Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Đừng là rào cản của sáng tạo

'Bộ VH-TT&DL đang quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ngày càng hiệu quả hơn'. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sau những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Quan điểm của ngành là, làm sao để việc quản lý đừng thành rào cản cho phát triển, sáng tạo.

Biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều tồn tại trong quản lý

Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn đã góp phần cho các loại hình nghệ thuật phát triển. Tuy nhiên, chính do những tác động trực diện với khán giả nên nghệ thuật biểu diễn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực và nhanh chóng đến người xem, nhất là giới trẻ. Vì vậy, việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ trung ương đến cơ sở là cần thiết và những người làm công tác quản lý cần hàng loạt công cụ là hệ thống văn bản pháp luật để điều hành. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều sự việc xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn - cơ quan thực hiện việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL cho thấy sự lúng túng, hạn chế. Đầu tháng 3-2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 với lý do thiếu thuyết phục, gây phản ứng dữ dội trong giới âm nhạc, sau đó phải thu hồi quyết định. Sự việc tiếp theo là ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay được mọi tầng lớp nhân dân hát, được sử dụng trong nhiều chương trình nghệ thuật chính thống, nhưng chưa nằm trong danh mục phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 do cục này công bố, càng làm dư luận thêm bức xúc. Và đặc biệt là sự việc mới nhất, Cục Nghệ thuật biểu diễn bất ngờ công bố phổ biến cho hơn 300 ca khúc mà nhiều tác phẩm đã có sức sống bền vững, gắn bó với vận mệnh dân tộc, với nhiều thế hệ người yêu nhạc, tạo một làn sóng phản ứng không chỉ trong giới hoạt động âm nhạc.

Không chỉ trong mảng âm nhạc, giới hoạt động sân khấu gần đây cũng ngỡ ngàng và hoang mang khi tiếp nhận thông báo của các cơ quan quản lý rằng, cần xin phép lại nếu muốn diễn tiếp một vở, bởi giấy phép cho một chương trình sân khấu chỉ có hiệu lực trong một năm. Căn cứ được lý giải là vì điều này được quy định tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Trước khi có Nghị định này, vở diễn chỉ cần xin cấp phép một lần và có giá trị vô thời hạn. Nay, dù vở diễn không thay đổi nội dung vẫn phải xin giấy phép diễn hằng năm. Đành rằng Nghị định do Chính phủ ban hành, song không thể không đặt câu hỏi về chất lượng tham mưu về lĩnh vực chuyên ngành các cấp mà cụ thể là cơ quan quản lý trực tiếp về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sao cho sát hợp với thực tiễn cuộc sống.

Nhiều năm quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng, có nhiều quy định trong hoạt động biểu diễn gây khó cho cả người biểu diễn, tổ chức biểu diễn và người quản lý. Chẳng hạn, có chương trình đã được cấp phép biểu diễn rồi nhưng nếu muốn thay đổi, thêm tiết mục, hoặc phải thay nghệ sĩ vì lý do bất khả kháng thì đơn vị tổ chức lại phải làm hồ sơ xin phép từ đầu. Điều này rất mất thời gian và có thể khiến hoạt động biểu diễn không thể diễn ra như ấn định, không chỉ thiệt hại cho nhà tổ chức, mà còn ảnh hưởng đến khán giả. Nghệ sĩ nước ngoài đến địa phương phải xin phép hai lần từ cấp thành phố đến cấp sở mới được biểu diễn…

Tạo thuận lợi cho nghệ sĩ cống hiến

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: Nghệ sĩ là những người có sứ mệnh và khao khát cống hiến nghệ thuật, làm đẹp cho cuộc sống. Trong quá trình hoạt động, họ rất mong được cổ vũ, động viên. Thế nhưng, những rào cản, nhiêu khê đôi khi gặp phải, ít nhiều làm họ nản chí, giảm nhiệt huyết. “Nguyện vọng lớn nhất của giới hoạt động nghệ thuật là những văn bản pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực này được hoàn thiện, theo kịp với sự phát triển của đời sống và nhu cầu của xã hội” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết.

Đứng ở cương vị người quản lý, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện đã lạc hậu so với thực tế. Cụ thể như Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL ngày 28-1-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL ngày 19-10-2016 sửa đổi một số điều của Thông tư số 01/ 2016/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL ngày 24-3-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, các quy định về thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… đều cần sửa đổi theo hướng đơn giản, chặt chẽ, phân cấp quản lý phù hợp và tạo điều kiện để phát triển nghệ thuật biểu diễn.

Sau khi xảy ra một loạt những sự việc gây phản ứng của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL đã chuyển ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn về làm việc tại Văn phòng bộ, đồng thời giao NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn. Theo NSND Vương Duy Biên, mục tiêu của việc quản lý nhà nước là để làm cho ngành, lĩnh vực phát triển. Nghệ sĩ và giới hoạt động nghệ thuật là những người đặc biệt nhạy cảm. Nếu chịu sức ép vô hình nào đó, họ sẽ khó hưng phấn trong sáng tạo nghệ thuật. Do vậy, công tác quản lý phải linh hoạt, thông thoáng, văn minh, đem lại thuận lợi cho họ tận sức cống hiến.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, trước tiên ông sẽ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, công tác tham mưu, điều hành, thực thi pháp luật của Cục, nhất là năng lực của cán bộ, đồng thời xem xét, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay.

Hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật luôn đòi hỏi một bầu không khí lành mạnh, thoải mái để nghệ sĩ có thể thăng hoa, cống hiến những tác phẩm hay cho cuộc đời. Đó chính là điều các nhà quản lý cần lưu tâm và có trách nhiệm phải hướng tới. Trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm phục vụ cá nhân và tổ chức thuận lợi, thông thoáng nhất, thì hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật càng không thể đứng ngoài!

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/870832/quan-ly-hoat-dong-bieu-dien-nghe-thuat-dung-la-rao-can-cua-sang-tao