Quản lý kinh doanh đa cấp: Chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian qua được giám sát chặt chẽ đã mang lại những tín hiệu tốt cho ngành này. Việc đó không chỉ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính phát triển.

Giảm vi phạm

Trong báo cáo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV về công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua bộ đã siết chặt công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động vì không đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đến nay trên toàn quốc có 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký còn hoạt động bán hàng đa cấp.

Quản lý, giám sát chặt đảm bảo lợi ích chính đáng của cả người tiêu dùng và người tham gia bán hàng đa cấp

Quản lý, giám sát chặt đảm bảo lợi ích chính đáng của cả người tiêu dùng và người tham gia bán hàng đa cấp

Đáng chú ý, số doanh nghiệp vi phạm cũng như lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu giảm rõ rệt so với giai đoạn trước. Nếu như năm 2017 có 10 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp thì năm 2018 có 4 doanh nghiệp bị xử phạt, con số này của năm 2019 là 3 doanh nghiệp. Lượng ý kiến khiếu nại, tố cáo cũng giảm từ 120 đơn thư trong năm 2018 còn 100 đơn thư năm 2019.

Điều đó cho thấy, đến nay doanh nghiệp đã có nhận thức tốt hơn về các hoạt động bán hàng đa cấp, người tiêu dùng có ý thức phòng tránh cao hơn, chủ động tránh thiệt hại, rủi ro từ các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng, vi phạm pháp luật.

Tăng quản lý

Các chuyên gia nhận định, hoạt động kinh doanh đa cấp có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai và áp dụng các công nghệ hiện đại. Điều này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh này.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã chủ động nắm bắt tình hình, các vấn đề nảy sinh, chú trọng công tác cảnh báo, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp thông qua các kênh báo chí, website và các hội thảo, tọa đàm nhằm lan tỏa một cách rộng rãi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để áp dụng thủ tục hành chính công trong lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; triển khai xây dựng ứng dụng sử dụng trên điện thoại giúp người dùng cập nhật tra cứu các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và trang bị sẵn các câu hỏi liên quan đến pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp đã cơ bản đáp ứng được những điều kiện mới cũng như thích ứng với quy định của pháp luật. Những thay đổi tích cực này giúp hoạt động quản lý ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời giúp các doanh nghiệp có cơ hội phát triển lâu dài, cả người tiêu dùng và người tham gia bán hàng đa cấp đều được đảm bảo lợi ích chính đáng.

Năm 2020, Bộ Công Thương dự kiến thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp của 7 doanh nghiệp; tiến hành kiểm tra hoạt động của 3 cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Mai Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-kinh-doanh-da-cap-chuyen-bien-tich-cuc-137568.html