Quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa để không tạo gánh nặng lên môi trường

Uớc tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019 với chủ đề “Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phảm tốt hơn”, do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, Hiệp Hội thương mại Mỹ tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ cho hay, ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Việt Nam đã tạo ra hơn 2 triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2017. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.

Hiện cả nước có 11.500 tiêu chuẩn, 800 quy chuẩn quốc gia trong tất cả các lĩnh vực, riêng về thực phẩm, đồ uống có gần 2000 tiêu chuẩn và trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng tiêu chuẩn mới phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn Việt Nam để quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn.

TS Phạm Hoàng Hải, VCCI cho rằng, nhựa tồn tại xung quanh ta, toàn thế giới sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa, một nửa các sản phẩm nhựa đều được sản xuất với mục đích dùng một lần, và chỉ có 7% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, các chất thải rắn đều đưa ra chôn lấp, nhưng chưa đạt yêu cầu, còn rò rỉ ra môi trường.

Diễn đàn thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019

Diễn đàn thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019

Dẫn số liệu mới chỉ 7% chất thải nhựa được đưa vào tái chế, ông Hải lý giải, vì tái chế rất phức tạp chứ không đơn giản, để tái chế phải thu gom, làm sạch, cùng loại mới tái chế được và thế giới cũng chưa xây dựng được thị trường sử dụng nhựa tái chế. Đây là điều cả thế giới đau đầu, không riêng Việt Nam. Còn nếu muốn biến rác thải thành điện thì nhiệt độ phải từ 400 độ C thì mới sinh ra điện, nhưng đồng thời ở nhiệt độ này cũng sẽ thải ra chất độc vào không khí.

“Một nước duy nhất có khả năng tái chế và nhập khẩu rác thải nhựa là Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã cấm toàn bộ việc nhập khẩu rác thải nhựa, Ấn Độ, Malayxia cũng chấm dứt nhập khẩu rác thải nhựa, vậy rác nhựa đi đâu?”, ông Hải nói.

Thực tế, theo ông Hải, tại Việt Nam, tất cả rác thải nhựa có giá trị, thì 100% đã được tái chế, sơ chế và chyển sang Trung Quốc, còn lại là khó tái chế, khó phân tách, ít giá trị. Để tái chế, phải có thị trường tiêu thụ rác thải nhựa tái chế, xây dựng được hệ thống quản lý để thu gom.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận, đã đến lúc DN không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần áp dụng mô hình vòng kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Trong nhiều thập kỷ, bao bì thực phẩm và đồ uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, và việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo thành gánh nặng lên môi trường chính là một vấn đề phức tạp.

Điều này đòi hòi cách tiếp cận toàn diện và cam kết từ tất cả các bên liên quan trong khu vực công và tư, từ xây dựng kung chính sách, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, đối mới công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác công tư.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam nhìn nhận khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng, cùng với sự gia tăng về thu nhập, sức mua và nhu cầu với những thị trường thực phẩm và đồ uống mới, các vấn đề về tính bền vững và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-ly-hieu-qua-bao-bi-chat-thai-nhua-de-khong-tao-ganh-nang-len-moi-truong-171360.html