Quản lý nuôi trồng thủy sản thời công nghệ 4.0: Hướng tới liên kết chuỗi

Nhanh chóng nắm bắt được xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, Công ty Tép Bạc (TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu cho ra mắt giải pháp Farmext. Giải pháp được đánh giá cao trong quá trình sản xuất thực tế tại địa phương và giúp đơn vị vinh dự nhận giải thưởng công nghệ số Việt Nam năm 2018.

Farmext là gì?

Ở nước ta người nuôi thủy sản gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi có dịch bệnh. Bởi lẽ, người nông dân thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật, chưa có công cụ để dự báo cho đến khi dịch bệnh bùng phát, gây thiệt hại lớn cho người nuôi cả khu vực. Không chỉ thế, họ còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đầu ra: Cá bị trả về, tôm bị kiểm 100% kháng sinh... Farmext chính là một giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa, giúp người nuôi trồng thủy sản quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Không chỉ là giải pháp giúp chuẩn hóa giám sát quá trình nuôi mà Farmext còn giúp người chăn nuôi chứng minh nguồn gốc "thực phẩm sạch" cho người tiêu dùng.

Kỹ sư Trần Duy Phong (Công ty Farmext Tép Bạc) - cho biết, Farmext triển khai rất đơn giản, không những giúp người nuôi ghi nhật ký ao nuôi dễ dàng, đồng thời nhắc nhở người nông dân những việc cần làm theo đúng quy trình nuôi và gợi ý giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Thiết bị giúp theo dõi môi trường nước, liên tục cập nhật dữ liệu qua ứng dụng điện thoại và vẽ biểu đồ phân tích. Khi chỉ số vượt giới hạn, máy sẽ tự động gọi điện cảnh báo. Ngoài ra, Farmext còn kết nối tới các chuyên gia trong ngành theo dõi các ao nuôi và hỗ trợ các ao nuôi đó suốt vụ nuôi. Farmext cũng là ứng dụng quản lý tất cả trại nuôi tôm cá từ nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn. Hoạt động tốt trên nền tảng webapp, iOS, Android, người dùng có thể sử dụng ở bất kỳ đâu.

Trước kia theo phương pháp truyền thống thì các trại phải đo môi trường 2 lần mỗi ngày bằng các testkit hoặc máy đo bằng pin, số liệu đo được ghi nhận một cách thủ công thông qua việc ghi chép nhật ký hàng ngày. Việc quản lý qua ứng dụng Farmext sẽ là một cuộc cách mạng thực sự trong ngành thủy sản. Các vấn đề được giải quyết triệt để từ việc giúp trang trại nuôi giảm rủi ro, giảm chi phí, có được đầu ra, cho đến giúp cơ quan nhà nước giảm gánh nặng quản lý quy hoạch, hỗ trợ.

Hơn một năm qua, ứng dụng và thiết bị đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai và thu được kết quả rất khả quan. Máy hiện được bán ở các tỉnh ĐBSCL: Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Giờ, Long An... Ngoài ra, Công ty Tép Bạc còn nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp thủy sản như Tập đoàn Bayer Việt Nam, Tập đoàn Neovia để phổ biến nền tảng quản lý trại nuôi từ xa cho bà con nông dân ở những tỉnh thành có nuôi tôm.

Đến nay, Tép Bạc còn là cơ quan thông tin thủy sản cung cấp thông tin hữu ích trong ngành nuôi, kỹ thuật nuôi, tình hình giá cả và nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân với hơn 9.000 lượt truy cập/ngày.

Định hướng phát triển

Thành công của Tép Bạc và dự án quản lý trại nuôi từ xa Farmext có được là nhờ sự đồng hành và ủng hộ của bà con nông dân, nhất là những người nuôi tôm cá. Họ đã đưa ra phản hồi và góp ý để Tép Bạc cải tiến ứng dụng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhiều nhu cầu cũng như sát với thực tế sản xuất hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Công ty Tép Bạc, anh Trần Duy Phong chia sẻ: Ứng dụng quản lý trại nuôi Farmext là công cụ hữu ích cho việc truy xuất nguồn gốc (yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu). Do đó, Tép Bạc rất mong được nhà nước quan tâm để liên kết với doanh nghiệp cấp chứng nhận cũng như các công ty chế biến từ đó đảm bảo khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản Việt Nam, để khẳng định chất lượng thủy sản Việt trên thị trường quốc tế.

Để khuyến khích người nuôi trồng thủy sản Công ty Tép Bạc miễn phí sử dụng ứng dụng với người nuôi tôm/cá quản lý dưới 5 ao. Động viên người nuôi ghi chép nhật ký, chứng minh quy trình sản xuất sạch với nhà chế biến cũng như người tiêu dùng, tạo tiền đề cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này.

Thời gian tới, Công ty Tép Bạc liên kết và sử dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên Big data) để truy xuất nguồn gốc thủy sản. Phát triển bộ sản phẩm đo môi trường thêm nhiều chỉ số hơn, liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp chế biến, xây dựng tiêu chuẩn truy xuất để hỗ trợ đầu ra cho người nuôi. Cũng như phát triển bộ điều khiển tự động bật/tắt giúp giảm chi phí điện và nhân công từ đó đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Hướng tới xây dựng nền tảng liên kết chuỗi giá trị trong ngành thủy sản Việt Nam.

Website tepbac.com là chuyên trang thông tin thủy sản có lượng nội dung đa dạng nhất Việt Nam. Với 15.000 thành viên và hơn 300 ngàn lượt truy cập mỗi tháng đến từ người chăn nuôi, kinh doanh, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu vầ học tập trong ngành thủy sản.

Ly Ly

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-nuoi-trong-thuy-san-thoi-cong-nghe-40-huong-toi-lien-ket-chuoi-120989.html