Quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Tăng thêm 120 văn bản sau 2 năm

Mặc dù việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản.

Hội thảo diễn ra tại trụ sở CIEM sáng 16/9. Ảnh: PV

Hội thảo diễn ra tại trụ sở CIEM sáng 16/9. Ảnh: PV

Đây là đánh giá được đưa ra tại hội thảo ngày 16/9 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với chủ để "Thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề và kiến nghị".

Giảm khoảng 22.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, yêu cầu về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ; được nêu tại nhiều nghị quyết của Chính phủ và thể hiện rõ qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Liên tục trong 4 nghị quyết 19 và 2 Nghị quyết 02 của 6 năm qua, cùng với nhiều nghị quyết của Chính phủ đã nhấn mạnh tới yêu cầu cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu.

Qua đó, việc cải cách đã đạt được những kết quả nhất định. Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ khoảng 100.000 mặt hàng (năm 2015) xuống còn 78.000 (hiện nay). Hiện nay, tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan khoảng 19,4% (mục tiêu của Chính phủ là dưới 10%). Việc cải cách trong kiểm tra, quản lý chuyên ngành đã có sự chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, một số cải cách được ghi nhận và đánh giá cao như Nghị định 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định 38 đã thay đổi căn bản tư duy về quản lý an toàn thực phẩm, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, khắc phục sự chồng chéo, nhiều tầng nấc quản lý trong thủ tục liên quan tới kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay một số cải cách về đơn giản hóa thủ tục và nội dung hồ sơ kiểm dịch thực vật, động vật, khai báo hóa chất… Tính đến ngày 10/6/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối với 198 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW).

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia của CIEM, những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Những vướng mắc, bất cập về quy định, thủ tục trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là rào cản, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản. "Số lượng văn bản quá nhiều, gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng" - bà Thảo nói. Chất lượng văn bản chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cũng dẫn tới khó khăn cho DN để cập nhật, chuẩn bị đáp ứng yêu cầu.

Trong đó, mặc dù một số quy định đã tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng có văn bản gây trở ngại hơn, thậm chí có quy định mới còn mâu thuẫn và trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, Thông tư số 22 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu kiểm tra an toàn lao động trước khi thông quan đối với những sản phẩm, hàng hóa chỉ có thể kiểm tra khi đã lắp đặt, vận hành như thang cuốn, thang máy. "Hàng còn đang trong kiện, chưa được lắp đặt, thông quan thì làm sao có thể kiểm tra an toàn lao động. Đây là một quy định rất phi lý và đã được kiến nghị nhiều lần mà chưa có thay đổi" - bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV

Cải cách thể chế là giải pháp hỗ trợ công bằng nhất

Chuyên gia của CIEM cũng chỉ ra rằng, theo số liệu của hải quan từ năm 2017 đến tháng 10/2019, tỷ lệ lô hàng (tờ khai) xuất nhập khẩu không đạt yêu cầu trên 3 lĩnh vực gồm kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm là rất thấp, gần như không đáng kể. Với hàng xuất khẩu, tỷ lệ này là 0% và với hàng nhập khẩu là 0% - 0,27%. Điều này cho thấy cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc "quản lý rủi ro" trên cơ sở mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Mặt hàng nào doanh nghiệp cũng phải làm, tạo nhiều rào cản không cần thiết. Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro theo yêu cầu của Thủ tướng mới được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực hải quan, cơ quan có hệ thống quản lý rủi ro tương đối tốt" - bà Thảo nhận xét.

Trong năm 2020, do tác động của dịch cúm Covid-19 nên nhận xét của chuyên gia CIEM là việc triển khai thực hiện cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành có phần chậm lại và ít được quan tâm, chú ý. Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp chống dịch và hỗ trợ DN với rất nhiều giải pháp được phê duyệt. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ chưa đáp ứng được mong mỏi của DN và nhiều DN chưa tiếp cận được với các gói hỗ trợ.

Trước tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, các chuyên gia, đại diện DN tham gia hội thảo một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành. "Cải cách thể chế là giải pháp hỗ trợ công bằng, bền vững nhất cho doanh nghiệp" -ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM khẳng định.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu quan điểm, cải cách là việc làm cần thiết để tốt hơn. Tuy nhiên, cải cách phải có mục tiêu đầu tiên là bảo vệ lợi ích của quốc gia, của người dân, và cùng với đó là tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, cho doanh nghiệp. Việc cải cách phải tuân theo quy định của pháp luật.

Bình luận về nhận xét "kiểm tra chuyên ngành nhiều, nhưng phát hiện ít vì ta kiểm tra chặt quá mức cần thiết" của chuyên gia CIEM, ông Tuấn cho biết khi chuyển sang hậu kiểm thì trong 1.000 lô hàng nhập khẩu có tới 40 lô không đạt yêu cầu (kết quả từ đầu năm tới nay), tỷ lệ 4%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 0,2% khi tiền kiểm. Điều này cho thấy DN chưa tuân thủ tốt quy định, dù đã được tạo thuận lợi khi để hậu kiểm. "Nên việc cải cách cũng phải cân nhắc, tính toán để bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của người tiêu dùng" - ông Tuấn nói.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-16/quan-ly-kiem-tra-chuyen-nganh-tang-them-120-van-ban-sau-2-nam-92331.aspx