Quản lý lỏng lẻo, xăng dầu kém chất lượng tự tung tự tác

Vụ công an phát hiện sản xuất kinh doanh xăng giả với hàng chục triệu lít tuồn ra thị trường đang gây chấn động dư luận. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí cả cây xăng không phép trong thời gian qua còn lỏng lẻo, khiến xăng dầu trôi nổi bùng phát, gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng.

 Những vụ buôn lậu xăng dầu trên biển bị lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý. Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp

Những vụ buôn lậu xăng dầu trên biển bị lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý. Ảnh: Cảnh sát biển cung cấp

Nguy cơ xăng kém chất lượng từ 3 nguồn xăng dầu nhập lậu

Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc thẩm định để cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu và các thủ tục liên quan tại địa phương cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác. Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 7.6.2019, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Petrolimex có trên 2.500 cây xăng trên cả nước.

Về chất lượng xăng dầu, Petrolimex đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ KHCN và các cơ quan chức năng quy định. Riêng xăng dầu do các Cty tư nhân bán tại các cây xăng nhỏ, thì không dám chắc về chất lượng. Thời gian qua đã cho thấy một số cây xăng mini đã bán ra thị trường xăng không đạt yêu cầu và bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Các tư thương mua xăng dầu từ nhiều nguồn, trong đó có xăng dầu của Petrolimex.

Theo vị đại diện này, nguồn xăng dầu nhập lậu của các Cty tư nhân tương đối phức tạp, nhưng chủ yếu từ 3 nguồn: Từ trên biển vào (trên biển quốc tế các tàu chở xăng bán lậu để trốn thuế), một số doanh nghiệp, Cty đóng tàu ra mua lậu chở về; từ những tàu biển kết hợp buôn lậu bằng cách, khi chiều đi ở Việt Nam chỉ mua 1/2 khối lượng, hành trình từ nước ngoài trở về thì mua đầy thùng chứa với hàng trăm mét khối để bán trong nước; nguồn thứ 3 là một số đơn vị được cấp hiện vật (xăng, dầu -PV) dùng không hết bán ra thị trường; đây là các nguồn trôi nổi.

Cũng theo đại diện Petrolimex, nguồn xăng dầu mua trôi nổi trên thị trường có cả xăng dầu “xả” từ máy bay sau mỗi chuyến bay không sử dụng hết thải ra và bán ra ngoài, một số tư thương mua vào với giá rẻ để pha chế.

Đối tượng buôn lậu manh động

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước nói chung và trên các vùng biển Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.

Phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín, mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn (giao nhận hàng, sang mạn, chuyển tải, lưu kho, thanh toán tiền...) độc lập, không biết nhau, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu ở trên đất liền và nước ngoài.

“Bộ vẫn tổ chức các đợt kiểm tra để phát hiện gian lận thương mại (GLTM) trong kinh doanh xăng dầu. Nếu các DN tư nhân tự thuê tàu mua xăng lậu trên biển vào ban đêm thì lực lượng chức năng rất khó phát hiện vì lực lượng mỏng, địa hình nguy hiểm, đối tượng buôn lậu lại hết sức manh động, liều lĩnh, thậm chí sẵn sàng nổ súng.

“Biện pháp hiệu quả nhất là tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng xăng dầu, các cây xăng; một mặt phải tăng cường kiểm tra trên biển để hạn chế buôn lậu xăng dầu. Các nguồn cung ứng xăng dầu phải được kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ” - ông Trần Hữu Linh cho biết.

PHONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/quan-ly-long-leo-xang-dau-kem-chat-luong-tu-tung-tu-tac-737927.ldo