Quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

GS. TS. NGUYỄN VĂN SONG (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - NGUYỄN HỮU HÙNG (Phòng Kinh tế và Hạ tầng, quản lý quy hoạch huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) - NGUYỄN XUÂN HỮU (Viện Khoa học Lâm nghiệp, Việt Nam)

TÓM TẮT:

Việc quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất đang là vấn đề được nhiều địa phương trên toàn quốc ngày càng coi trọng, đặc biệt trong công tác giao các diện tích rừng sản xuất cho doanh nghiệp, các hộ gia đình - cá nhân và UBND các cấp quản lý. Nghệ An cũng là một trong số những địa phương có diện tích đất rừng lớn, do vậy bài viết nghiên cứu việc quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, từ đó, đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất trên địa bàn.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, đất rừng sản xuất, sử dụng đất, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

I. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhằm phấn đấu hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn mất rừng, nâng cao độ che phủ của rừng là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và ngành Lâm nghiệp rất quan tâm trong thời kỳ đổi mới. Đảm bảo bền vững việc cung cấp tối ưu 3 mặt: kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó các giá trị môi trường của rừng đối với con người là không thể thay thế được.

Vì vậy, nghiên cứu nhằm tăng cường công tác quản lý kịp thời đúng đắn việc sử dụng đất rừng sản xuất đang là vấn đề nóng, cần giải quyết kịp thời, có ý nghĩa thực tiễn như hiện nay.

II. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An 1. Bộ máy tham gia quản lý và chính sách của nhà nước về đất rừng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

Bảng 1. Đánh giá về bộ máy quản lý đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn

Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra (2019)

Nguồn: Tổng hợp phiếu điều tra (2019)

Qua số liệu khảo sát trong Bảng 1 cho thấy, bộ máy quản lý đất rừng sản xuất tại huyện Nghĩa Đàn tại các cấp không phân rõ quyền hạn và trách nhiệm một cách rõ ràng. Bố trí về quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị chỉ hơn 61% được cho là phù hợp hơn, còn gần 39% cho là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Có tới hơn 74% số cán bộ được khảo sát cho rằng, bộ máy quản lý còn cồng kềnh phức tạp, cần phải tinh giản bộ máy quản lý và phân trách nhiệm rõ ràng. Chính vì vậy, đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy cũng chưa được cán bộ đánh giá cao, có hơn 58% ý kiến đánh giá ở mức trung bình và 32% ý kiến đánh giá hoạt động của bộ máy quản lý chưa mang lại hiệu quả cao.

2. Công tác tuyên truyền, tập huấn về quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất

UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các phòng ban gồm phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng các chuyên mục về bảo vệ rừng, tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND huyện tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất rừng nói chung và đất rừng sản xuất nói riêng.

Cơ quan quản lý đã triển khai cả 5 hình thức tuyên truyền, gồm: Tập huấn; Phát truyền thanh; Dựng các biển Pano, Apphichs; Phát tờ rơi và họp thôn xóm. Cụ thể:

Bảng 2. Thực trạng tập huấn, tuyên truyền về quản lý đất rừng sản xuất

Nguồn: UBND huyện Nghĩa Đàn (2019), Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn (2020)

Số liệu tại Bảng 2 cho thấy: Năm 2017, triển khai 28 lớp với 1.036 lượt người tham gia. Năm 2018, triển khai 35 lớp, với 1260 lượt người tham gia. Năm 2019, triển khai 32 lớp 1216 lượt người tham gia. Tuy nhiên do ngân sách có hạn, nên việc tập huấn cũng bị hạn chế.

3. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng và khai thác rừng sản xuất

Bảng 3. Kế hoạch và thực hiện quản lý đất rừng sản xuất của huyện

Nguồn: UBND huyện Nghĩa Đàn (2019), Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn (2020)

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, tình hình triển khai kế hoạch quản lý đất rừng sản xuất của huyện Nghĩa Đàn đưa ra tăng lên, trong đó về diện tích đất rừng tự nhiên giảm xuống ít và đất rừng trồng tăng lên 10,68%. Năm 2017, tổng diện tích rừng sản xuất được giao là 15.799,62 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 50,36%. Đến năm 2019, diện tích đất rừng là 17.564,16 ha; trong đó diện tích đất trồng chiếm 55,55%. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm 2018 là 101,18% và đến năm 2017 là 104,08%.

Bảng 4. Diện tích đất rừng sản xuất theo quy hoạch của huyện Nghĩa Đàn

Nguồn: UBND huyện Nghĩa Đàn (2019), Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn (2020)

Trên thực tế, diện tích đất rừng sản xuất gần với kế hoạch đặt ra, nhưng vẫn còn nhiều diện tích nằm trong kế hoạch chưa được triển khai trồng, còn diện tích đất rừng nằm ngoài quy hoạch người dân cũng đang tiến hành trồng khá nhiều. Cụ thể: Năm 2017, tổng diện tích đất rừng là 15.986,78 ha; trong đó diện tích ở quy hoạch là 12.745,37 ha (chiếm 79,72%) và diện tích đất rừng ngoài quy hoạch là 20,28%; năm 2019, diện tích ngoài quy hoạch chiếm tới 23,14% và diện tích đất rừng sản xuất nằm trong quy hoạch là 76,86%.

4. Quản lý hoạt động giao đất rừng sản xuất, cho thuê đất rừng sản xuất, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất rừng sản xuất; thu hồi rừng sản xuất

Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 24/24 đơn vị hành chính đều có rừng sản xuất. Tuy nhiên, diện tích rừng sản xuất tập trung chủ yếu vào 5 đơn vị là: xã Nghĩa Mai 6223,76 ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng sản xuất cả huyện), xã Nghĩa Lộc hơn 2915 ha, xã Nghĩa Lạc hơn 1338 ha, xã Nghĩa Hội hơn 863 ha và xã Nghĩa Đức hơn 812 ha. Các đơn vị có diện tích rừng sản xuất nhỏ nhất là Nghĩa Hiếu hơn 4 ha, Nghĩa Tân có hơn 18 ha và Nghĩa Sơn hơn 19 ha.

Với số lượng đất lâm nghiệp như vậy, huyện Nghĩa Đàn tập trung giao cho 3 đơn vị chính quản lý là: Doanh nghiệp nhà nước; Hộ gia đình, cá nhân và UBND xã.

Bảng 5. Tình trạng giao sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn

Nguồn: UBND huyện Nghĩa Đàn (2020)

Theo số liệu do UBND huyện Nghĩa Đàn cung cấp, trong giai đoạn 2017 - 2019, diện tích đất rừng sản xuất được giao cho Hộ gia đình, cá nhân ngày càng tăng, từ 6.405,92 ha năm 2017 lên 8.246,45 ha vào năm 2019, tốc độ phát triển bình quân là 113,46%. Như vậy, tỷ lệ diện tích giao đất rừng sản xuất cho hộ gia đình và các nhân của huyện khá cao vượt hơn nhiều so với mức bình quân cả nước.

5. Quản lý hoạt động bảo vệ và phát triển đất rừng sản xuất

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và thực hiện nghiêm chỉnh về bảo vệ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, việc phát triển sản xuất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn bao gồm phát triển rừng sản xuất cả ở rừng trồng và rừng tự nhiên phải được các cấp quản lý thông qua và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật.

Đối với rừng tự nhiên, thường xuyên cải tạo giao cho người dân hoặc các đơn vị các diện tích chưa được giao cần có kế hoạch bảo vệ và phát triển, nhằm quản lý tốt hơn và tăng nguồn thu cho tỉnh cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với rừng trồng, cần tích cực đẩy mạnh mở rộng và cải tạo diện tích rừng sản xuất đã được trồng trước đây nhưng chưa được giao cho cá nhân, đơn vị cụ thể.

6. Giám sát, thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong sử dụng đất rừng sản xuất

Hiện nay, công tác quản lý, sử dụng đất, đất rừng sản xuất vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại dù đã có những thay đổi và cải thiện. Theo số liệu do UBND huyện Nghĩa Đàn cung cấp, trong giai đoạn 2017 - 2019, số vụ vi phạm về sản xuất và khai thác rừng sản xuất tại huyện Nghĩa Đàn đã giảm từ 23 vụ (năm 2017) xuống còn 15 vụ (năm 2019). Nguyên nhân là do các ngành chức năng và chính quyền các cấp thường xuyên thanh kiểm tra và phổ biến quy định pháp luật đối với các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất rừng.

Tuy nhiên, các ngành chức năng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã còn buông lỏng công tác quản lý, việc xử lý các vụ vi phạm về đất lâm nghiệp chưa nghiêm, có nơi còn nể nang, né tránh; công tác theo dõi diễn biến đất lâm nghiệp thực hiện chưa thường xuyên dẫn đến vẫn còn xảy ra vi phạm trên địa bàn huyện.

III. Các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn

Một là, kiện toàn tổ chức quản lý từ tỉnh, huyện, xã và từng bước phân cấp đến thôn. Phát huy, vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Hai là, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cần tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, như: Thông qua Tổng cục Lâm nghiệp, thu hút nguồn vốn ODA, tổ chức phi Chính phủ, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển lâm nghiệp. Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các dự án nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế cho người dân vùng đồi rừng.

Ba là, quản lý quy hoạch, giao đất với giao rừng gắn liến với lợi ích của người dân.

Bốn là, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và khuyến lâm, phát triển nguồn nhân lực. Tập trung nghiên cứu, chọn lọc và bổ sung tập đoàn cây bản địa trồng rừng phù hợp với điều kiện hệ sinh thái của vùng.

Năm là, tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến chính sách pháp luật, chế độ trong quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất, như: In các ấn phẩm, tờ rơi có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật, dựng các bảng pano, áp phích tuyên truyền, vận động xã hội tham gia quản lý rừng sản xuất,…

Sáu là, tăng cường thanh tra kiểm tra việc chấp hành luật pháp và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất. Chú trọng đến việc khuyến khích người dân tham gia kiểm tra quản lý sử dụng đất, hạn chế đáng kể các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất.

IV. Kết luận

Qua nghiên cứu thực trạng về đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cho thấy hệ thống thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức đến từng hộ gia đình cá nhân, tổ chức tương đối tốt, đạt kết quả khả quan. Ngoài ra, tỷ lệ giao rừng đạt kết quả cao. Tuy nhiên, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, không phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm. Việc quản lý rừng còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là cán bộ cấp xã chưa thực hiện hết chức năng, quyền hạn của mình. Cơ chế, chính sách còn hạn chế, nguồn lực con người thực hiện thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành liên quan. Định hướng chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương từng giai đoạn cụ thể.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp định hướng như: Tuyên truyền phổ biến sâu rộng hơn cho mọi người dân được biết các chế độ chính sách của nhà nước về rừng sản xuất; Tinh giảm bộ máy quản lý, phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý; Phối hợp giữa các ban ngành liên quan phải nhịp nhàng; Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài; Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Chi cục Thống kê huyện Nghĩa Đàn, (2019).

Niên giám thống kê huyện Nghĩa Đàn 2018, Nghệ An.

Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An (2015)

. Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

UBND huyện Nghĩa Đàn (2014).

Báo cáo thuyết minh tổng hợp lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015.

UBND huyện Nghĩa Đàn (2016, 2017, 2018).

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Đàn năm 2016, 2017, 2018.

UBND huyện Nghĩa Đàn (2017).

Niêm giám thống kê huyện Nghĩa Đàn năm 2017.

UBND huyện Nghĩa Đàn (2018).

Báo cáo tình hình bảo vệ, quản lý rừng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn

.

UBND huyện Nghĩa Đàn (2019).

Báo cáo tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đến tháng 12/2018

.

THE STATE MANAGEMENT OF PRODUCTIVE

FOREST LAND OF NGHIA DAN DISTRICT, NGHE AN PROVINCE

• Prof.Ph.D NGUYEN VAN SONG

Vietnam National University of Agriculture

• NGUYEN HUU HUNG

Department of Economics and Infrastructure,

Nghia Dan District, Nghe An Province

• NGUYEN XUAN HUU

Vietnamese Academy of Forest Sciences

ABSTRACT:

The state management of productive forest land, especially the allocation of productive forest land to businesses, households and individuals is receiving increasing attention from many local authorities at all levels in Vietnam. Nghe An Province has a large forest area and this article studies the state management of productive forest land of Nghia Dan District, Nghe An Province, thereby proposing solutions for strengthening the provincial state management of productive forest land.

Keywords: State management, productive forest land, the use of land, Nghia Dan District, Nghe An Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quan-ly-nha-nuoc-ve-dat-rung-san-xuat-tren-dia-ban-huyen-nghia-dan-tinh-nghe-an-73221.htm