'Quản lý nhựa phế liệu không nên thêm gánh nặng cho doanh nghiệp'

'Doanh nghiệp muốn làm hàng nhựa, không có nhựa tái chế, phải dùng nguyên liệu xịn và đang lỗ khoảng 10%'...

Đó là chia sẻ của ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty Nhựa Lê Trần, một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu nhựa lớn nhất Việt Nam.

Ông Lê cho biết trên thế giới và trong đời sống hiện nay, hầu hết các sản phẩm trong cuộc sống đều có hàm lượng nhựa tái chế rất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành nhựa Việt lại đang rất khó khăn do các quy định về nhập nhựa phế liệu. Cty Lê Trần của ông Lê của vừa cháy xưởng mất vài trăm tỷ đồng. Hàng sản xuất có đơn, muốn làm phải sử dụng nguyên liệu nhựa "xịn" không pha hàm lượng tái chế. Theo đó Cty đang lỗ/đơn hàng chừng 10% và có thể thiệt hại tới 10 triệu USD trong năm nay.

Hiểu không đúng về nhựa phế liệu gây hoang mang dư luận và "phanh xe, khiến xe của các doanh nghiệp nhựa ngã nhào" là quan điểm của ông Hoàng Đức Vượng, một doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA). Ông Vượng cho rằng các quy định VN đang có mâu thuẫn trong định nghĩa phế liệu khi cho rằng phế liệu là chất thải thải ra từ sản xuất. Theo công ước quốc tế, chất thải là chất phải tiêu hủy. Trong khi đó, nhựa phế liệu lại không hoàn toàn là chất thải vì có thể tái chế, bị đánh đồng là chất thải phế liệu nên siết/cấm nhập khẩu.

Trên thực tế, hàng phế liệu tồn cảng tại Hải Phòng và Cát Lái có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 phế liệu - gây lo ngại Việt Nam trở thành "bãi rác" nhập phế liệu, đã và đang được dư luận rất quan tâm. Quản lý mặt hàng nhựa phế liệu như thế nào để doanh nghiệp nhựa vẫn phát triển mà không để hàng tồn đổ gánh nặng lên vai doanh nghiệp, càng không để gây ô nhiễm môi trường là bài toán thách thức của các nhà quản lý.

"Nhựa phế liệu vào Việt Nam hàng năm không đáng kể"

Theo VPA, hàng nhựa phế liệu tồn cảng tại Việt Nam đã và đang có diễn biến ra sao, thực tế cần đặt trong cái nhìn tổng quan. VPA dẫn số liệu từ Viện Công nghệ Tái chế Hoa Kỳ cho thấy, năm 2016, tổng lượng nhựa phế liệu nhập khẩu của các nước trên thế giới vào khoảng 15,5 triệu tấn tương đương 5,4 tỷ USD. Lượng nhập của Trung Quốc đạt 7,3 triệu tấn, Hồng Kong là 2,9 triệu tấn. Tính tổng lượng nhập phế liệu của Trung Quốc bao gồm sắt, thép giấy và nhựa phế liệu ở năm 2016 là 45 triệu tấn tương đương 18 tỷ USD.

"Nhựa tái chế nếu làm đúng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm - chứ không phải gây ô nhiễm", các thành viên VPA cho biết.

"Nhựa tái chế nếu làm đúng sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm - chứ không phải gây ô nhiễm", các thành viên VPA cho biết.

Về xuất khẩu, nhựa phế liệu được xuất khẩu trên 90 nước, từ EU, Mỹ và Nhật. Các nước nhập chủ yếu là châu Á.

Kể từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc ban hành cấm nhập 24 loại phế liệu, lượng nhựa phế liệu vào VN theo đó tăng gấp đôi 2017 tính trong 6 tháng 2018. Tuy nhiên theo VPA, tổng lượng nhựa phế liệu nhập vào VN là khoảng 90.000 tấn. Số liệu theo Tân Cảng Sài Gòn tính đến ngày 26/6/2018, lượng tồn cảng là 4.480 container tương đương với khoảng 70.000 tấn. So với lượng nhựa phế liệu xuất khẩu toàn thế giới 15,5 triệu tấn, VPA cho rằng lượng nhựa phế liệu nhập vào VN hàng năm không đáng kể.

Cũng theo VPA, hàng tồn nhập phế liệu tại các cảng là do thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Những năm trước, cấp phép nhập phế liệu thuộc cấp Sở các địa phương. Thông tư 41/2015/TT-BTNMT đã thống nhất cấp phép nhập khẩu phế liệu trực thuộc Bộ quản lý. Giai đoạn 2016-2017, do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc nên ít doanh nghiệp xin giấy phép nhập khẩu theo quy định.

Ngoài ra, hàng tồn cảng, khi các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nhưng đang gặp khó, cũng đến từ các văn bản quản lý mới của Tổng cục Hải Quảng và do các cảng không làm được thủ tục thông quan qua mặt hàng nhựa đã qua sử dụng như trước đây.

"Quy chuẩn QCVN 32-Bộ Tài nguyên và Môi trường khó thực hiện trong thực tiễn. Theo Quy chuẩn, có 4 loại hình được phép nhập khẩu, còn rất nhiều loại khác hiệu quả tái chế cao nhưng không được phép lẫn. Đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào cũng đóng hàng đúng 100% theo quy chuẩn của VN, nếu bán đóng hàng vào container lẫn một ít loại khác, cả lô hàng sẽ bị định nghĩa là chất thải không được phép nhập khẩu. Doanh nghiệp ngậm đắng nuốt cay không dám đến nhận hàng", VPA cho biết.

Cũng theo VPA, theo Văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan, Hải quan các cảng không thể trực tiếp thông quan được các mặt hàng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn công năng sử dụng (có mặt hàng cụ thể-PV), dù mặt hàng này không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương. "Dừng thông quan đột ngột mà không báo trước, không gia hạn để doanh nghiệp có thời gian phản ứng là đổ thêm gánh nặng lên doanh nghiệp".

Tại thời điểm hiện nay, ông Hồ Đức Lam cho biết, Việt Nam đang có 27 doanh nghiệp được cấp phép nhập nhựa phế liệu và các doanh nghiệp đều phải đạt chuẩn về xử lý, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Đây là các doanh nghiệp phục vụ đầu vào cho ngành nhựa tái chế - ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam.

Ngoài các yếu tố nêu trên, hàng tồn phế liệu còn do phí lưu container quá cao, do các mặt hàng khác tích tụ từ nhiều năm trước, do quản lý cảng biển...

Vậy giải pháp từ doanh nghiệp là gì?

(còn tiếp)

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vpa-kien-nghi-giai-phap-quan-ly-nhua-phe-lieu-khong-do-them-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-134336.html