Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí có thể bị phạt tù tới 20 năm

Mới đây, cơ quan công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giam 4 bị can về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí', trong đó có ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.

Liên quan đến vụ việc trên nhiều người đặt câu hỏi, với tội danh bị khởi tố, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT có thể phải đối diện với khung hình phạt nào?

Về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Điều 219 BLHS 2015 quy định, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100-dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”

Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là 20 năm tù.

"Để xác định chính xác mức hình phạt đối với các bị can cần căn cứ cụ thể vào tính chất, động cơ, hậu quả, thiệt hại tài sản gây thất thoát, lãng phí" - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh.

Về khách thể của tội phạm, theo Luật sư Hồng Vân, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Tội phạm được thực hiện với hành vi vi phạm chế đề quản lý, sử dụng tài sản của người được giao quản, sử dụng tài sản nhà nước như: Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật...

Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100-dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

"Trường hợp một người bị xét xử, tuyên án về nhiều tội danh, Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt. Nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được xem xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo, được chuyển tội danh hoặc được miễn hình phạt" - Luật sư Hồng Vân cho biết.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-ly-su-dung-tai-san-nha-nuoc-gay-that-thoat-lang-phi-co-the-bi-phat-tu-toi-20-nam-post441573.antd