Quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại Thủ Đức, Bình Chánh: Nhiều vi phạm

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 98/KL-TTTP-P7 và số 100/KL-TTTP-P4 về công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức.

Theo đó, cơ quan thanh tra kết luận nhiều sai phạm tại 2 địa bàn trên.

Nhiều sai phạm về công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức được Thanh tra TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Nhiều sai phạm về công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức được Thanh tra TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ.

Bình Chánh: Vi phạm trật tự xây dựng, có dấu hiệu đầu cơ mua bán đất

Theo Kết luận Thanh tra số 98/KL-TTTP-P7, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 01/2016 đến tháng 03/2020, phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019, UBND huyện Bình Chánh đều chậm gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm đến Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh để tổ chức thẩm định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Bình Chánh còn thấp so với các chỉ tiêu được UBND thành phố phê duyệt. Nhiều dự án, việc giải phóng mặt bằng còn kéo dài, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế, do đó phát sinh khiếu nại của người dân.

Việc giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở có diện tích lớn trên 1.000m2 còn có nhiều sai sót như: Thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo Thông tư số 30/2014 của Bộ TNMT. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh ghi nhận giao thông, hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở tách thửa đất số 557, tờ bản đồ số 05, thành 9 thửa đất ở, là không đúng thực tế giao thông tại khu đất, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để kết nối được hạ tầng hiện hữu và hạ tầng kỹ thuật chung.

Việc tách thửa đất ở trên tạo áp lực rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật chung, dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đông người; gây khó khăn trong công tác xem xét cấp phép xây dựng, công tác xử lý, giải quyết nhu cầu xây nhà ở cho người dân và công tác quản lý hạ tầng, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh ban hành thông báo về việc thực hiện thủ tục đăng ký biến động “giải quyết nếu trang 4 của Giấy chứng nhận đã hết chỗ điều chỉnh trong khung nhưng còn chỗ để điều chỉnh ngoài khung” (văn bản năm 2018) là không có cơ sở, chưa có văn bản chấp thuận của Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh. Không thống nhất cách giải quyết của các quận (huyện) thuộc thành phố, không có căn cứ quy định pháp luật hiện hành và không đúng quy định tại Thông tư số 23 của Bộ TNMT.

Đối với công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, huyện Bình Chánh chậm thực hiện phân loại công trình vi phạm đối với lĩnh vực đất đai, không kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm đất đai.

Đối với vi phạm về trật tự xây dựng, còn nhiều phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ mua bán đất. Việc phối hợp kiểm tra giữa huyện và 16 xã, thị trấn và Thanh tra xây dựng chưa đồng bộ. Không kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai dẫn đến việc gây áp lực lớn cho hạ tầng khi hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp.

Văn phòng ĐKĐĐ quận Thủ Đức chịu trách nhiệm chính việc chuyển mục đích sử dụng đất

Kết luận thanh tra số 100/KL-TTTP-P4 do Phó Chánh Thanh tra TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Kiến Quốc ký ngày 28/8/2020 về việc thanh tra toàn diện công tác quản lý sử dụng đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức giai đoạn 2016-2019 chỉ ra nhiều sai phạm tại quận này.

Cụ thể, việc lập và trình UBND TP. Hồ Chí Minh duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện chậm tiến độ theo quy định. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm (2016 - 2018) đối chiếu với chỉ tiêu đất ở đô thị không phù hợp và tăng cao so với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận.

Việc thêm “kế hoạch hiệu chỉnh theo kết quả kiểm kê” để so sánh đánh giá kết quả thực hiện trong năm, không đánh giá kết quả thực hiện so với kế hoạch được duyệt là không chính xác và không đúng quy định tại Thông tư 29/2014 của Bộ TNMT dẫn đến không kiểm soát được số liệu tăng giảm.

Vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đảm bảo khả năng thực hiện quy hoạch đến năm 2020 như: diện tích đất nông nghiệp vẫn còn khoảng 473ha chưa có kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích đất phát triển hạ tầng còn thiếu khoảng 274ha…

Cũng liên quan đến quận Thủ Đức, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh thông tin: UBND quận không thực hiện đúng nguyên tắc thống kê, kiểm kê (không đảm bảo tiến độ thống kê hàng năm; có biến động số liệu nhưng không ghi nhận nguyên nhân); chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc thực hiện biểu kiểm kê diện thích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất khác với hồ sơ địa chính.

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những sai phạm tại quận Thủ Đức trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa… như: Năm 2016, 2017 còn trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở) nhưng không đăng ký nhu cầu xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc tách thửa đất tại quận này chưa đảm bảo tính pháp lý hình thành đường giao thông; việc giải quyết hồ sơ tách thửa còn trường hợp không phù hợp quy hoạch đô thị (25 trường hợp), không thực hiện việc xin ý kiến thỏa thuận về quy hoạch kiến trúc đô thị của Sở Quy hoạch kiến trúc TP. Hồ Chí Minh trước khi cho phép tách thửa.

Cơ quan Thanh tra xác định nhiều sai phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thủ Đức, Phòng TNMT, Chi cục Thuế, UBND các phường có liên quan và Phó chủ tịch UBND quận phụ trách đô thị chịu trách nhiệm chính để xảy ra những thiếu sót, vi phạm khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đảm bảo quy định pháp luật. Chủ tịch UBND quận Thủ Đức có trách nhiệm với vai trò người đứng đầu..

Lại Hùng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/quan-ly-dat-dai-va-trat-tu-xay-dung-tai-thu-duc-binh-chanh-nhieu-vi-pham-post37605.html