Quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình: Siết chặt hay hậu kiểm?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, một số quy định trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, được sửa theo hướng siết chặt và chưa phù hợp trong điều kiện mới...

Khai mạc triển lãm ảnh “Những người làm truyền hình” "Nhà đài" đối đầu công ty truyền thông

Ý kiến nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, quy định "Tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng internet không thấp hơn 30%" (Điểm d, Khoản 3, Điều 21 của dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP - gọi tắt là dự thảo nghị định) là không khả thi.

Theo ông Vũ Tú Thành (Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam), quy định này chỉ nên áp dụng với các kênh truyền hình truyền thống, chứ không thể áp dụng với truyền hình OTT (truyền hình trên mạng internet).

Theo phân tích, về bản chất, trong khi truyền hình truyền thống có khung giờ và lịch phát sóng cố định trong 24 giờ thì truyền hình OTT hoạt động trên môi trường mạng, không chỉ dừng ở 24 giờ mà có hàng triệu giờ phát sóng, được cập nhật liên tục. Để đáp ứng được quy định này, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước phải tự sản xuất được nội dung với sự tăng trưởng đột biến; hoặc sẽ phải giảm nội dung khai thác từ các chương trình nước ngoài...

“Tôi cho rằng quy định này thể hiện ý chí cố gắng muốn quản lý với dịch vụ truyền hình OTT. Song, giữa OTT và truyền hình truyền thống khác nhau cơ bản về mô hình kinh doanh, về quá trình vận hành, nên nếu áp dụng, sẽ gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp và thiệt thòi cho người xem; đồng thời cũng là một thách thức trong quản lý. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu áp dụng theo thông lệ quốc tế trong quản lý truyền hình OTT” - ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Khương, đại diện Viettel TV cho rằng, nếu chương trình trong nước hay, hấp dẫn, tự bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng dịch vụ này để đưa đến khách hàng và thị trường sẽ quyết định. Nhưng, nếu chương trình trong nước không hay, không phù hợp với thị hiếu của khách hàng, thì dù có được cung cấp cũng không được xem, trong khi đó quyền lợi của khách hàng lại bị ảnh hưởng vì phải thu hẹp phạm vi chương trình.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tuần qua đã gửi văn bản góp ý đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị Ban Soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng khuyến khích cung cấp chương trình trong nước trên OTT chứ không nên quy định cụ thể về tỷ lệ.

Về biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trong dự thảo nghị định, tại Khoản 2, Điều 19 quy định: “Biên dịch 100% các chương trình phóng sự, phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, truyền hình thực tế và trò chơi truyền hình trên các kênh khác và trên dịch vụ theo yêu cầu, trừ các chương trình phóng sự trực tiếp trên kênh tin tức”.

Theo ý kiến của một số “nhà đài”, quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet sẽ gây khó khăn cho họ, vì các chương trình được cung cấp trên dịch vụ dạng này có số lượng lớn, nếu phải biên tập với tỷ lệ 100% sẽ mất một chi phí khá lớn.

Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, thì việc biên dịch chương trình nước ngoài do đơn vị có giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài thực hiện và đơn vị có giấy phép này là các cơ quan báo chí.

Như vậy, liệu các cơ quan, đơn vị báo chí đó có đủ năng lực để biên dịch số lượng lớn các chương trình với nhiều ngôn ngữ khác nhau? Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ban Soạn thảo nên cân nhắc lại quy định về tỷ lệ tối đa các chương trình phải được biên dịch.

Đánh giá chung về dự thảo nghị định, các chuyên gia cũng cho rằng, một số sửa đổi sẽ tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và là rào cản cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chuyển hướng quản lý sang hậu kiểm sẽ đem lại hiệu quả hơn và phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình: Siết chặt hay hậu kiểm?

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/923057/quan-ly-dich-vu-phat-thanh-truyen-hinh-siet-chat-hay-hau-kiem