Quản lý hoạt động thương mại điện tử thông qua hệ thống phù hợp

Giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua hệ thống, phần mềm, nền tảng công nghệ thông tin…, vì thế để quản lý được hoạt động này các cơ quan quản lý cũng cần phải có hệ thống phù hợp với sự phát triển của thời kỳ phát triển công nghiệp lần thứ tư. Hệ thống này không chỉ đảm bảo giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng mà còn xử lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều thành phần tham gia vào hệ thống

Bài toán quản lý riêng hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng, hoàn thiện tại dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK, trong đó một trong những nội dung quan trọng là quản lý hoạt động thương mại điện tử thông qua hệ thống điện tử.

Theo ban soạn thảo, hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử cần có các đặc điểm như triển khai trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời đáp ứng yêu cầu về xử lý dữ liệu giao dịch như: Tiếp nhận, lưu giữ thông tin liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử; kết nối với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; cập nhật các thông tin về các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng (thông tin về khuyến mại, chính sách bán hàng, thông tin về nhà vận chuyển, người bán hàng…) và các cơ chế, chính sách quản lý về thương mại điện tử (chính sách thuế, mã số hàng hóa, danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành…). Bên cạnh đó, hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử cần có khả năng xử lý các thông tin được tiếp nhận và chia sẻ thông tin đến Hệ thống khác (Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, Hệ thống một cửa quốc gia, hệ thống quản lý rủi ro…).

Để có thể đáp ứng yêu cầu về xử lý dữ liệu giao dịch, các yêu cầu về cơ sở dữ liệu cần có trong hệ thống gồm: Cập nhật thông tin về thủ tục hải quan, chính sách thuế, kiểm tra chuyên ngành, thanh toán, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm, cập nhật danh sách các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng được phép hoạt động…

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), các đối tượng tham gia vào hệ thống không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước được phân quyền trên Hệ thống để khai thác dữ liệu, cung cấp dữ liệu nhằm đảm bảo việc kiểm soát theo chức năng quản lý nhà nước; người bán hàng, được hiểu là sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng; người mua hàng (tổ chức và cá nhân), mà còn có các DN vận chuyển hàng hóa của sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng; chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan; các trung gian thanh toán.

Hệ thống đảm bảo tiếp nhận dữ liệu và xử lý thông tin

Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử đảm bảo tiếp nhận dữ liệu và xử lý thông tin. Theo đó, dữ liệu liên quan đến giao dịch thương mại điện tử được cung cấp từ các nguồn: Sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng cung cấp thông tin về đơn hàng (thông tin hàng hóa, phương thức, thời hạn giao hàng, đơn vị vận chuyển, thanh toán, người bán hàng, người mua hàng… đến Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử. DN vận chuyển gửi thông tin đơn hàng (theo các thông tin của sàn giao dịch gửi cho DN vận chuyển) đến hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử. Chủ hàng gửi kho ngoại quan cung cấp thông tin đến hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử bao gồm: Thông tin về lô hàng trước khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải vể vận chuyển về Việt Nam; thông tin về đơn hàng ngay sau khi nhận được thông tin về đơn hàng của sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng. Đồng thời, đối với dữ liệu liên quan đến cơ chế, chính sách của hoạt động thương mại điện tử, Bộ Tài chính cung cấp các thông tin về thủ tục hải quan, chính sách thuế, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm; Bộ Công Thương cung cấp danh sách các website và sàn giao dịch được phép hoạt động; Ngân hàng Nhà nước cung cấp cơ chế chính sách liên quan đến việc thanh toán đối với các giao dịch thương mại điện tử; các bộ ngành quản lý chuyên ngành cung cấp thông tin liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Việc xử lý thông tin trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử sẽ được xử lý theo quy trình, cụ thể căn cứ thông tin được gửi đến hệ thống, hệ thống thực hiện xử lý thông tin, đưa ra các cảnh báo (về chính sách mặt hàng, chính sách thuế…) và phản hồi lại đơn vị gửi dữ liệu (sàn giao dịch, DN vận chuyển…); căn cứ vào thông tin hàng hóa về vận chuyển hàng hóa, hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử thực hiện theo từng trường hợp cụ thể. Trường hợp đã có thông tin về đơn hàng hệ thống tự động kiểm tra, đánh giá các thông tin dựa trên việc quản lý rủi ro. Trong trường hợp hàng hóa chịu sự quản lý về chính sách mặt hàng, hệ thống tự động gửi thông tin đến Hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Cơ quan quản lý chuyên ngành phản hồi về thông tin liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành (hàng hóa không phải kiểm tra chuyên ngành, giấy phép NK tự động, hàng hóa phải đưa đến cơ quan kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra…). Đối với trường hợp hàng hóa gửi kho ngoại quan (chưa có thông tin về đơn hàng), hệ thống kiểm soát hàng hóa vào, ra kho ngoại quan.

Hiện nay, dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị trong, ngoài cũng như cộng đồng DN, người dân. Vào ngày 19/9, Báo Hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-thong-qua-he-thong-phu-hop-111649.html