũng tham chiếu đến quy định hệ số ngạch, bậc chức vụ kể trên. Đây là cách thức chi trả lương và thu nhập chưa thực sự gắn với kết quả, hiệu quả công việc nên chưa thực sự khuyến khích được sự đổi mới, nâng cao chất lượng.

Thứ năm, quy chế chi tiêu nội bộ của các CSGDĐHCL nhìn chung chưa thực sự hợp lý và bao quát đầy đủ các nội dung thu chi của nhà trường. Hầu hết các trường đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, bởi lẽ đây là căn cứ để thực hiện các khoản thu, chi của nhà trường. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung và mức độ các khoản thu, chi chưa thực sự khách quan, phù hợp và chưa bao quát hết tình hình của nhà trường. Bản thân tiêu đề của quy chế này là “quy chế chi tiêu nội bộ” cũng gây hiểu lầm và chưa bao quát hết các nội dung của quy chế, bởi lẽ quy chế này không chỉ là quy định nội bộ về chi tiêu mà còn gồm cả quy định về các khoản thu, phân phối, sử dụng kết quả tài chính.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

Về phía nhà nước:

- Cơ chế tự chủ tài chính do Nhà nước quy định còn thiếu tính đồng bộ và còn có những giới hạn. Mặc dù được giao quyền tự chủ tài chính, song trong quá trình triển khai quyền tự chủ về huy động, khai thác và sử dụng nguồn tài chính ngoài NSNN, các CSGDĐHCL còn phải tuân thủ nhiều quy định pháp lý khác có liên quan như quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Viên chức,... dẫn đến trong một số trường hợp quyền tự chủ tài chính khó được thực hiện. Chẳng hạn, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP cho phép các trường có thể quyết định việc sử dụng nguồn tài chính tự huy động, tích lũy được để tái đầu tư đổi mới nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất, song Luật quản lý, sử dụng tài sản công lại không cho phép thanh lý những tài sản công chưa hết thời gian sử dụng theo quy định của pháp luật. Các trường tự chủ tài chính được tự xác định, quyết định và điều chỉnh mức thu học phí song vẫn bị khống chế về khung học phí (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) và bị giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này làm giới hạn khả năng tăng nguồn thu của các CSGDĐHCL. Bản thân quy định về khung học phí và lộ trình xác định giá dịch vụ đào tạo trong nghị định kể trên cũng đã phần nào gây khó cho quá trình áp dụng khi mà mặt bằng giá cả các yếu tố đầu vào cũng như mức lương tối thiểu vùng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

- Phương thức phân bổ và cấp phát NSNN cho các CSGDĐHCL còn mang tính truyền thống chủ yếu dựa trên khả năng bố trí của NSNN và dựa vào yếu tố đầu vào của CSGDĐHCL (quy mô, số lượng sinh viên, số lượng viên chức và người lao động, lịch sử phân bổ NSNN các năm trước,…), chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra. Điều này làm cho nhiều CSGDĐHCL có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn NSNN, đồng thời chưa tạo ra động lực và áp lực phải huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính ngoài NSNN.

Về phía các CSGDĐHCL

- Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường còn nặng tính hình thức và mối quan hệ giữa cơ quan này với Đảng ủy, Ban giám hiệu chưa thực sự rõ ràng. Mặc dù, các CSGDĐHCL đã thành lập Hội đồng trường theo đúng tiêu chuẩn và cơ cấu thành phần tham gia. Tuy nhiên, năng lực thực tế của đa số các thành viên trong bộ phận này lại chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Các hoạt động cụ thể của cơ quan này trong thực tế còn nặng về hình thức, chưa phát huy được vai trò thực sự trong hoạch định chiến lược, chính sách phát triển và quyết định những vấn đề quan trọng của nhà trường. Mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Ban giám hiệu chưa rõ ràng, nên dẫn đến tình trạng chồng chéo và thiếu hiệu quả trong quản lý và triển khai các quyết sách của nhà trường.

- Nhận thức của một bộ phận viên chức và người lao động về tự chủ tài chính còn hạn chế, đồng thời lãnh đạo của một số CSGDĐHCL chưa thực sự quyết liệt trong đổi mới giáo dục đại học nói chung và trong tự chủ tài chính nói riêng. Điều này dẫn đến tâm lý chậm đổi mới, thiếu quyết tâm trong xây dựng và triển khai các chính sách của nhà trường, trong kiểm định chất lượng, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như trong việc thực thi các chính sách tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính.

3. Giải pháp hoàn thiện quản lý tài chính tại các các cơ sở giáo dục đại học công lập:

Về phía Nhà nước:

- Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến triển khai quyền tự chủ tài chính của các CSGDĐHCL theo hướng sửa đổi, bổ sung một số quy định và đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản pháp lý để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện quyền tự chủ tài chính về xác định, điều chỉnh các mức học phí, chi trả lương theo kết quả và hiệu quả công việc, đầu tư tài sản công,… Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về chính sách học phí mới chỉ đưa ra khung học phí cho đến năm học 2020-2021, do đó quy định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng quy định khác phù hợp hơn.

- Đổi mới phương thức phân bổ và cấp phát NSNN cho các CSGDĐHCL theo hướng gắn chặt với các tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra. Một mặt, cần mở rộng phương thức đầu tư NSNN qua đặt hàng, chào hàng cạnh tranh trong giáo dục đại học. Mặt khác, cần quy định lộ trình chuyển đổi áp dụng phương thức phân bổ mới cho các CSGDĐHCL chưa tự chủ hoặc mới tự chủ một phần chi thường xuyên. Đồng thời, cần có những hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, chỉ tiêu đo lường chất lượng và kết quả đầu ra của các CSGDĐHCL làm cơ sở cho việc phân bổ NSNN.

Về phía các CSGDĐHCL:

- Củng cố tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, định hình rõ ràng và đúng đắn mối quan hệ của cơ quan này với các bộ phận Đảng ủy và Ban giám hiệu. Một mặt, cần lựa chọn và bầu các thành viên trong và ngoài trường thực sự có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực tế và uy tín tham gia Hội đồng trường. Mặt khác, cần đảm bảo trên thực tế việc phân định rõ và triển khai đúng chức năng của Hội đồng trường và Ban giám hiệu theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Cần củng cố thực quyền của Hội đồng trường trong việc: quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy, nhân sự, tiêu chuẩn thành viên Ban giám hiệu, tiêu chuẩn giảng viên; quyết định chiến lược phát triển trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính,… Hiệu trưởng cũng cần thực hiện đúng chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường. Bên cạnh đó, cần nhất thể hóa vị trí Chủ tịch hội đồng trường với Bí thư đảng ủy nhằm đảm bảo sự thuận lợi, thống nhất trong lãnh đạo, quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường.

- Xây dựng và hoàn thiện quy chế tài chính nội bộ (thay cho quy chế chi tiêu nội bộ) theo hướng đảm bảo sự bao quát đầy đủ các vấn đề tạo lập các nguồn thu, các khoản chi tiêu, đầu tư, phân phối kết quả tài chính. Cần xác lập các nội dung thu, chi và quy mô các khoản thu, chi sao cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

- Đa dạng hóa và gia tăng tỷ trọng các nguồn thu ngoài NSNN. Một mặt, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bởi lẽ đây vừa là mục tiêu của giáo dục vừa là cơ sở để phát triển bền vững nguồn thu của nhà trường. Mặt khác, cần chú trọng việc gia tăng các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ thể hiện sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu của nhà trường với xã hội dưới hình thức đẩy mạnh NCKH, chuyển giao công nghệ dựa trên các đơn đặt hàng và thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ của nhà trường.

- Phân cấp quản lý tài chính cho phù hợp theo hướng đảm bảo tính tập trung các nguồn thu chủ yếu cho nhà trường, để lại một phần nguồn thu gắn với hoạt động của một số bộ phận quan trọng trong trường như các khoa chuyên ngành, trung tâm đào tạo, nghiên cứu,… Đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả của các khoản chi tiêu, đầu tư. Đổi mới phương thức sử dụng các quỹ tài chính theo hướng ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp cho đầu tư đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của nhà trường. Từng bước nghiên cứu áp dụng cơ chế trả lương, chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, theo kết quả và hiệu quả công việc.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính nói riêng cũng như quyền lợi và trách nhiệm liên quan cho mọi bộ phận và cá nhân trong nhà trường để họ hiểu và thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục và tăng cường sức mạnh tài chính của nhà trường.

4. Kết luận

Thực trạng quản lý tài chính của các CSGDĐHCL thực hiện tự chủ tài chính ở Việt Nam đã cho thấy những hạn chế và bất cập đến từ cả chính sách của nhà nước và thực tế triển khai của nhà trường. Do đó, để hoàn thiện quản lý tài chính, một mặt, đòi hỏi sự điều chỉnh và đồng bộ về cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả quyền tự chủ tài chính của các CSGDĐHCL, mặt khác, đỏi hỏi bản thân các CSGDĐHCL phải đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động, quy chế tài chính, đồng thời đổi mới phương thức tạo lập, sử dụng các nguồn tài chính cũng như việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020), Số liệu thống kê giáo dục đại học các năm học: 2015-2016; 2016-2017; 2017-2018; 2018-2019 < https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx>

2. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Chính phủ (2015), Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

5. Lê Đình Hạc (2020), “Tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 8.

6. Vũ Thị Liên (2020), “Thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, số 27 tháng 11.

7. Phạm Văn Trường (2019), “Tài chính cho các trường đại học công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 11.

8. Edmund Adam. (2020). Governments base performance-based funding on global rankings indicators: A global trend in higher education finance or a global rankings. literature fiction? A comparative analysis of four performance-based funding programs, International Journal of Educational Development, 76, 102-127.

Financial management at Vietnamese public higher education institutions when implementing financial self-autonomy: Current situation and solutions

Vu Xuan Dung

Thuongmai University

ABSTRACT:

Vietnamese public higher education institutions have positive changes in their financial management when they adopt financial self-autonomy. However, Vietnamese public higher education institutions still encounter problems and shortcomings which restrain their development and innovation. This paper assesses the financial self-autonomy implementation at Vietnamese public higher education institutions. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to perfect the financial management of public higher education institutions in Vietnam in the coming time.

Keywords: public higher education institutions, financial management, financial autonomy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-ly-tai-chinh-tai-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-thuc-hien-tu-chu-thuc-trang-va-giai-phap-79457.htm