Quản lý mã số mã vạch: Bài 1 - Thúc đẩy thương mại điện tử toàn cầu

Sử dụng mã số mã vạch tại mỗi quốc gia là điều kiện không thể thiếu và là một thách thức khi tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu.

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp khẩn trương đăng ký trực tuyến mã số tự khai nhận xuất xứ. Ảnh: Nguồn Bộ Công Thương

Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp khẩn trương đăng ký trực tuyến mã số tự khai nhận xuất xứ. Ảnh: Nguồn Bộ Công Thương

Mã số mã vạch hiện nay được ứng dụng rộng rãi trên thế giới giúp hạn chế nhầm lẫn trong việc nhận dạng sản phẩm và được chấp nhận ở mọi điểm trong chuỗi cung ứng quốc tế, giúp doanh nghiệp đảm bảo các hoạt động cung ứng quốc tế, tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu.

Công nghệ sử dụng mã số mã vạch ngày càng khẳng định vị trí và vai trò đối với sự phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đất nước mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới.

Do vậy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sử dụng mã số mã vạch quản lý doanh nghiệp đang là nhu cầu tất yếu. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 2 bài viết liên quan đến việc quản lý mã số mã vạch và việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Bài 1 - Thúc đẩy thương mại điện tử toàn cầu
Sử dụng mã số mã vạch tại mỗi quốc gia là điều kiện không thể thiếu và là một thách thức khi tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu.

Sử dụng mã số mã vạch có ý nghĩa thúc đẩy phát triển thị trường, mở rộng thị phần, tham gia vào thị trường quốc tế và đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại điện tử...
* Thực tế trên thế giới
Sử dụng mã số mã vạch nhằm quản lý hàng hóa và đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ tại siêu thị, hệ thống bán hàng tự động trong mỗi quốc gia, chuỗi cung ứng trên toàn cầu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa...

Việc ứng dụng mã số mã vạch giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong quản lý sản phẩm, Cơ quan nhà nước cũng dễ dàng trong việc quản lý sản phẩm, hàng hóa, cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì trên mã số mã vạch có đầy đủ những thông tin về nhà sản xuất, thông tin về sản phẩm, hàng hóa.
Hiện nay, trên thế giới chủ yếu áp dụng hai hệ thống mã số hàng hóa gồm: Hệ thống UPC (Universal Product Code) được sủ dụng ở Mỹ và Canada.

Hệ thống EAN (European Article Number) được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới và Việt Nam đang áp dụng hệ thống EAN.
Theo thông lệ quốc tế, khi đăng ký với GS1 (Tổ chức mã số mã vạch toàn cầu), một doanh nghiệp sẽ được cấp một hoặc một số tiền tố doanh nghiệp (GCP) và từ đó cho phép tạo ra các mã định danh dòng sản phẩm (GTIN) duy nhất trên toàn cầu để nhận diện một dòng sản phẩm của doanh nghiệp, do đó, các doanh nghiệp khác muốn sử dụng mã nước ngoài đã được đăng ký của doanh nghiệp chủ sở hữu mã thì phải được ủy quyền của doanh nghiệp này.

Điều này tạo sự minh bạch, góp phần chống gian lận xuất xứ trong quá trình đẩy mạnh thương mại quốc tế.
Sử dụng mã số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa cho phép hạn chế nhầm lẫn trong quá trình nhận dạng sản phẩm, tiết kiệm thời gian làm việc nên tính chính xác và hiệu suất làm việc được nâng cao.

Mã số mã vạch được chấp nhận ở mọi điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong mỗi quốc gia thành viên giúp doanh nghiệp đảm bảo các hoạt động cung ứng quốc tế...

Việc sử dụng mã số mã vạch còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động quản lý phân phối, biết được xuất xứ, nguồn gốc của mỗi loại sản phẩm.

Trong các giao dịch mua bán, mã số mã vạch giúp kiểm soát được tên, mẫu mã, quy cách, giá cả xuất xứ, nhập kho hàng hóa mà không bị nhầm lẫn và nhanh chóng, thuận tiện.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Mã số mã vạch là ngôn ngữ quốc tế để soạn thảo các gói thông tin về đơn hàng, vận chuyển, thanh toán, thuận lợi trong trong dịch vụ trao đổi thông tin điện tử...

Vì vậy, sử dụng mã số mã vạch là điều kiện không thể thiếu và là một thách thức với các bên khi tham gia thương mại điện tử toàn cầu, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển thị trường, mở rộng thị phần, tham gia vào thị trường quốc tế và đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu trên toàn cầu.
* Kiểm soát mã số mã vạch, thúc đẩy thương mại điện tử
Trong giao lưu thương mại quốc tế, sử dụng mã số mã vạch giúp các nhà sản xuất, các nhà cung cấp tránh được các hiện tượng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; sản phẩm hàng hóa có thể lưu thông trôi nổi toàn cầu mà vẫn biết được lai lịch của sản phẩm cũng như đảm bảo độ chính xác về giá cả và thời gian giao dịch nhanh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nhấn mạnh: Mã số mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu...
Hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ mã số mã vạch.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các quốc gia, gian lận xuất xứ đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các doanh nghiệp chân chính, uy tín của các sản phẩm và môi trường kinh doanh từng quốc gia.

Để chắc chắn rằng không có chỗ cho gian lận xuất xứ, vì có thể biến một nước nào đó thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba, một số nước đã áp dụng các biện pháp trấn áp hàng giả và gian lận xuất xứ để đảm bảo uy tín của sản phẩm hàng hóa của quốc gia mình.
Tại Việt Nam, việc sử dụng mã số, mã vạch của các đối tác nước ngoài góp phần giúp hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp doanh nghiệp cố tình sử dụng những mã số, mã vạch nước ngoài mà không được ủy quyền, thậm chí đã có phản ánh từ những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường quốc tế.

Vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nâng cao hơn ý thức trách nhiệm đối với việc sử dụng mã số mã vạch doanh nghiệp cũng như sử dụng mã số mã vạch nước ngoài của mình, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam và quốc tế cũng như vẫn đảm bảo được hình ảnh và uy tín của sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, giảm thiểu các tác động bất lợi của quốc tế có thể gây ra đối với các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam./.
( Quản lý mã số mã vạch và việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài: Bài cuối - Đã thuận lợi hơn khi xác nhận mã số, mã vạch nước ngoài )

HL/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quan-ly-ma-so-ma-vach-bai-1-thuc-day-thuong-mai-dien-tu-toan-cau/159464.html