Quản lý chưa tính hết sự phát triển các dự án điện mặt trời

Việc quy hoạch điện, năng lượng, nhất là đối với nguồn năng lượng tái tạo, thiếu tầm nhìn, khiến hệ thống lưới điện quốc gia bị quá tải.

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, trả lời Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) về tình trạng có hay không vỡ quy hoạch điện mặt trời trong Quy hoạch điện VII, khi quy hoạch năm 2020 đặt mục tiêu là 850 MW và 1200 MW tới 2030, nhưng công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu, với 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận là có tình trạng này.

Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai)

Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai)

Quy hoạch điện chưa lường hết sự phát triển của năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2017 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải tỏa hết công suất, ở mức 30-40%.

Đối với câu hỏi về “mức giá 9,35 cent/1KW trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác” của đại biểu đoàn Lào Cai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không đồng tình với nhận định này.

“Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019. Đây là một mức ưu đãi như chúng ta đã nói là rất thuận lợi, tạo điều kiện đủ mạnh để cho các nhà đầu tư tạo những cơ sở ban đầu trong phát triển điện mặt trời và làm cơ sở cho phát triển điện sạch và điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Tư lệnh ngành Công Thương cho biết mức giá này trên cơ sở phối hợp với tư vấn quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

“Khi ban hành Quyết định 11, nước ta cũng đối mặt nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên điện mặt trời là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Thực tế tới 30/6/2019, khi Quyết định 11 hết hiệu lực đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Vướng mắc do còn độc quyền trong truyền tải điện

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết một khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật. Đó là nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện để đảm bảo cho việc nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

“Với nguồn lực rất hạn chế của ngân sách nhà nước và cũng như nguồn lực của Tập đoàn Điện lực quốc gia EVN, việc đầu tư, nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hệ thống truyền tải điện còn chậm. Vì vậy, dù cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ xin đề xuất bổ sung hơn 15 dự án liên quan đến hệ thống đường dây và cũng như đường truyền ở các cấp độ từ 220 KV cho đến 110 KV và các dự án liên quan đến các trạm biến áp. Tuy nhiên, việc này đã không kịp triển khai để phục vụ việc phối hợp, tiếp nhận các nguồn công suất mới để đảm bảo cho việc giải tỏa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sắp tới, trong đầu năm 2020, Việt Nam có khả năng nâng cao hơn nữa khả năng giải tỏa công suất lên tới 67%, thay vì 30-40% như hiện nay.

“Đến cuối năm 2020 và những năm sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ có điều kiện pháp lý để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là đường dây, kể cả đường dây 500 KV cho tư nhân đầu tư, mà vẫn đảm bảo được việc độc quyền nhà nước truyền tải điện. Qua đó, giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện, nhất là điện mặt trời và đáp ứng yêu cầu về điện, cân đối và cung cầu điện cho tương lai”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tiếp tục thu hút tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực năng lượng

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi: “Trong điều kiện vốn nhà nước có hạn Bộ trưởng có cơ chế để tư nhân bỏ vốn đầu tư hệ thống truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vận hành vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước theo quy định hiện nay không?”.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận)

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành những cơ chế, chính sách mới có sự đồng bộ hóa và tự động hóa đảm bảo sự phát triển bền vững của năng lượng nói chung cũng như là năng lượng mặt trời ở tại Việt Nam.

“Mặt khác nữa, tới đây chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng để cho phép thực hiện cơ chế là PPA, tức là cơ chế bán điện trực tiếp từ các doanh nghiệp đầu tư cho điện mặt trời, cho các khách hàng, đặc biệt là khách hàng công nghiệp ở trong các trung tâm. Đây chính là một cơ chế để giúp cho chúng ta tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, nhất là thị trường bán lẻ cạnh tranh sắp tới và để chúng ta chính thức sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, các dự án điện mặt trời được đề xuất đã lên đến gần 33.000 MW (trong đó đã được bổ sung quy hoạch khoảng 10.300MW).

Nhưng đây cũng là loại hình nguồn điện có tính bất định cao, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và chỉ phát điện khoảng 20% số giờ trong năm. Việc phát triển nóng các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt thời gian xây dựng các dự án điện mặt trời rất nhanh, chỉ khoảng 6-12 tháng, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk,... đang gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải (do lưới điện truyền tải không thể xây dựng đồng bộ vì thời gian đầu tư lưới điện 220 kV tối thiểu 3 năm, lưới 500 kV từ 4-5 năm)./.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quan-ly-chua-tinh-het-su-phat-trien-cac-du-an-dien-mat-troi-975584.vov