Quản lý người tâm thần trong cộng đồng: Lỏng lẻo là gây họa

Trong vụ việc đau lòng khi một người tâm thần nổi loạn truy sát tứ tung khiến 3 người dân lành thiệt mạng và nhiều người khác bị thương ở ấp Đay Tà Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), kẻ gây ra là Thạch Sà Khêl (biệt danh là Khên 'mát') - một đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần và thường hay gây gổ.

Vụ việc là lời cảnh tỉnh cho sự lỏng lẻo trong quản lý các đối tượng có bệnh tâm thần đang sống lẫn trong cộng đồng, được gia đình tự chăm sóc…

Nỗi đau sau cơn điên loạn

Vụ việc kinh hoàng xảy ra từ ngày 24/7 nhưng đến nay, nỗi hốt hoảng, kinh sợ vẫn hiển thị trên khuôn mặt những người dân ở Đay Tà Ni. Ông Trần Năm bị đối tượng Khêl chém hụt ám ảnh: “Thật quá kinh khiếp, mặt Khêl đằng đằng sát khí, gặp ai là xông tới chém tới tấp. Lúc này, hầu hết thanh niên trai tráng đã đi làm đồng cả, chủ yếu chỉ người già và trẻ nhỏ ở nhà. Có người chưa hiểu tiền sử bệnh của Khêl còn vừa chạy vừa xin nhưng gã bất chấp hết”.

Khám nghiệm hiện trường vụ án cha bị bệnh tâm thần chém chết con ở Quảng Ngãi.

Bà Lê Thị Tâm có người thân là nạn nhân của Khêl tức tưởi đau đớn cho biết: “Người dân trong ấp, trong xã chẳng ai có thù hằn gì với Khêl cả mà trái lại rất cảm thương Khêl. Không ngờ cơn nổi loạn của gã lại kinh hoàng đến vậy. Từ ngày có người thân mất, đêm nào cũng chập chờn ác mộng không thể chợp mắt được. Cả ấp đều mất ngủ luôn”.

Là người trực tiếp nhìn thấy cảnh kinh hoàng, bà Phan Thị Nhi chỉ biết cuống cuồng hô hoán mọi người đến ứng cứu nhưng vẫn không kịp. Nhiều người ở ấp Đay Tà Ni cho biết, cảnh đau thương này chưa từng xảy ra ở vùng đất này.

Bà Danh Thị Đen - con dâu của nạn nhân Hồ Thị Trầm đã tử vong ám ảnh cho biết: “Khêl nổi cơn điên loạn rất hung và khỏe như trâu mộng nên không xử trí kịp. Không chỉ hung hãn chém người mà Khêl còn chém cả đồ đạc, rất táo tợn. Tôi quá hốt hoảng chui kịp vào gậm giường không thì cũng đã bị chém chết”.

Ông Trần Văn Trí sống cùng ấp cũng cho biết: Khêl chém người này xong thì xông đi tìm người khác trong ấp chém. May mà ấp này nhiều kênh rạch, ao hồ nên một số người đã kịp nhảy xuống ao, rạch chứ không thì con số thương vong còn nhiều hơn nữa. Tội nhất là mấy đứa trẻ đều ngoan và học giỏi trở thành nạn nhân cơn nổi loạn của Khêl.

Bài học đau xót về quản lý người tâm thần

Từ vụ việc kinh hoàng này, nhiều người dân ở xã Hưng Hội bày tỏ nỗi tiếc nuối sâu sắc và mong muốn công tác quản lý người có tiền sử bệnh tâm thần tốt hơn. Ông Lê Văn Tùng - cán bộ hưu trí ở xã cho biết: Khêl đã từng nổi loạn, quậy phá trước đó rồi đi lung tung khắp nơi. Lẽ ra gia đình nên đưa anh ta đi điều trị bệnh cho dứt điểm, khi được các bác sĩ kết luận có thể sống hòa nhập ở cộng đồng thì mới nên đưa về nhà. Hơn nữa, qua vụ việc đau lòng này, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường sự quan tâm phối hợp quản lý người có tiền sử bệnh tâm thần trong cộng đồng dân cư.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ở BV tâm thần Khánh Hòa thì người đã bị bệnh tâm thần dù có đưa về cộng đồng cũng cần thường xuyên phối hợp với bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục phục hồi các chức năng cho bệnh nhân. Khi có bất cứ dấu hiệu nào, dù là nhỏ nhất, cũng phải đưa ngay đến bệnh viện nếu không hậu quả khôn lường.

Trước vụ truy sát kinh hoàng do Trêl gây ra, cách đây vài tháng, tại xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, đối tượng Nguyễn Văn Tâm đã lên cơn tâm thần sát hại cả mẹ ruột và bà nội.

Đây là những bài học đắt giá về việc quản lý người có tiền sử tâm thần. Đề nghị các cơ quan quản lý sớm có các giải pháp triệt để cho vấn đề này để tránh những mối hiểm họa đau lòng không thể lường trước.

ĐÔNG HƯNG-LÊ HẢI

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/quan-ly-nguoi-tam-than-trong-cong-dong-long-leo-la-gay-hoa-n147416.html