QUẢN LÝ RỦI RO Ở LỄ HỘI CHỌI TRÂU ĐỒ SƠN

Bên lề Tọa đàm khoa học 'Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng' diễn ra tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tôi được gặp nhiều người dân Hải Phòng lên dự thính. Các vị này cho biết: Người dân địa phương rất mong chờ kết quả tích cực của tọa đàm, bởi kết luận của tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để quyết định lễ hội có được tiếp tục duy trì hay không. Tâm trạng lo âu, mong đợi ấy phần nào đã nói lên ý nguyện của người dân.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí khá “nóng”. Có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL, lãnh đạo các cục, viện liên quan. Diễn giả là nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian nổi tiếng; lại có sự hiện diện của đại diện nhân dân và lãnh đạo quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ý kiến của hầu hết các nhà nghiên cứu đều ủng hộ việc tiếp tục tổ chức lễ hội. GS, TSKH Tô Ngọc Thanh còn kể rằng, biết ông đi dự tọa đàm này, một bà bán rau còn nguệch ngoạc viết vội mấy chữ nhắn ông phải nói làm sao cho lễ hội tiếp tục được tổ chức. Dễ thấy niềm yêu thích lễ hội đặc biệt này không chỉ còn riêng của người dân Hải Phòng.

Hình ảnh trong một lễ hội chọi trâu. Ảnh: Báo Hải Phòng.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã có từ rất lâu đời và được nhiều thư tịch cổ nhắc đến. Trong đó, cuốn Đại Nam nhất thống chí (triều Nguyễn) là ghi rõ hơn cả. Qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, lễ hội tiếp tục được bồi đắp phủ lên những lớp tích thiêng cũng như những nghi lễ. Có thể kể đến các tích: Vua Lý Thánh Tông đánh giặc trở về khao quân mở hội; Nguyễn Hữu Cầu luyện quân mở hội trâu chọi… Song, chung nhất vẫn là tích người dân địa phương thờ Thần biển, cầu mưa thuận gió hòa gắn với nhiều nghi lễ cổ xưa, trong đó hội chọi trâu là một bộ phận không thể tách rời. Về ý nghĩa của lễ hội này ngoài việc tri ân tiền nhân còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, tôn vinh tinh thần thượng võ. Người Đồ Sơn vẫn duy trì câu nói “Trống mọi làng cùng đánh. Thánh mọi làng cùng thờ”!

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chưa có tài liệu nào ghi nhận một tai nạn chết người. Chỉ đến lễ hội năm nay xảy ra rủi ro là trâu chọi húc chết chủ trâu. Vụ việc làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của lễ hội, đó cũng là cớ để một số người đưa ra ý kiến dẹp lễ hội này. Ở đây, nhiều người đã rất đồng tình với ý kiến của TS Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) qua bài tham luận “Quản lý rủi ro để bảo tồn và phát huy lễ hội chọi trâu Đồ Sơn”. Theo đó, rủi ro ở các lễ hội hoàn toàn có thể phân tích và đánh giá. Quản lý rủi ro không những giảm nhẹ hậu quả mà còn biến nó thành lợi thế. Nếu tính từ năm phục dựng (1990) đến nay thì rõ ràng tỷ lệ rủi ro của lễ hội chọi trâu rất thấp. Hơn thế, ban tổ chức lễ hội hoàn toàn có thể kiểm soát được rủi ro nảy sinh trong quá trình tổ chức.

Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đều đồng tình với việc duy trì lễ hội để đáp ứng nguyện vọng, tâm tư và tình cảm của người dân. Để lễ hội diễn ra trang nghiêm, an lành, rất cần có sự hỗ trợ, quản lý chặt chẽ của ban tổ chức lễ hội nói riêng và các cấp chính quyền địa phương, nhất là việc chú trọng tới những biện pháp kỹ thuật cũng như tổ chức, quản lý. Ngoài ra, cần phải có các bước chuẩn bị, diễn tập và kiểm soát rốt ráo. Có như vậy thì lễ hội diễn ra sẽ an toàn, trọn vẹn đúng với ý nghĩa là một di sản văn hóa được nhân dân sáng tạo và có quyền hưởng thụ.

NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/quan-ly-rui-ro-o-le-hoi-choi-trau-do-son-517266