Quản lý stress mùa Covid-19

Quản lý stress - cụm từ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhắc đến nhiều trong các hướng dẫn sức khỏe liên quan đến dịch bệnh Covid-19, bởi stress có thể ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể

Thay đổi thói quen đúng cách, chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là điều cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Phân bổ thời gian hợp lý

Sau những ngày ở nhà do cách ly xã hội, anh Ng.B.T (29 tuổi, TP HCM) bắt đầu có triệu chứng nhức đầu, mỏi mắt, mệt mỏi dù được ngủ, nghỉ nhiều hơn. "Công ty tôi cho làm việc ở nhà, việc ít hơn. Thế nhưng, dường như việc lướt Facebook, chơi game không giúp tôi xả stress tốt như trước. Mẹ tôi dường như cũng vậy, dễ cáu gắt" - anh T. chia sẻ.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, khi nghỉ tránh dịch, mọi người rất dễ bị stress. Đặc biệt là ở người cao tuổi, bởi những thói quen đi chùa, thể dục ở công viên cùng bạn bè bị đảo lộn, suốt ngày quanh quẩn trong nhà... Do đó, cần tìm cách khác để lấp đầy khoảng trống, trong đó chat, gọi điện cho bạn bè, người thân... là một trong các cách giảm stress tốt. Tuy nhiên, nếu không biết phân bổ thời gian hợp lý, sa đà vào chuyện chat, chơi game, gắn chặt vào màn hình cả ngày thì lại dễ bị stress.

Nên chọn xem video hài, gọi điện thoại nói về những chuyện vui, chúc nhau sức khỏe, tâm an, tránh xem những nội dung khiến chúng ta lo âu... Cần phân bổ thời gian cho các hoạt động khác như nấu ăn, chăm sóc cây kiểng, đọc sách báo, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục tại nhà… "Đừng ngủ quá nhiều hay nhốt mình trong phòng kín, không gian hẹp, không có cửa sổ mở ra bên ngoài, không có ánh sáng mặt trời, sẽ dễ sinh ra stress, trầm cảm" - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

Trẻ em cũng là đối tượng có thể bị stress trong những ngày phải ở nhà, gián đoạn hoạt động học tập, vui chơi. Trẻ có thể phản ứng bằng nhiều cách như hay đeo bám người lớn, lo âu, giận dữ, kích động, đái dầm... BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), chia sẻ đừng nên để trẻ suốt ngày chỉ chơi điện thoại. Nên lên thời gian biểu cho trẻ, yêu cầu trẻ làm bài tập và việc nhà xen lẫn với giải trí.

Những ngày ở nhà cách ly xã hội, nên phân bổ thời gian hợp lý cho nhiều hoạt động như nấu ăn, chăm sóc cây kiểng, đọc sách báo, dọn dẹp nhà cửa… Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những ngày ở nhà cách ly xã hội, nên phân bổ thời gian hợp lý cho nhiều hoạt động như nấu ăn, chăm sóc cây kiểng, đọc sách báo, dọn dẹp nhà cửa… Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tăng cường vận động

Để đối phó với đại dịch Covid-19, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã khuyến cáo người dân tăng cường vận động thể lực tại nhà để giữ sức khỏe trong mùa dịch bệnh. Thường xuyên thực hiện các hoạt động đơn giản, vui vẻ như tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến; tự nhún nhảy theo nhạc tại nhà; thực hành các trò chơi vận động qua video trên mạng… Nên vận động thân thể ít nhất 30 phút/ngày. Nếu phải làm việc tại nhà, nên thường xuyên thay đổi tư thế, như ngồi xuống và đứng lên khi làm việc; đi lại, trao đổi qua điện thoại hoặc dành ít phút xem tivi, nghe nhạc hay thực hiện bất kỳ vận động nào đều tốt hơn không làm gì cả.

BS chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết tất cả mọi lứa tuổi đều cần phải tập luyện thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng, kể cả khi đang mắc bệnh mạn tính, hay với người có tuổi… Tốt nhất là tập thường xuyên vừa sức để luyện sức bền, còn luyện tập sức mạnh thì không nên trong giai đoạn có dịch cúm.

Theo các bác sĩ, cơ thể chúng ta có hai hệ thống miễn dịch, bao gồm miễn dịch tự nhiên và thu được. Các globulin miễn dịch thu được có tác dụng ức chế sự nhân lên của một số virus. Nếu tập luyện thể dục đều đặn, cường độ vừa phải như đi bộ 45 phút/ngày, trong 5-7 ngày/tuần thì nồng độ globulin miễn dịch sẽ tăng đáng kể. Đây có thể xem là chốt chặn của cơ thể giúp hạn chế virus đi vào đường hô hấp.

Tập luyện thể dục thường xuyên sẽ giúp làm chậm sự suy giảm miễn dịch theo tuổi. Nhiệt độ cơ thể tăng hơn khi tập luyện mức độ trung bình cũng có tác dụng làm ức chế virus phát triển. Bệnh nhân có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, trầm cảm, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…thường có nguy cơ cao mắc bệnh cúm. Mắc bệnh đái tháo đường, ngoài suy giảm chức năng miễn dịch thì các loại vi trùng, virus sẽ trở nên nguy hiểm hơn ở môi trường đường máu cao. Tập luyện thể dục vừa sức và đều đặn luôn là chỉ định của bác sĩ dành cho bệnh nhân đái tháo đường, vì giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể với virus, điều hòa và giảm huyết áp.

Ngoài ra, trong mùa dịch bệnh, người tập thể dục thường xuyên càng có lợi. Khi tập luyện, mồ hôi cũng thải ra nhiều độc tố, giúp nâng cao thể lực, sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ở người không tập luyện thể dục thường xuyên, cơ thể dễ bị uể oải, suy nhược, sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm các vi khuẩn, virus gây bệnh...

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang lưu ý không nên mua đồ tích trữ, điều này thể hiện sự lo âu quá độ sẽ không tốt về mặt tinh thần; đồng thời, các dạng lương thực có thể tích trữ được lâu như mì gói, đồ hộp... thường không tốt cho sức khỏe, dễ gây béo phì.

Bổ sung vitamin D

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi cơ thể thiếu vitamin D, nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn. Vì vậy, phải bảo đảm vitamin D cho cơ thể. Có 2 nguồn cung cấp vitamin D là từ ánh nắng mặt trời và từ thực phẩm như sữa tách béo hoặc hải sản, trứng, nấm...

ANH THƯ - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/quan-ly-stress-mua-covid-19-20200415201729397.htm