Quản lý hiệu quả các dự án để bảo vệ rừng

Thời gian qua, có tình trạng một số địa phương giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng còn thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án cũng không theo quy hoạch gây hậu quả lâu dài, nghiêm trọng…

Dự án… phá rừng

Hiện, cả nước có 60 trong số 63 tỉnh, thành phố có rừng. Hầu như địa phương nào cũng có các dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, như quy định cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên; yêu cầu tổ chức rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện; tạm dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện tác động và ảnh hưởng đến rừng; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng…, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ, toàn diện. Trong 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm tới 89% tổng diện tích rừng bị giảm. Mới đây, kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp (14-7-2017), về việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên cho thấy ở địa phương này, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng xảy ra tại nhiều nơi. Công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tại Phú Yên, giai đoạn 2012 - 2017 có 41 dự án với tổng diện tích đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng là 807,57 ha, trong đó có 53,34 ha rừng đặc dụng, 283,98 ha rừng phòng hộ và 470,25 ha rừng sản xuất. Đáng lưu ý, tại thời điểm thanh tra, có hai dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích rừng là dự án hầm đường bộ Đèo Cả và dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, nhưng nhà đầu tư đã chuyển đổi hàng chục héc-ta rừng sang mục đích khác. Cùng với việc đề nghị dừng một số dự án, Tổng cục Lâm nghiệp cũng kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.

Từ năm 2013 đến nay, tại tỉnh Bình Phước có 27 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích gần 1.300 ha, trong đó có sáu dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao-su với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Về các dự án trồng cây cao-su, tỉnh cho biết, hiện cây cao-su chậm phát triển, năng suất mủ thấp. Tại tỉnh Bình Định, số lượng dự án chuyển đổi diện tích rừng đã được phê duyệt từ năm 2012 đến nay là 67 dự án với tổng diện tích chuyển đổi gần 713 ha. Trong đó, có 165 ha rừng tự nhiên, 333 ha diện tích rừng trồng và 213 ha diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Tại tỉnh Cà Mau, tính từ năm 2006 đến tháng 9-2017, có tổng số 42 dự án với tổng diện tích rừng phải chuyển đổi hơn 825 ha, trong đó, diện tích rừng phải trồng thay thế là 755 ha, đến nay mới trồng được 473 ha…Tại tỉnh Đác Lắc, để hạn chế chuyển đổi đất rừng, tỉnh đã kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, gây thiệt hại đến rừng tự nhiên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Nguyễn Hải Ninh cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt, toàn tỉnh có 22 công trình và 79 điểm có tiềm năng thủy điện với công suất lắp đặt tương ứng là 190,76MW. Đến năm 2014, tỉnh đã loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ là 13 trong số 22 công trình và 71 trong số 79 điểm có tiềm năng thủy điện, đồng thời tiếp tục rà soát hai dự án là Ea Ral công suất 6,5 MW và Buôn Bra công suất 7,5 MW. Tỉnh cũng đã không chấp thuận xây dựng thủy điện Đrăng Phốk do phải chuyển đổi hơn 60 ha rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Theo Bộ NN và PTNT, hiện nay chủ đầu tư nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường, điển hình như Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam và Dự án đầu tư Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (thuộc tỉnh Phú Yên). Ở nhiều nơi, việc thực hiện các dự án chuyển đổi đất rừng không đúng quy định của Chính phủ, sai quy hoạch, dẫn đến hệ lụy xấu. Trong đó, nhiều nhất là những sai phạm tại các dự án trồng cao-su những năm trước vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng quan tâm là một số nơi có biểu hiện vì lợi ích trước mắt, cục bộ địa phương gây hậu quả nghiêm trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững…

Kiểm soát chặt chẽ các dự án

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh chỉ đạo rà soát nghiêm túc, báo cáo các dự án cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng cho mục đích quốc phòng, an ninh; các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cần thiết; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để xảy ra vi phạm như tại một số địa phương trong thời gian qua. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Chỉ đạo, giải quyết vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã hoàn thành; không giải quyết ngoại lệ về miễn, giảm, chậm thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế đối với dự án mới. Đồng thời, tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng. Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.

Để tạo điều kiện cho các địa phương có kinh phí nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, những năm qua, ngân sách T.Ư đã giải quyết hỗ trợ cho 12 tỉnh có rừng trọng điểm với tổng kinh phí trong ba năm (2014-2016) là gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác đầu tư này không thu được kết quả như mong muốn, khi tiền ngân sách vẫn được cấp mà rừng nhiều nơi vẫn bị tàn phá.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng được Chính phủ chỉ đạo rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc; dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, trường hợp đặc biệt, cấp thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đóng cửa rừng tự nhiên là một chủ trương lớn, cần được tiến hành đồng bộ ở cả ba lĩnh vực: chấm dứt khai thác chính gỗ rừng tự nhiên; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; tăng cường các biện pháp chống phá rừng trái pháp luật. Muốn vậy, cùng với các giải pháp khác, việc quản lý hiệu quả các dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cần được thực hiện một cách nghiêm minh, đồng bộ, có quy hoạch và tầm nhìn chiến lược. Có như thế, rừng mới được quản lý và bảo vệ một cách hiệu quả, bền vững.

Theo báo cáo của 58 tỉnh, thành phố, trong giai đoạn 2012-2017, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276 ha ở 1.892 dự án; trong đó: rừng tự nhiên 18.931 ha, rừng trồng 15.821 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 3.524 ha.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

VŨ THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34757802-quan-ly-hieu-qua-cac-du-an-de-bao-ve-rung.html