Quản lý phương tiện thủy – Bao giờ mới hết 'chạy chui'?

Sau 11 năm kể từ Tổng điều tra 2007, tính đến hết tháng 9/2018, cả nước có hơn 252.938 phương tiện thủy đã đăng ký, đăng kiểm đạt 53,7%. Nghĩa là còn tới gần một nửa số này (43,6%) vẫn đang vô tư 'chạy chui'…

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, hiện nay, số lượng phương tiện thủy trong diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm tại một số địa phương còn chiếm một số lượng khá lớn, thậm chí có địa phương còn có tới gần 80%, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc nước ta.

Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động phương tiện chở khách trên Hồ Hòa Bình

Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động phương tiện chở khách trên Hồ Hòa Bình

Bên cạnh nguyên nhân do chủ phương tiện hiểu biết về luật pháp còn hạn chế, thì công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, hoặc có nhưng thiếu sự chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ. Xuất phát từ nguyên nhân trên, cộng với ý thức tự giác của người dân còn thấp đã dẫn đến tình trạng phương tiện trôi nổi ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Trước thực trạng bất cập trên, ngày 5/7/2016 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ trong tình hình mới. Một trong những giải pháp cấp bách, trọng tâm được đề cập tại Chỉ thị số 23/CT-TTg là tiếp tục thực hiện Tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy.

Một trong những phương tiện "nhiều không" hoạt động trên hồ Hòa Bình

Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về lệ phí trước bạ; Thông tư 301/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định miễn lệ phí trước bạ đối với tàu thủy, thuyền chở khách tốc độ cao và tàu thủy, thuyền vận tải công-ten-nơ hoạt động trong lĩnh vực ĐTNĐ. Đây là một giải pháp của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho chủ phương tiện có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiến hành thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật.

Và cũng theo quy định tại Thông tư này, định kỳ ngày 25 hàng tháng, các Sở GTVT địa phương phải báo cáo kết quả đăng ký phương tiện thủy. Tuy nhiên, việc này gần như bị các Sở GTVT “đắp chiếu” (với chỉ khoảng 30 Sở báo cáo, nhưng cũng không đầy đủ), còn lại là… không báo cáo.

Để kết quả công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy được bền vững và hiệu quả, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và Thanh tra chuyên ngành về ĐTNĐ cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định ATGT đường thủy trên phạm vi cả nước.

Nhân viên Đăng kiểm dùng thiết bị siêu âm kiểm tra mối hàn khi đóng mới tàu thủy

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần huy động các tổ chức xã hội, chính quyền các cơ sở xã, phường tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác để mọi người dân tự giác chấp hành. Đặc biệt là, Chính phủ cũng cần có chế tài xử lý triệt để tình trạng chây ì của một số Sở GTVT trong thời gian tới, có như vậy mới ngăn chặn được vấn nạn "chạy chui” đã và đang xảy ra.

Cảnh sát Đường thủy kiểm tra phương tiện chở khách du lịch trên hồ Hòa Bình

Bài và ảnh: Hà Văn Bá

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/quan-ly-phuong-tien-thuy-bao-gio-moi-het-chay-chui-46055