Quản lý dân cư 4.0

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến người dân về việc giữ hay bỏ sổ hộ khẩu giấy có từ thời bao cấp. Có hai lựa chọn để người dân cho ý kiến, đó là 'giữ nguyên hiện trạng' hoặc thay đổi quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Bộ Công an khẳng định, nếu người dân đồng thuận với việc quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia thì hàng năm sẽ tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng bao gồm chi phí in, cấp sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính 'ăn theo' quyển hộ khẩu

Theo thuyết trình của Bộ Công an, nếu giữ sổ hộ khẩu như hiện nay sẽ không cần phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành quy định về các thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân, nên Nhà nước cũng không phải lo kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật. Song, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí cho các giao dịch và thủ tục hành chính có liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cùng với đó, Nhà nước cũng vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú...

Còn nếu quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú. Hiện, công dân khi tham gia các giao dịch hoặc thủ tục hành chính phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh... Khi quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ không còn phải mang theo các loại giấy tờ đó nữa.

Đơn cử, khi công dân thực hiện giao dịch về nhà đất như cho, tặng, chuyển nhượng... chỉ cần mang theo căn cước công dân, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân là các cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ công đã có thể truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để giải quyết mà không cần thu bất cứ giấy tờ chứng thực nào. Từ việc không phải in sổ hộ khẩu, tờ khai, tiết giảm các loại giấy tờ công chứng, chứng thực sẽ không bị lãng phí số tiền mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công an cho rằng, quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân là xu thế tất yếu hướng tới Chính phủ điện tử...

Một tiện ích khác cũng nhìn thấy rõ, đó là việc sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành. Ví dụ, khi có mã số định danh cá nhân của mỗi người, bảo hiểm xã hội sẽ lấy số đó làm căn cứ để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó hàng năm sẽ không bị lãng phí hàng trăm tỷ đồng nếu không phải chi trả cho việc nhập dư liệu bảo hiểm (10.000 đồng/tờ khai, nếu 20 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 200 tỷ đồng).

Hoặc một ví dụ khác cũng hết sức thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân. Đó là khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thành, mỗi công dân đi khám bệnh sẽ không cần mang theo y bạ, không cần phải tả cho bác sĩ tiền sử bệnh tật, đã từng uống thuốc gì..., bởi tất cả những thông tin đó đều đã có trong dữ liệu dân cư của mỗi người. Người bệnh thậm chí không phải thực hiện lại các xét nghiệm, chụp, chiếu hết sức tốn kém bởi các bác sĩ phải có trách nhiệm tra cứu những thông tin đó từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân của mỗi người.

Hay khi một người vi phạm Luật Giao thông, lực lượng chức năng chỉ cần xác định được biển số xe qua camera sau đó truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nắm rõ “chân tơ kẽ tóc” chủ phương tiện, nào là người này ở đâu, làm gì, vi phạm giao thông mấy lần, có tiền sử vi phạm pháp luật không... Khi đã biết rõ thông tin về chủ phương tiện thì còn lo gì việc “phạt nguội” không đạt hiệu quả? Trong trường hợp chủ phương tiện cố tình chây ỳ không chịu nộp phạt thì cơ quan chức năng thực hiện việc cưỡng chế thi hành cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Nhiều người nói vui, việc quản lý dân cư thông qua mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia là phương pháp quản lý dân cư 4.0, bởi những tiện ích hết sức hiện đại. Vẫn biết quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là hết sức tiên tiến, nhiều ưu điểm, tiện lợi cho cả người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế được lãng phí không cần thiết hàng năm... nhưng vấn đề ở chỗ việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia đòi hỏi phải đồng bộ, tốn nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Song, dư luận xã hội đang kỳ vọng lời khẳng định của Bộ Công an là tới năm 2020 cơ sở dữ liệu quốc gia đã có thể đáp ứng việc quản lý dân cư để bỏ hẳn sổ hộ khẩu.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/quan-ly-dan-cu-40-tintuc420329