Quản lý khai thác vàng ở Hòa Bình: Trả lời loanh quanh, lộ thêm nhiều sai phạm

Hoạt động khai thác khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chỉ ra hàng loạt sai phạm. Nhưng thay vì nghiêm túc tiếp thu, chấn chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hòa Bình lại tiếp tục có văn bản trả lời với nội dung loanh quanh, bao biện, né tránh hàng loạt vấn đề cần làm rõ.

Công văn của Sở TN&MT thiếu trung thực?

Ngày 18-10-2017 vừa qua, Sở TN&MT có công văn số 1723/STNMT-KS phúc đáp về nội dung hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình do ông Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở ký.

Tại văn bản này, mục 3 Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình nêu: Việc hướng dẫn Công ty khảo sát lựa chọn diện tích (tại văn bản số 1973/STNMT-KS là các công việc cần thực hiện để xác định vị trí tọa độ cụ thể khu vực đề nghị hoạt động khoáng sản, đảm bảo không nằm trong khu vực cấm, không trùng lấn các dự án khác làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản số 333/UBND-NNTN ngày 28-3-2017 báo cáo Bộ TNMT xem xét, hướng dẫn Công ty Khoáng sản Hòa Bình lập thủ tục để cấp giấy phép hoạt động khoáng sản quặng vàng theo quy định.

Nghiên cứu các văn bản liên quan, đặc biệt là công văn trả lời ngày 12-11-2016 của Bộ Quốc phòng, nhận thấy, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã thiếu trung thực khi trả lời. Bởi lẽ, các chỉ đạo, hướng dẫn của Sở này do ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở ký tại văn bản số 1973/STNMT-KS ngày 29-11-2016 hoàn toàn không phải nhằm mục đích xác định tọa độ, bảo đảm không trùng lấn, không nằm trong vùng cấm...Ngay tại công văn số 924/UBND-NNTN ngày 12-8-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình gửi Bộ Quốc phòng để xin ý kiến về địa điểm thực hiện dự án điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản Vàng tại xã Hợp Châu đã có sơ đồ vị trí, diện tích, ranh giới, tọa độ khu vực dự án kèm theo) và nêu rõ 3 khu đất tại đồi Băng, Xóm Rế, xóm Trong, diện tích 13ha.

Vẫn theo công văn trả lời do ông Bùi Quang Điệp, lại lộ ra nhiều sai phạm khác. Công văn thừa nhận: Trên cơ sở phản ánh của báo chí về hiện tượng khai thác vàng trái phép tại xã Hợp Châu, ngày 7-9-2017, Thanh tra Sở TN&MT phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, Công an huyện Lương Sơn, UBND xã Hợp Châu tiến hành kiểm tra thực tế. Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận: Công ty Khoáng sản Hòa Bình đã dựng lều lán, tập kết máy móc thiết bị và có công nhân trông coi.

Toàn cảnh khu lều lán "phục vụ lấy mẫu" của Công ty Khoáng sản Hòa Bình

Văn bản do ông Điệp ký còn đưa ra những thông tin về việc sử dụng diện tích đất đang có hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản không phù hợp với quy định pháp luật cả về luật đất đai và luật khoáng sản. Đó ;à: “Theo báo cáo của Công ty, khu đất đề nghị thực hiện dự án trước đây là đất lâm nghiệp đã giao ổn định, lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân. Sau đó các hộ đã chuyển nhượng đất cho một đơn vị trồng cà gai leo. Đơn vị này xây dựng nhà để bảo vệ, trông coi. Với mục tiêu được cho phép thực hiện dự án, cá nhân là thành viên của công ty khoáng sản Hòa Bình đã thỏa thuận mua lại quyền sử dụng đất của đơn vị trồng cà gai leo trên. Như vậy, việc dựng lều lán, tập kết máy móc thiết bị, có công nhân trông coi và việc sử dụng đất được xem xét theo quy định của Luật Đất đai.

Với thông tin trên, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình lại thêm một lần đánh tráo khái niệm từ vụ việc thăm dò, khai thác khoáng sản thành sử dụng đất đai để bao biện cho việc buông lỏng quản lý của mình. Chỉ riêng việc để cho các tư nhân không có mục đích đầu tư khai thác đất nông, lâm nghiệp vào thu gom, chuyển nhượng và sử dụng đất nông, lâm nghiệp vào mục đích khác đã là trái quy định của Luật Đất đai mà Sở chuyên ngành không kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh đã thấy rõ sự quản lý lỏng lẻo và cách trả lời công luận một cách thiếu cơ sở pháp lý của lãnh đạo sở này. Sự việc không đơn giản chỉ là khu vực dựng lều lán đã được thu mua và tiến hành đào bới thăm dò, khai thác mà theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công ty này đã thu gom đất lâm nghiệp lên tới 81 ha đất để nhằm hướng tới thực hiện dự án còn nhiều sai phạm pháp lý này.

Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng, thực tế, chính ông Trần Minh Thắng, lãnh đạo Công ty khoáng sản Hòa Bình khi trao đổi với báo chí đều thừa nhận đã có việc đưa người, máy móc, phương tiện vào khảo sát, lấy mẫu bề mặt để phục vụ cho việc lập dự án. Vậy mà chỉ sau ít ngày, bằng những tổng hợp Sở TN&MT lại nghiễm nhiên trở thành việc đất này của đơn vị trồng cà gai leo, lều lãn, phương tiện cũng do đơn vị này để lại?!

4 ngày sau thành lập đã trúng dự án?

Được biết, từ ngày 29-11-2016, Sở TN&MT hướng dẫn cho doanh nghiệp được khảo sát thực địa, lấy mẫu trên bề mặt nhưng đến sau khi nhận được văn bản số 3672, ngày 21-7-2017 của Bộ TN&MT thì tới tận gần 1 tháng sau ngày 11-8-2017 Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình mới có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không tiến hành bất cứ hoạt động khoáng sản nào trước khi hoàn thiện thủ tục cấp phép. Trong khi đó, ngày 7-9-2017, Thanh tra Sở cùng Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Hòa Bình đi kiểm tra vẫn thấy lều lán, máy móc và công nhân trông coi. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi trong suốt gần 1 năm, Sở TN&MT và UBND tỉnh có thực hiện kiểm tra, giám sát việc lấy mẫu và doanh nghiệp có gửi báo cáo kết quả để Bộ TN&MT có cơ sở hướng dẫn hay không ? Nội dung báo cáo như thế nào? Đây cũng là vấn đề cần được làm rõ.

Máy xúc phục vụ "lấy mẫu" tại hiện trường

Vẫn theo công văn của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình thì ngày 28-6-2016, Công ty khoáng sản Hòa Bình (trước đây là Công ty cổ phần 379 An Việt Thắng) có đơn đề nghị cho phép điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng khoáng sản quặng vàng gốc tại xã Hợp Châu. Thông tin này cho thấy nhiều điểm bất thường. Theo thông tin đó thì phải chăng, Công ty cổ phần 379 An Việt Thắng đã có đơn đề nghị thăm dò, đánh giá khoáng sản trước nhưng vì lý do khuất tất gì nên đổi tên sang thành lập Công ty Khoáng sản Hòa Bình?

Đặc biệt hơn, chỉ sau 4 ngày thành lập (đổi tên công ty) công ty, đơn vị này đã được UBND tỉnh Hòa Bình trả lời về việc đồng ý giao Sở TNMT hướng dẫn Công ty bỏ vốn khảo sát thực địa? Bởi qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Công ty cổ phần 379 An Việt Thắng được đăng ký kinh doanh và hoạt động cũng mới từ ngày 3-3-2016, Giấy phép kinh doanh: 0601109996 tại Nam Định, có địa chỉ tại số nhà 145 đường Đặng Xuân Bảng, Xã Nam Phong, Thành phố Nam Định, Nam Định. Người đại diện pháp luật vẫn là ông Trần Minh Thắng.

Theo thông tin công bố tại Cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia thì Công ty Khoáng sản Hòa Bình được thành lập vào ngày 1-8-2016. Theo quy trình đăng ký kinh doanh thì ngày 2-8-2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư mới trả kết quả, nếu như nhanh nhất 3 ngày tiếp sau đó mới tiến hành thủ tục khắc dấu và công bố mẫu dấu trên Cổng Thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia tức khoảng ngày 08-08-2016 mới được sử dụng con dấu và doanh nghiệp mới được phép hoạt động trên thực tế.

Nhưng trong hồ sơ thể hiện UBND tỉnh Hòa Bình ngày 12-08-2016 đã ban hành Công Văn số 924/UBND -NNTN về việc xin ý kiến địa điểm thực hiện Dự án Điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn. Vì vậy dư luận cho rằng, có sự bất thường trong việc chấp thuận của UBND tỉnh Hòa Bình và sự "vượt rào" của Công ty bất chấp luật pháp quy định về quản lý và khai thác khoáng sản là hoàn toàn có cơ sở.

Đề nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ khẩn trương vào cuộc, thanh tra toàn diện để làm rõ, xử lý nghiêm minh sự việc.

Thái Bình – Ngọc Quý

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-cuong/khoang-san/201711/quan-ly-khai-thac-vang-o-hoa-binh-tra-loi-loanh-quanh-lo-them-nhieu-sai-pham-2858058/