Quản lý nợ công ở Việt Nam: Những dấu mốc đáng nhớ

Đối với các quốc gia đang phát triển, vốn vay nợ công, đặc biệt vốn vay nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đối với Việt Nam, trong những năm qua công tác quản lý nợ công có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp cận gần hơn với các thông lệ tốt trên thế giới...

Khai thông quan hệ tài chính với cộng đồng quốc tế

Trước thời kỳ đổi mới, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ yếu được nhận viện trợ hoặc vay nợ từ khối các nước xã hội chủ nghĩa. Trước năm 1986, thậm chí đến đầu những năm 1990, hoạt động vay nợ của Việt Nam chủ yếu với khối các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với các quốc gia phương Tây khác, quan hệ tài chính đối ngoại chủ yếu là quan hệ viện trợ với một số nước như Thụy Điển, Na Uy (có thể kể đến như: Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Thụy Điển,… được hình thành nhờ các khoản viện trợ). Trước năm 1993, Việt Nam không có quan hệ vay nợ, viện trợ với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đối với nước ta.

Việc xác định cơ cấu vay vốn, đối tượng sử dụng vốn vay khi đó đều do Nhà nước quyết định căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nghị định thư trao đổi hàng hóa được ký kết giữa Việt Nam và các nước thành viên khối Hội đồng tương trợ kinh tế (các nước xã hội chủ nghĩa).

Bước sang giai đoạn 1993 - 2000, Chính phủ Việt Nam thực hiện đàm phán về các khoản nợ cũ, trong đó có cả nợ từ chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam để lại. Bên cạnh việc thực hiện đàm phán song phương với các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam thực hiện 2 vòng đàm phán: Thứ nhất là với Câu lạc bộ Paris về nợ của Chính phủ (kết thúc tháng 12/1993) để xử lý các khoản nợ chính thức của Chính phủ thông qua hoãn giãn nợ; thứ hai là với Câu lạc bộ London về xử lý nợ thương mại (kết thúc tháng 3/1998).

Sau gần 10 năm kiên trì đàm phán xử lý nợ, cam kết về chính sách, trong đó có chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu,… chúng ta có điều kiện giảm dần nợ chính phủ. Đến năm 2000, Việt Nam không còn nợ quá hạn với các chủ nợ nước ngoài, tỷ lệ dư nợ/GDP giảm từ 147% năm 1993 xuống còn 33%. Các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ sau tái cơ cấu phần lớn được gia hạn trả trong vòng 20 - 30 năm; nghĩa vụ trả nợ gốc tập trung vào giai đoạn từ sau năm 2010 trở đi.

Các ghi chép cho thấy, năm 1993 là dấu mốc rất quan trọng. Vào năm này, Việt Nam nằm trong khối nước nghèo, “nặng nợ” cùng với các nước Nam Mỹ, châu Phi,… nằm trong gói giải quyết nợ cũ bằng gói “Baker plan” - kế hoạch giãn nợ, giảm, xóa nợ cho các nước.

Năm 1993 đã đánh dấu việc khai thông quan hệ tài chính với cộng đồng tài chính quốc tế, mở ra kênh huy động vốn thông qua Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi giải quyết được nợ cũ, nợ tồn đọng với IMF vào năm 1993, chúng ta bắt đầu có khoản vay mới với WB và IMF.

Chuyển mạnh sang huy động vốn ODA

Giai đoạn 2001 - 2009, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giai đoạn Việt Nam tập trung huy động vốn vay ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) với thời hạn rất dài, chi phí thấp, (trên 90% nợ chính phủ là vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài); kết hợp đẩy mạnh huy động vốn thông qua công cụ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) - manh nha xây dựng thị trường trái phiếu trong nước; bước đầu triển khai bảo lãnh chính phủ cho các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm quốc gia (tổng tăng trưởng TPCP bình quân 21%/năm). Có thể nói khái niệm vay nợ được nhắc đến nhiều vào giai đoạn này.

Trong giai đoạn 2001 - 2009, tổng cam kết ODA và vốn vay ưu đãi của cả giai đoạn này là trên 38 tỷ USD, phần lớn có kỳ hạn dài (30 - 40 năm), lãi suất thấp (dưới 1%/năm), chủ yếu từ 3 nhà tài trợ lớn là WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản và một số đối tác song phương chủ yếu khác như Pháp, Đức, Na Uy, Bỉ.

Đến năm 2003, Việt Nam mới cấp và bảo lãnh chính phủ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn, tập trung vào ngành hàng không (100% được bảo lãnh chính phủ),… với mục đích khôi phục, nâng cấp các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia, như: hệ thống đường bộ, cảng biển, nhà ga, sân bay, điện, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…

Bước tiến lớn trong quản lý nợ công

Việc quản lý nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương được điều chỉnh bởi những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Việc vay nợ của chính quyền địa phương mới giới hạn bởi quy mô vay nợ. Việc quản lý nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh còn phân tán, từ đó đòi hỏi tăng cường quản lý nợ công. Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam có khoản hỗ trợ 2 triệu USD của UNDP nhằm giúp cho Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nợ công và nợ chính phủ.

Sau 3 năm (từ năm 2006 - 2008), Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa 12, Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật Quản lý nợ công vào ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác quản lý nợ công như: thống nhất công tác quản lý nợ công; từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ công bền vững, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, trên cơ sở đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công năm 2009 sau 7 năm thực hiện, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017 (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2018.

Luật Quản lý nợ công 2017 ra đời là một thành công rất đáng kể, tạo nền tảng vững chắc, đặt ra những nguyên tắc quan trọng trong quản lý nợ công, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công.

Xây dựng nền tảng vững chắc trong quản lý nợ công

Xuất phát từ yêu cầu quản lý nợ công bền vững, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, trên cơ sở đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công năm 2009 sau 7 năm thực hiện, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017 (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2018.

Luật Quản lý nợ công 2017 ra đời là một thành công rất đáng kể, tạo nền tảng vững chắc, đặt ra những nguyên tắc quan trọng trong quản lý nợ công, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công.

Khánh Huyền

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-27/quan-ly-no-cong-o-viet-nam-nhung-dau-moc-dang-nho-91589.aspx