Quản lý kinh doanh rượu theo Nghị định mới: Khó đủ đường

Từ ngày 1.11.2017, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94/2012) quy định việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi tiếp tục thuộc một trong các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu. Cá nhân cố ý vi phạm có thể bị phạt số tiền 1 triệu đồng.

Hình ảnh các bệnh nhân phải cấp cứu vì ngộ độc rượu rải rác trong năm 2017 (Ảnh: BVCC)

Rượu tự nấu cũng bị làm giả

Trong thực tế, việc thực thi Nghị định mới đang vướng phải những khó khăn lớn vì tình hình quản lý rượu bia hiện nay đang rất “loạn”. Tháng 9 mới đây, Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu của anh Phạm Văn Tùng (SN 1985) ở TP.Phủ Lý, phát hiện cơ sở này có 125 lít rượu, gồm ba kích, ngô và táo mèo không có tem nhãn hàng hóa theo quy định. Rượu có pha phẩm màu và dương tính với methanol, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh rượu theo quy định. Thậm chí, rượu giả được đưa vào giữa làng rượu truyền thống ở Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) để lấy mác bán. Sự việc chỉ bị phát hiện khi làm 9 học sinh phải nhập viện cấp cứu vào ngày 8.3.2017.

Chị T (chủ một cơ sở sản xuất rượu nấu truyền thống ở Phú Diễn, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi là người vừa trực tiếp nấu rượu, vừa mang đi bán, nói thật, bây giờ rượu thật - giả lẫn lộn, người tiêu dùng khó mà phát hiện được đâu là rượu nấu, rượu pha”. Chính chị là người còn bị mời mọc mua rượu táo mèo, nếu mua 20 lít sẽ được tặng 10 lít. Chị ngớ người, bảo: Làm gì có rượu đặc sản rẻ như vậy, rượu nấu của tôi bán chưa qua ngâm ủ chế biến mà cũng không có được khuyến mại như thế. Sau này mới biết đó là rượu độc.

Theo Nghị định mới, muốn sản xuất rượu công nghiệp, phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có dây chuyền máy móc, thiết bị đúng theo quy mô; đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định… Muốn sản xuất rượu thủ công phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, rượu bia là thức uống vốn thường có trong cuộc sống và trở thành một nét văn hóa. Thế nhưng, tình trạng báo động hiện nay là hầu như nhà hàng, quán ăn nào cũng đều có bán các loại rượu không nhãn mác, rượu trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ… “Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong có có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu, vụ các sinh viên ở Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là thực trạng đáng báo động. Theo tôi, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có đem bán rượu thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế theo đúng quy định pháp luật” - ông Việt đề nghị.

Theo PGS Việt, từ xưa đến nay, người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc methanol mà gần đây lại tăng mạnh? Nguyên nhân là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào chứ không phải cứ rượu tự nấu gây ngộ độc. Vì thế, điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc chí ít cũng phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ để không thể cho vào rượu được.

Đồng quan điểm này, Ths.BS Phùng Thanh Hải – Bệnh viện Tâm thần Trung ương, nơi nghiên cứu và điều trị cho nhiều người loạn thần do rượu rởm, rượu giả, rượu độc thẳng thắn nói: “Đôi khi, rượu ở những nhà máy kém cỏi còn độc hại hơn “quốc lủi”. Bởi ở nhà máy, họ còn thường phải xử lý nhiều quy trình và khó mà không can thiệp bằng hóa chất để việc tạo hương vị, màu mè. Ngộ độc thường xảy ra là bởi sự mất an toàn từ nhà máy “rởm” hoặc các tư thương pha chế độc hại; chứ có mấy khi rượu truyền thống thật sự gây ra đâu”.

Nhưng theo BS Hải, việc quản lý rượu tự nấu là điều cần thiết, bởi đây là một hình thức để chống rượu giả, rượu cồn… Nhà nước phải có quy định rượu nào bán, rượu nào được lưu hành, phải có tem, có nguồn gốc và kiểm tra các “tín chỉ” đó nhằm đem lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Còn việc người dân nấu rượu quốc lủi thì chẳng có vấn đề gì cả, chắc chắn là khó có quy định nào ngăn cấm được. Mà ngay cả khi cấm, thì cũng lấy đâu ra người đến từng nhà, từng bàn tiệc, từng bếp nấu để... xử phạt? Đấy là chưa kể ở các thôn sâu bản vắng nấu rượu tự cung tự cấp của bà con vùng thiểu số vẫn được coi là tập tục.

“Nói phải đi đôi với làm”

Nghị định mới quy định các hành vi bị xem là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu, gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định của pháp luật; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu. Hoạt động cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh rượu; Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động và hoạt động quảng cáo, khuyến mãi rượu trái quy định của pháp luật. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh rượu được quy định tại Nghị định 185/2013. Hành vi bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nam nữ thanh thiếu niên dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia không phải là hiếm gặp, đặc biệt tại các quán bar, nhà hàng. Nam học sinh (16 tuổi) của một trường THPT trên địa bàn Hà Đông - Hà Nội tiết lộ: “Những buổi liên hoan, họp nhóm, chúng em vẫn thường mua rượu về nhậu với nhau, mỗi đứa uống vài ngụm, cũng chả sao. Nhưng có bạn không uống được, nửa chén đã say, lăn ra ngủ như chết. Mua rượu thì quá là đơn giản, bất kỳ siêu thị, cửa hàng tạp hóa... chỗ nào cũng có thể mua được”.

Khi được hỏi về quy định mới, chị Phan Huyền A - chủ một cửa hàng tạp hóa (Cầu Giấy- Hà Nội) gãi đầu gãi tai: “Quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi thì quả thật là khó cho chúng tôi quá. Các em, các cháu đi mua rượu hộ cho người lớn, cho bố mẹ cũng không bán hay sao? Nếu cơ quan chức năng bắt được bán rượu cho những trường hợp đó cũng phạt chúng tôi hay sao? Việc đó làm sao chúng tôi kiểm soát được? Nếu muốn kiểm soát thì phải kiểm soát các cháu không uống chứ làm sao kiểm soát các cháu không mua được?”.

Nói về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng: “Về chính sách, chủ trương đó rất đúng. Xu thế xã hội phát triển, chống lạm dụng rượu bia thì phải bằng những hành động cụ thể. Trẻ dưới 18 tuổi thì không nên sử dụng rượu bia, và rõ ràng là người bán cũng không nên/ không được bán cho đối tượng này. Nhưng phải có những chế tài để thực thi chính sách. Trước đến nay, trong lĩnh vực này, tôi thấy đưa ra rất nhiều nhưng lại làm được ít, thậm chí không ai làm. Có thực thi được hay không là chuyện khác. Thực tế, có nhiều chủ trương đưa ra, đặt lên bàn giấy nhưng không thực hiện được, như thế trở thành nhàm chán. Về vấn đề này, tôi nghĩ là phải có lộ trình, có tuyên truyền, truyền thông, có kiểm tra, kiểm soát. Đừng để lúc nói thì rất hay nhưng lúc làm lại quên hết, không ai làm. Tính khả thi là phải được tính đến. Cần chuyên tâm vào, biến lời nói thành hành động, thì mới trở thành hiện thực được. Cá nhân tôi rất ủng hộ quy định đó, nhưng việc thực hiện được là rất khó đấy”.

đức vân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/quan-ly-kinh-doanh-ruou-theo-nghi-dinh-moi-kho-du-duong-577964.ldo