Quản lý kinh doanh đa cấp: Những tín hiệu tích cực

Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tăng cường các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng rất phức tạp. Về hình thức, trước đây phổ biến thông qua mua cổ phần, huy động vốn, mua phân quyền kinh doanh, nhưng hiện nay có nhiều hình thức khác, như: Đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án… Hay gần đây lại phát triển sàn thương mại điện tử, khóa học online với cách thức hoạt động khó phát hiện và quản lý hơn.

Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Từ thực tế đó, những năm qua, Bộ Công Thương đã tăng cường các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, về mặt pháp lý, Bộ đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh theo phương thức đa cấp để có cơ sở xử lý sớm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính. Đồng thời, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành khác nhau.

Bộ Công Thương cũng đã tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp như: Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp; Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 9 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp; Quyết định số 1822/QĐ-BCT ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;…

Song song với đó, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng chục cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng hay các doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp tiền ảo; qua đó, nâng cao nhận thức, đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.

Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương, trong đó tập trung vào vấn đề kiểm soát chặt chẽ hoạt động tổ chức hội thảo, đào tạo cho người bán hàng đa cấp tại địa phương.

Ổn định thị trường

Cũng theo ông Trịnh Anh Tuấn, từ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua đã giúp thị trường kinh doanh đa cấp dần ổn định trở lại. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2018, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý thu hồi giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp của 18 doanh nghiệp, đồng thời có thêm 20 doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp (giảm từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm đầu năm 2016).

Qua theo dõi, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trong những năm vừa qua cũng giảm mạnh, giảm từ 1,2 triệu người cuối năm 2015 xuống còn hơn 630.000 người cuối năm 2016 (giảm gần 50%). Năm 2017, số lượng người tham gia là 707.000 người. Đến hết năm 2018, số người tham gia bán hàng đa cấp là 1.246.195 người. Tuy nhiên, trong tổng số này chỉ có khoảng 270.000 người (28%) có hoạt động bán hàng đa cấp (có bán hàng), còn lại 72% chỉ mua hàng nhưng vẫn ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua với mức giá chiết khấu dành cho người tham gia bán hàng đa cấp. Như vậy, trên thực tế số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đã giảm hẳn so với các kỳ trước đây.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tiếp tục có xu hướng giảm trong giai đoạn 2019 - 2020. Năm 2019, tổng số người tham gia là 1.104.989 người và đến năm 2020 giảm còn 832.385 người, trong đó chỉ khoảng 60% người tham gia có bán hàng và có hoa hồng.

Dù đạt được kết quả tích cực, song trước những biến đổi không ngừng của các hoạt động kinh doanh đa cấp, ngày 05 tháng 11 năm 2020 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 2837/QĐ-BCT về việc ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt dộng kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025. Trong đó có hoạt động tuyên tuyền, phổ biến nội dung này đến những đối tượng dễ bị lôi kéo, như sinh viên, người già… "Chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn thanh niên ở các trường đại học để tổ chức các hội thảo, tuyên truyền nhận diện bán hàng đa cấp biến tướng. Tiếp nữa, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tượng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép" - ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tiếp tục có xu hướng giảm. Năm 2019, tổng số người tham gia là 1.104.989 người và đến năm 2020 giảm còn 832.385 người, trong đó chỉ khoảng 60% người tham gia có bán hàng và có hoa hồng.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-kinh-doanh-da-cap-nhung-tin-hieu-tich-cuc-154822.html