Quản lý hình ảnh trẻ em trên sóng truyền hình để bảo vệ quyền trẻ em

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩnCông ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, xây dựng và ban hành khung pháp lýtương đối toàn diện để ghi nhận và bảo đảm thực thi các Quyền của trẻ em. Truyềnthông, báo chí tại Việt Nam trong đó báo truyền hình có vai trò vô cùng quan trọng tronglĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em.

Quản lý hình ảnh trẻ em trên sóng truyền hình để bảo vệ quyền trẻ em

Quản lý hình ảnh trẻ em trên sóng truyền hình để bảo vệ quyền trẻ em

Hình ảnh trẻ em trên truyền hình

Nhận thức được vai trò của mình trong việc truyền tải các thông điệp về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phát huy các quyền trẻ em, các đài truyền hình như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình kĩ thuật số VTC, Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam VOV.TV, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh HTV... đã xây dựng các kênh truyền hình riêng biệt dành cho trẻ em và giới trẻ như: kênh VTV6 (Kênh truyền hình Thanh thiếu niên), VTV7 (Kênh truyền hình giáo dục), BiBi TV; VTC11 (Kênh truyền hình thiếu nhi và gia đình).

Cùng với đó, các chương trình tư vấn về phương pháp chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ: kỹ năng bảo vệ con trước các nguy cơ xâm hại tình dục; quy trình can thiệp khi trẻ bị xâm hại, lạm dụng; kỹ năng mềm, xử lý tình huống; tâm sinh lý của trẻ khi trẻ dậy thì; giáo dục giới tính; hỗ trợ, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như: Vì trẻ em, Cặp lá yêu thương, Vì tầm vóc Việt…

Trong đó, chương trình Vì trẻ em ra đời từ tháng 2/1999 là một hành động cụ thể và kịp thời cho mục đích phản ánh việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (1991 – 2000). Hiện nay, chương trình Vì trẻ em đã được phát sóng đều đặn 1 tuần một chương trình vào chiều thứ 5 trên kênh VTV1 thực sự là cầu nối cung cấp kiến thức để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ cho các gia đình và toàn xã hội.

Cần coi trọng vai trò của truyền hình trong việc quản lý hình ảnh và bảo vệ quyền trẻ em

Những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư làm ra các chương trình dạng trò chơi trên truyền hình (gameshow) vừa để giải trí, vừa dạy trẻ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, Trẻ em luôn đúng, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Thành phố đảo ngược, Cố lên con yêu… Những gameshow này đã góp phần vào việc giáo dục kỹ năng sống cho cả khán giả nhí, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự lập và vững vàng, rèn luyện thể chất, làm phong phú vốn sống, thu nạp kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ, kết nối tình cảm gia đình… đúng nghĩa “vừa chơi vừa học”.

Tuy nhiên, việc đưa tin, xây dựng các chương trình dành cho trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí và truyền thông. Vì đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nên đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm hại trẻ em thay vì bảo vệ trẻ em.

Thực tế, không ít những bài báo, phóng sự, sản phẩm truyền hình đã vô tình hay cố ý vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ khi đưa tin bằng việc sử dụng ngôn ngữ thiếu tính nhạy cảm hay hình ảnh thiếu tính chọn lọc. Điều này đã gây tác động rất lớn đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt, sự bùng nổ của các gameshow truyền hình dành cho trẻ em tuy tạo ra được sân chơi cho các bé, nhưng các gameshow nhí cũng khiến nhiều người lo ngại vì các em nhỏ có thể bị chín ép về tài năng, đánh mất tuổi thơ, ảnh hưởng tâm lý khi phải lao vào những cuộc chơi thắng thua…

Mạng xã hội là kênh tương tác hiệu quả đặc biệt đối với trẻ em trong xu thế truyền thông hiện nay

Để truyền thông hiệu quả trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Một là, hoàn thiện, tăng cường giáo dục pháp luật và nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và vận hành hệ thống bảo vệ quyền trẻ em phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và nhận thức về quyền trẻ em bao gồm: Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; Luật Trẻ em (2016)... đến các bậc phụ huynh, nhà trường xã hội để mọi người chung tay bảo vệ, ngăn chặn, lên án các hành vi, vi phạm xâm hại đến quyền lợi của trẻ.

Hai là, các cơ quan chức năng cần coi trọng vai trò của truyền hình trong việc quản lý hình ảnh và bảo vệ quyền trẻ em. Các cơ quan quản lý báo chí, truyền hình cần đầu tư cho các đài truyền hình tiến hành các hoạt động truyền thông bên lề, như các chương trình giáo dục, giải trí cho trẻ, khuyến khích trẻ tham gia công tác xã hội, các chương trình kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống và giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cần đẩy mạnh tập trung xây dựng các chương trình dành cho trẻ em, trong đó tập trung vào việc bảo vệ và giáo dục trẻ em

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp viết báo về trẻ em và quản lý hình ảnh trẻ em cho đội ngũ phóng viên, nhà báo và quay phim. Kỹ năng làm báo cho trẻ em có sự khác biệt cơ bản với kỹ năng làm báo cho các đối tượng khác, đó là khả năng và cách thức nhà báo xác định đề tài, chủ đề và cách khác biệt khi tiếp cận trẻ em để khai thác thông tin. Quá trình giao tiếp, phỏng vấn và thu thập thông tin từ trẻ em đòi hỏi phải có sự hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, biết dành thời gian và có phương pháp khai thác thông tin phù hợp. Quá trình thể hiện tác phẩm báo chí về trẻ em, cho trẻ em... ở mỗi loại hình báo chí khác nhau cũng cần có kỹ năng sử dụng ngôn từ và hình thức thích hợp với tâm lý lứa tuổi, nhận thức và thể hiện sự tôn trọng trẻ em.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có một chuyên ngành đào tạo báo chí chuyên biệt dành cho trẻ em. Do đó, các đài truyền hình cần tự tổ chức hoặc liên kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở các lớp kỹ năng viết báo về trẻ em cho đội ngũ phóng viên/nhà báo của mình. Ngoài ra trong môi trường truyền thông số hiện nay, mỗi phóng viên/nhà báo cần tự trang bị cho mình thêm nhiều kĩ năng khi tác nghiệp như vừa biết quay, dựng, viết kịch bản, lên ý tưởng khi đưa tin về trẻ em.

Xây dựng các chương trình talkshow, diễn đàn để các nhà báo/phóng viên viết về đề tài trẻ em trao đổi kinh nghiệm; đồng thời có thể trực tiếp kết nối, tiếp thu ý kiến từ các khán giả thông qua các tổng đài chương trình/ mạng xã hội.

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, phát triển các kênh, chương trình truyền hình riêng biệt cho trẻ em. Các kênh, chương trình chuyên biệt cho trẻ em chủ yếu tập trung ở các Đài Truyền hình lớn, do đó thời gian tới các đài cần đẩy mạnh tập trung xây dựng các chương trình dành cho trẻ em, trong đó tập trung vào việc bảo vệ và giáo dục trẻ em. Xã hội hóa truyền hình, kết hợp giữa các cơ quan báo chí với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để làm các chương trình cho trẻ. Tăng cường sự liên kết, phối hợp, chia sẻ giữa các đài truyền hình trong việc sản xuất các chương trình.

Hoàn thiện, tăng cường giáo dục pháp luật và nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Năm là, tăng tần suất, thời lượng phát sóng và đa dạng hóa hình thức thể hiện. Để phát huy hiệu quả truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ quyền trẻ em, truyền hình cần đẩy mạnh số lượng tin/bài hơn nữa; đồng thời đa dạng hóa các hình thức thể hiện một cách hợp lý: Phóng sự, tin bài, talkshow, hoạt cảnh, chương trình âm nhạc, gameshow; phim truyện dành riêng cho trẻ em... Thời gian phát sóng cũng cần phải lựa chọn, sắp xếp một cách hợp lý vừa thu hút được trẻ em, phụ huynh xem đài vừa không ảnh hưởng đến việc học hành, sinh hoạt, nghỉ ngơi của trẻ và cha mẹ.

Nội dung của các chương trình cần phải tập trung vào việc tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ và phụ huynh; phản ánh các vụ việc vi phạm, xâm hại đến trẻ em...

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất các chương trình truyền hình và gia tăng các phương thức tương tác với công chúng nhất là công chúng trẻ em. Các đài truyền hình hiện đang có những chuyển biến tích cực về công nghệ, nhất là đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng kỹ thuật sản xuất chương trình, góp phần thay đổi chất lượng các chương trình truyền hình trở nên hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, đài truyền hình nên tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ cho công tác sản xuất chương trình.
Ngoài việc ứng dụng các phương thức tương tác đã có, đồng thời bổ sung thêm các phương thức truyền thông mới theo yêu cầu thị hiếu, phù hợp với điều kiện tiếp nhận của công chúng, cũng là vấn đề then chốt để những thông điệp về bảo vệ trẻ em đạt được hiệu quả cao. Trong đó, mạng xã hội là kênh tương tác hiệu quả đặc biệt đối với trẻ em trong xu thế truyền thông hiện nay.

Nhìn chung, truyền hình về trẻ em có những yêu cầu riêng phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý của trẻ. Bên cạnh đó, các yếu tố như văn hóa, truyền thông, pháp luật, quan niệm… trong việc đối xử với trẻ em cũng cần có những quy định, đòi hỏi người làm báo cần năng động, linh hoạt để nắm bắt kịp thời./.

Nguyễn Văn Thắng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quan-ly-hinh-anh-tre-em-tren-song-truyen-hinh-de-bao-ve-quyen-tre-em-n22250.html