Quản lý hoạt động của Đài truyền thanh cấp huyện tại Ninh Bình

Những năm qua, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện tại tỉnh Ninh Bình đã thựchiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền mọi mặt của đời sống xã hội tới ngươìdân địa phương, tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động thông tin ở các đài truyềnthanh cấp huyện hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Cần có giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện
thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, huyện. Ảnh: TL

Những bất cập cần khắc phục

Kết quả khảo sát các đơn vị là Đài Truyền thanh thành phố Ninh Bình, Đài Truyền thanh huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn cho thấy, các Đài luôn thông tin kịp thời những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, địa phương, đảm bảo tính chính xác, khách quan, nhanh nhạy, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao, đúng với quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý hoạt động thông tin của đài truyền thanh cấp huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, công tác quản lý giữa các cơ quan chủ quản đối với đối tượng quản lý chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa tách bạch trách nhiệm giữa các đơn vị với nhau. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đài truyền thanh cấp huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về mặt Nhà nước, đài phát thanh và truyền hình tỉnh thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ về định hướng trọng tâm tuyên truyền, nội dung thông tin, áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất các chương trình. Ngược lại, sự phối kết hợp trong công tác quản lý giữa đài truyền thanh cấp huyện với các cơ quan cấp trên chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động và chưa linh hoạt. Khi có định hướng từ trên xuống mới thực hiện, chưa chủ động tham mưu khi có những công việc hay nội dung đột xuất, bất ngờ cần thông tin.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, một số cán bộ chưa được đào tạo về nghiệp vụ phát thanh truyền hình, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau khiến việc chuyên môn hóa chưa cao, tác phong chưa chuyên nghiệp.

Thí dụ, Đài Truyền thanh thành phố Ninh Bình, từ năm 2017 được sáp nhập về Phòng Văn hóa của Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng phòng Văn hóa không phải cán bộ được đào tạo qua chuyên ngành báo chí, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ phóng viên, phát thanh viên nhiều người chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ báo chí nên gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp, chất lượng tin bài cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Quản lý hoạt động của Đài truyền thanh cấp huyện tại Ninh Bình. Ảnh: TL

Quản lý hoạt động của Đài truyền thanh cấp huyện tại Ninh Bình. Ảnh: TL

Thứ ba, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, thiếu đồng bộ hạn chế nhiều tới chất lượng xây dựng, tiếp phát sóng các chương trình. Kinh phí đầu tư cho hoạt động còn hạn hẹp so với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đây không chỉ là thực trạng chung của hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, tỉnh tại Ninh Bình mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng gặp phải vấn đề này.

Thứ tư, các đài truyền thanh cấp huyện chưa đi sâu nghiên cứu nhu cầu thính giả để lựa chọn thông tin phù hợp. Tin, bài được thể hiện hấp dẫn, sinh động khi đáp ứng các tiêu chí: “đúng, trúng, hay”, thực sự cần thiết, gần gũi đối với người dân địa phương; những thông tin giải trí, các chương trình tương tác, tạo ra một diễn đàn hữu ích đối với khán thính giả.

Cần giải pháp mang tính chiến lược

Xác định được tầm quan trọng của công tác lãnh đạo quản lý hoạt động thông tin của đài truyền thanh cấp huyện, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cấp, các ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, đồng thời ban hành và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công tác này, cũng như công tác thông tin tuyên truyền tới đông đảo người dân. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính chiến lược.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của đài truyền thanh cơ sở như: Ban hành các cơ chế chính sách tạo sự thuận lợi trong quá trình hoạt động thông tin của đài truyền thanh cấp huyện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chủ quản cần quan tâm, hỗ trợ kịp thời về mọi mặt, định hướng nội dung, quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, các chính sách về chế độ đãi ngộ với người lao động...

Thêm vào đó là sự chỉ đạo sát sao của cán bộ quản lý trực tiếp tại các đài truyền thanh cấp huyện, chủ động tham mưu với các cấp quản lý để có giải pháp tốt nhất, xử lý nhanh gọn, hiệu quả những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, đồng thời tăng cường hiệu quả của hoạt động thông tin.

Biểu đánh giá trình độ cán bộ đài truyền thanh cấp huyện tại tỉnh Ninh Bình năm 2017-2018. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TL

Hai là, kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là yếu tố then chốt có vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động thông tin của đài truyền thanh cấp huyện. Để công tác quản lý đạt hiệu quả cần chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý.

Cụ thể, tổ chức tập huấn cung cấp các thông tin chuyên đề nâng cao nhận thức cho đội ngũ viên chức cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ viên chức cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để xây dựng chương trình phát thanh tiếng dân tộc.

Bên cạnh trình độ chuyên môn, vừa phải trang bị nhiều kỹ năng lãnh đạo quản lý, nhạy bén trong tư duy chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, chuẩn mực trong đạo đức và lối sống. Hiện nay, nhiều đơn vị chuyển đổi mô hình từ hoạt động độc lập sang sáp nhập với các trung tâm văn hóa của địa phương, điều này đòi hỏi phải quy hoạch lại đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thực chất hơn, tránh chồng chéo nhiệm vụ, nhưng vẫn thiếu nhân lực cho nhiều vị trí.

Biểu đồ đánh giá chất lượng trang thiết bị của đài truyền thanh cấp huyện tỉnh Ninh Bình năm 2017-2018. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TL

Ba là, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng. Thực trạng cơ sở vật chất nhiều đài truyền thanh cấp huyện tại tỉnh Ninh Bình đang xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hoạt động thông tin, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết cần phải trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Về việc đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện cần phải đồng bộ với các thiết bị sản xuất chương trình phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh để cung cấp các chương trình phát thanh cho Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh.

Đầu tư thiết bị lưu trữ số để phục vụ công tác thống kê, khai thác lại tin, bài, chương trình đã phát; đặc biệt, các đài truyền thanh cấp huyện cần chú trọng đầu tư trang thiết bị ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như các huyện miền núi Nho Quan, huyện ven biển Kim Sơn, các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Gia Viễn...

Tuyên truyền pháp luật bằng loa truyền thanh vẫn phát huy hiệu quả. Ảnh: TL

Bốn là, cần thực hiện các giải pháp về nguồn lực tài chính. Kế hoạch số 63 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai Quyết định 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, đài phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân và các đài truyền thanh cấp huyện đã thực hiện tương đối tốt công tác phân bổ ngân sách cho đầu tư trang thiết bị máy móc, chế độ lương, nhuận bút, công tác phí, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức của đài.

Tuy nhiên, trước thực trạng cơ sở vật chất của các đài ngày càng xuống cấp, máy móc được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ khiến chất lượng thông tin bị ảnh hưởng. Chế độ đãi ngộ đối với công nhân viên chức và người lao động còn thấp so với nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống, thu nhập bấp bênh, không khuyến khích người lao động hăng say làm việc, nhiều người thay đổi công việc hoặc nghỉ việc, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân sự và tác động xấu tới hiệu quả của hoạt động thông tin của đài truyền thanh cấp huyện.

Bởi vậy, cần có một cơ chế tài chính phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công việc cũng như mức thù lao hợp lý để đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên yên tâm công tác. Muốn vậy, mỗi đài truyền thanh cần xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế tài chính cho một năm hoạt động, đảm bảo tiết kiệm, hợp lý.

Vấn đề mấu chốt, mỗi đài truyền thanh cấp huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cần thay đổi phương thức quản lý ngân sách, có kế hoạch đổi mới chất lượng chương trình, thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của thính giả, tạo ra hoặc tăng nguồn thu từ quảng cáo và huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn khác như xã hội hóa, các đơn vị tài trợ, tiến tới tự chủ tài chính và phát triển một cách bền vững./.

PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trần Thị Thu Thảo

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quan-ly-hoat-dong-cua-dai-truyen-thanh-cap-huyen-tai-ninh-binh-n13709.html